Nhiệt độ cơ thể
Vào ban đêm, nhiệt độ cơ thể giảm xuống nhờ một tuyến trong não gọi là vùng dưới đồi điều chỉnh. Tuyến này báo hiệu cơ thể đang trải qua giai đoạn làm mát tự nhiên trong lúc ngủ. Nếu da giải phóng nhiệt trong giai đoạn này có thể tăng cảm giác ngứa.
Sự dao động của hormone
Các hormone trung hòa chứng viêm như cortisol tuân theo nhịp sinh học của cơ thể. Vào ban ngày, tuyến thượng thận bắt đầu tăng tiết cortisol, làm nồng độ hormone này tăng dần ở buổi sáng. Khi đến đêm, tuyến thượng thận tiết ra rất ít cortisol nhưng lại nhiều cytokine hơn. Lúc này, các protein của hệ thống miễn dịch tạo ra tình trạng viêm có thể gây ngứa hoặc khiến tình trạng trầm trọng hơn.
Mất nước
Da thường mất độ ẩm vào ban đêm. Bệnh này thường gặp ở người lớn tuổi, nhất là trong những tháng lạnh hơn. Da khô có thể xuất hiện dưới dạng bong tróc hoặc đóng vảy.
Phản ứng dị ứng
Một số phản ứng dị ứng gây phát ban và ngứa không kiểm soát. Nguyên nhân do làn da có thể nhạy cảm với niken. Một số vật liệu có chứa niken là trang sức, gọng kính, khóa thắt lưng, dây kéo quần áo.
Côn trùng cắn
Người bị muỗi đốt có cảm giác ngứa da thường rất rõ ràng và ngứa có xu hướng biến mất nhanh chóng. Khi bọ sống trên da hoặc hút máu bạn mỗi đêm, ngứa có thể kéo dài và không thể kiểm soát. Các loại côn trùng có thể dẫn đến tình trạng này gồm rệp, chấy rận và ve (ghẻ).
Bệnh viêm da
Các bệnh lý như chàm, vẩy nến có thể gây ra các sang thương trên da làm khô, đỏ và ngứa. Theo nghiên cứu Trường Đại học Northwestern (Mỹ), bệnh nhân mắc bệnh chàm khó đi vào giấc ngủ và thức giấc sớm do ngứa. Nghiên cứu này công bố năm 2014 với gần 35.000 người trưởng thành.
Ngứa và gãi thường xuyên có thể tổn thương da, nhiễm trùng hoặc để lại sẹo. Để ngăn ngừa tình trạng khô da, bạn nên sử dụng xà phòng và các sản phẩm chăm sóc da không gây dị ứng, không chứa hương liệu. Tránh sử dụng hóa chất mạnh và đặt máy tạo độ ẩm tại nhà để bổ sung độ ẩm cho không khí.
Thoa kem dưỡng ẩm thường xuyên, nhất là sau khi tắm xong. Hạn chế tắm vòi sen lâu hơn 10 phút và nên tắm nước ấm. Tránh gãi vùng da khô vì có thể làm hỏng bề mặt da.
Vận động cơ thể cũng là cách giảm ngứa hiệu quả. Bạn có thể thực hiện vài động tác yoga nhẹ nhàng hoặc thiền để bớt căng thẳng, giúp buồn ngủ nhanh.
Nếu ngứa do dị ứng kim loại, bạn có thể sử dụng nước muối sinh lý và các thuốc bôi theo hướng dẫn của bác sĩ để làm giảm triệu chứng bệnh. Nên tránh đeo hoa tai, dây chuyền, nhẫn khi đi ngủ và hạn chế mặc đồ bó sát.
Người bệnh chàm và vẩy nến thoa kem dưỡng ẩm thường xuyên để giữ ẩm cho làn da. Nên đến bác sĩ khám để được chỉ định dùng thuốc kiểm soát triệu chứng.
Ngoài những nguyên nhân trên, ngứa da vào ban đêm có thể xảy ra khi mắc bệnh như gan, thận, thiếu máu, tiểu đường, tuyến giáp hoặc ung thư hạch. Bạn nên theo dõi tình trạng sức khỏe khi có cảm giác ngứa. Nếu ngứa gây mất ngủ hoặc tình trạng này kéo dài hơn một vài tuần, bạn nên đến bệnh viện khám.
Huyền My (Theo Verywell Health, Viện Da liễu Mỹ AAD)