Cầu thận là thành phần chính tạo nên các nephron - các đơn vị chức năng của thận. Cầu thận có chức năng lọc để loại bỏ các chất thải và chất lỏng dư thừa ra khỏi cơ thể dưới dạng nước tiểu.
Tiến sĩ, bác sĩ cao cấp Mai Thị Hiền (Phó trưởng khoa Tiết niệu - Nam học và Thận học, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội) cho biết, viêm cầu thận có thể xảy ra đột ngột (cấp tính) hoặc dần dần (mạn tính) do nhiều nguyên nhân. Tình trạng viêm cầu thận nặng hoặc kéo dài có thể gây suy thận, hỏng thận. Nhận biết đúng nguyên nhân giúp người bệnh được điều trị cải thiện, giảm các rủi ro sức khỏe do biến chứng của bệnh.
Các bệnh truyền nhiễm và nhiễm trùng
Các bệnh truyền nhiễm có thể trực tiếp hoặc gián tiếp dẫn đến viêm cầu thận.
Viêm cầu thận phát triển một hoặc hai tuần sau khi xuất hiện nhiễm trùng họng do liên cầu khuẩn hoặc hiếm gặp hơn là nhiễm trùng da do vi khuẩn tụ cầu vàng (chốc lở).
Viêm nội tâm mạc do vi khuẩn là bệnh nhiễm trùng các lớp nội mạc lót bên trong tim và có thể nhiễm trùng cả van tim. Bệnh cũng có thể gây biến chứng viêm cầu thận.
Nhiễm virus viêm gan B, C có thể gây viêm cầu thận. Nhiễm virus HIV có thể dẫn đến viêm cầu thận và tổn thương thận tiến triển, ngay cả trước khi khởi phát bệnh AIDS.
Bệnh tự miễn
Theo Tiến sĩ Hiền, các bệnh tự miễn do hệ thống miễn dịch tấn công các mô khỏe mạnh có thể gây viêm cầu thận. Khi mắc Lupus ban đỏ hệ thống, nhiều bộ phận cơ thể như da, khớp, tế bào máu, tim, phổi và thận bị ảnh hưởng.
Hội chứng rối loạn hiếm gặp Goodpasture gây viêm cầu thận do hệ thống miễn dịch tạo ra các kháng thể đối với các mô trong phổi và thận. Người mắc hội chứng này có thể bị tổn thương thận tiến triển và vĩnh viễn trở thành mạn tính nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Bệnh thận IgA xảy ra khi kháng thể lắng đọng tích tụ trong cầu thận. Bệnh thường phát triển âm thầm và chỉ được phát hiện khi xét nghiệm nước tiểu thấy có hồng cầu và protein niệu.
Viêm mạch
Viêm mạch là tình trạng viêm của các mạch máu. Viêm đa động mạch ảnh hưởng đến các mạch máu vừa và nhỏ ở nhiều bộ phận trên cơ thể bao gồm thận, da, cơ, khớp và đường tiêu hóa.
Bệnh u hạt kèm theo viêm nhiều mạch cũng ảnh hưởng đến các mạch máu trong phổi, đường hô hấp trên và thận.
Nguyên nhân khác
Một số bệnh hoặc tình trạng bệnh mạn tính mà không được điều trị kịp thời như huyết áp cao, tiểu đường cũng có thể gây biến chứng viêm cầu thận và lâu dài có thể gây suy thận. Viêm cầu thận có thể liên quan đến một số bệnh ung thư như dạ dày, ung thư phổi và bệnh bạch cầu lympho mạn tính. Dù không nhiều nhưng một số dạng viêm cầu thận mạn có tính di truyền trong gia đình.
Theo Tiến sĩ Hiền, bên cạnh việc tìm nguyên nhân để đưa ra hướng điều trị đúng cách, phù hợp, hiệu quả, mọi người cũng cần chú ý phòng ngừa bệnh như điều trị kịp thời khi bị nhiễm trùng như viêm họng do liên cầu khuẩn hoặc chốc lở do nhiễm tụ cầu. Ngăn ngừa các bệnh nhiễm trùng, kiểm soát huyết áp làm giảm khả năng tổn thương thận do tăng huyết áp, kiểm soát lượng đường trong máu ngăn ngừa bệnh thận do tiểu đường. Khám phát hiện sớm viêm cầu thận để được điều trị phù hợp với nguyên nhân sẽ giúp ngăn ngừa được tiến triển đến suy thận mạn tính, giảm thiểu nguy cơ phải lọc máu và ghép thận.
Lục Bảo