Bà Nguyễn Thị Mai, 52 tuổi, là bà nội của Minh Hiếu, 6 tuổi. Hiếu điều trị ung thư máu hơn ba năm qua tại Bệnh viện Ung bướu. Đáng lẽ hai bà cháu bắt xe về quê ở Tây Ninh sáng 24/12, khi đợt truyền hóa chất đã xong. Nhưng Hiếu chưa bao giờ được chơi Noel. Bà chiều cháu, ở lại thêm một ngày để bé cùng các bạn trong Lớp học chữ Bệnh viện Ung bướu tập văn nghệ, đồng diễn chiều cùng ngày.
Ngồi một mình trong góc lớp, bà Mai ngắm cậu bé say mê lắc hông, xoay người, miệng cười toe toét mỗi khi lỡ nhịp bài hát hay va vào bạn bên cạnh. Bà nói "có lẽ đây là ngày vui nhất của Hiếu".
Mới hôm qua, Hiếu truyền hóa chất mệt, nằm im trên giường, nhắm mắt như con mèo hen nhỏ. Bà phải xin bác sĩ điều trị truyền hai chai nước biển, để em đủ sức vui đón Giáng sinh. Những mùa Noel trước, cậu nằm chảy nước mắt, nhìn các bạn khỏe hơn được xuống sân bệnh viện nhận quà và chơi trò chơi.
Cậu bé chưa hiểu ung thư là gì, chỉ hay thắc mắc vì sao phải tiêm nhiều, vì sao không được ở nhà chơi với mẹ và em. Những lúc như vậy, bà nội an ủi cậu, cố gắng chịu đau vài bữa, bệnh khỏi sẽ về quê. Hành trình chữa bệnh của Hiếu luôn có bà nội sát cánh. Mẹ bận chăm hai em còn nhỏ, ba đi làm thuê kiếm tiền, ít có thời gian đưa con đi viện.
"Bệnh ung thư máu của Hiếu đã tái phát một lần, rồi thêm bệnh động kinh, tương lai chưa biết ra sao. Tôi chỉ mong cháu khỏe mạnh, thoải mái làm điều cháu thích", bà Mai chia sẻ.
Năm nay, bé Phạm Ngọc Thiên Kim, hai tuổi, cũng không thể dự lễ Giáng sinh trong nhà thờ. Anh Phạm Văn Tôn, ba bé, cho biết gia đình theo đạo Thiên Chúa, Giáng sinh là lễ lớn nhất trong năm, trùng với đợt Kim truyền hóa chất quan trọng, nên đành đón Noel trong bệnh viện.
Thiên Kim là con đầu lòng. Bé bắt đầu biết đi cũng là lúc phát hiện bị ung thư thận. Khối u lúc đó đã to bằng trái chanh. Nghe bác sĩ thông báo bệnh con, bố mẹ sụp đổ, không thể tin. Mặc dù vậy, chẳng có thời gian để chần chừ, con phải điều trị ngay. Mỗi ba tuần, họ bế con, ngồi xe đò 6 tiếng từ Sóc Trăng lên Sài Gòn chữa bệnh.
Từ đó, lời cầu nguyện gửi của gia đình họ gửi đến Chúa, đều mong mỏi Thiên Kim mau khỏi bệnh, bớt đau. Trước mắt, là khối u bị hóa chất làm cho xẹp xuống, và bé đủ sức khỏe để chuyển sang Bệnh viện Nhi đồng 1 phẫu thuật.
"Giá mà gánh đau được thay con. Chúng tôi sẽ đánh đổi bất kỳ điều gì để con được khỏe lại", anh Tôn nói.
Cô gái Lê Thị Thúy Quỳnh, quê Cà Mau, cũng ước điều giản dị trong đêm Giáng sinh năm 17 tuổi, rằng "được khỏe mạnh". Căn bệnh ung thư xương, điều trị hơn bốn năm tưởng chừng đã tạm lui, không ngờ tái phát nặng. Mấy tháng trước, Quỳnh buộc phải đứng trước lựa chọn sống còn, hoặc là cắt chân phải để bảo tồn sinh mạng, rồi điều trị lại từ đầu, hoặc buông xuôi, mặc kệ cái chết đến gần hơn.
Suýt chút nữa, Quỳnh đã đầu hàng. Nhờ có sự kiên trì động viên của mẹ và bác sĩ, cô nuốt nước mắt, lên bàn mổ, đoạn đi phần chân đã gẫy vụn xương. Hai cây nạng chống lọc cọc xuống mặt sàn, trở thành bạn thân của Quỳnh. Vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, Quỳnh tự nhủ, phải chiến đấu đến cùng. Ngày mai, cô ra viện, thêm một lần ung thư lùi bước.
Cô dự định sẽ không đi học lại, mà sẽ đi học nghề, liên quan đến vẽ và hát, hai năng khiếu của mình.
"Em vẫn còn một chân kia mà, vẫn đi và còn làm được nhiều việc lắm", Quỳnh tâm sự.
Thư Anh