Khu lưu trú công nhân Thiên Phát nằm trong Khu chế xuất Linh Trung II (phường Bình Chiểu, TP Thủ Đức) có gần 400 căn hộ. Mỗi căn diện tích 35 m2, giá thuê mỗi tháng từ 1,7-2,2 triệu đồng. Các phòng được ban quản lý đăng ký tạm trú dài hạn để người thuê sử dụng điện, nước đúng giá. Ngay tầng trệt, chủ đầu tư mở nhà trẻ, nhận giữ ngoài giờ để lao động thuận tiện tăng ca. Công nhân muốn thuê phải có hợp đồng lao động.
Ông Nguyễn Văn Lợi, Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư xây dựng sản xuất dịch vụ du lịch Thiên Phát cho hay, sau gần 7 năm hoạt động, khu lưu trú luôn kín chỗ. Lúc nào khu nhà cũng có hơn 30 công nhân đăng ký trong danh sách chờ phòng trống để thuê. Khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, chỉ 10 người xin trả phòng về quê do nhà máy không có việc làm.
Theo ông Lợi, nhu cầu thuê nhà ở lâu dài của công nhân rất lớn. Cách đây 10 năm, khi nghe Thiên Phát được cấp phép dự án nhà lưu trú cho công nhân, chủ tịch một tập đoàn của Nhật Bản, đầu tư vào Khu công nghệ cao, đã đề nghị được trả trước 15 năm tiền thuê để giữ chỗ cho người lao động của mình.
"Chúng tôi cũng muốn xây mới và làm ngay nhưng để thực hiện được không phải dễ", ông Lợi nói và dẫn chứng đối diện khu lưu trú này là dự án 500 căn, thời hạn thuê đất 50 năm, bắt đầu từ năm 2008 nhưng đến nay chưa thể triển khai. Ngoài ra, công ty cũng được giao hai khu đất tổng diện tích 24,4 ha làm nhà ở cho công nhân làm việc trong Khu công nghệ cao nhưng 10 năm chưa thực hiện được vì vướng thủ tục.
Theo Tổng giám đốc Công ty Thiên Phát, chủ trương xây nhà ở cho công nhân có từ lâu nhưng thời gian qua thành phố thực hiện không quyết liệt. Nhiều khu đất trước kia được quy hoạch làm nhà ở xã hội, nhà lưu trú giờ biến thành "đất vàng" nên càng khó. Quỹ đất ngày càng ít nên thay vì xây bán, các dự án nhà ở cho công nhân cần ưu tiên cho thuê để sàng lọc, chọn những người thực sự có nhu cầu, sau đó mới bán lại.
Tương tự, ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Lê Thành - doanh nghiệp đã cung cấp ra thị trường khoảng 7.000 căn hộ cho người thu nhập thấp, cho rằng rào cản lớn nhất hiện nay là thủ tục. Dự án nhà ở thương mại mất từ 4-5 năm để hoàn thiện hồ sơ, pháp lý, còn với nhà ở xã hội quy trình thủ tục khó gấp nhiều lần, thời gian kéo dài hơn. Vì vậy để thu hút nhà đầu tư tham gia xây nhà ở xã hội, thành phố cần tạo thêm cơ chế, chính sách, nhất là rút ngắn khâu thủ tục
TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM nói rằng, thời gian trả góp mua nhà ở xã hội đã được nâng lên 25 năm, số tiền trả hàng tháng cũng nhỏ hơn so với quy định 10-15 năm như trước đây. Tuy nhiên để mua được nhà, người lao động phải có khoản tiết kiệm 200-300 triệu đồng. Với mức thu nhập mỗi tháng chỉ 8-10 triệu đồng và mặt bằng giá hiện tại, phần lớn công nhân chỉ có thể bảo đảm cuộc sống tối thiểu ở thành phố chứ khó tích lũy.
Do đó, theo ông Ngân, nhà nước cần dành một phần của nguồn đầu tư công 2,87 triệu tỷ đồng tập trung cho khu vực tư, tức hỗ trợ cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, xây dựng các khu ký túc xá, khu lưu trú đảm bảo an toàn cho người lao động, giữ họ ở lại với thành phố.
Số liệu từ Sở Xây dựng TP HCM, hiện thành phố có hơn 99.000 căn hộ cho thuê với hơn 723.000 phòng, số người thuê gần 1,7 triệu người, trong đó 886.000 công nhân. Mới đây, thành phố có chủ trương sẽ xây một triệu căn nhà giá rẻ nhằm thay thế chung cư cũ, nhà trên kênh rạch, khu nhà trọ... để người lao động, người thu nhập thấp tiếp cận.
Ông Phạm Chí Tâm, Phó chủ tịch Liên đoàn lao động TP HCM cho hay hiện 90% công nhân ngoại tỉnh đang sống trong các khu nhà trọ do người dân đầu tư. Các chủ nhà trọ có vai trò rất lớn trong giải quyết chỗ ở cho người lao động. Do đó thành phố cần có chính sách hỗ trợ vốn vay để người dân cải tạo chỗ ở, nâng cấp, xây các phòng trọ đạt chuẩn, cho thuê giá hợp lý.
Thực tế, từ năm 2011, thành phố đưa ra chương trình cho hộ gia đình, cá nhân vay vốn xây mới hoặc sửa chữa nhà trọ để công nhân thuê. Tuy nhiên, thông tin từ Quỹ Phát triển nhà ở TP HCM, sau gần 10 năm, rất ít chủ trọ tiếp cận được nguồn vốn này vì khó đáp ứng tiêu chí xét duyệt. Thành phố cần đa dạng nguồn vốn với thủ tục đơn giản và lãi suất hợp lý giúp các chủ nhà trọ dễ tiếp cận.
Để đẩy nhanh tiến độ phát triển nhà ở cho công nhân, Phó giám đốc Sở Xây dựng TP HCM Huỳnh Thanh Khiết cho biết sắp tới thành phố sẽ dùng quỹ đất còn trống ở các khu công nghiệp, khu chế xuất xây nhà lưu trú cho công nhân thuê.
Bước tiếp theo, thành phố sẽ rà soát lại tất cả quỹ đất còn lại của nhà nước, chuyển mục đích sử dụng để mời gọi nhà đầu tư. Đồng thời, chính quyền cũng đơn giản các thủ tục nhằm khuyến khích doanh nghiệp thay vì làm nhà ở thương mại sẽ tham gia xây nhà ở xã hội.
Theo khảo sát của Sở Xây dựng TP HCM, công nhân chỉ có thể dành 15-20% thu nhập hàng tháng, tương đương 1,5-2 triệu đồng chi trả cho nhà ở. Việc này khiến thời gian chi trả khi mua nhà của công nhân kéo dài, nhà đầu tư chậm thu hồi vốn nên không mặn mà. Vì vậy, ngoài hỗ trợ người mua dễ vay vốn từ ngân hàng chính sách với lãi suất 4,8%/năm, thành phố sẽ có phương án hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng nhà ở dành cho người thu nhập thấp.
"Sở Xây dựng sẽ đề xuất vấn đề này lên UBND thành phố, sau đó báo cáo Trung ương để có chính sách tổng thể, nhằm phát triển hiệu quả nhà ở xã hội, giúp người lao động dễ tiếp cận", ông Khiết nói.
Chủ tịch UBND thành phố Phan Văn Mãi cho biết nếu có chính sách tốt, vài tháng nữa TP HCM có thể cải tạo hàng trăm, thậm chí hàng trăm nghìn nhà trọ để người lao động cải thiện ngay chỗ ở. Còn việc xây các chung cư 5-10 tầng phải một năm nữa thành phố mới có thể thực hiện.
Lê Tuyết