Mồ hôi tiết ra nhiều khi ở ngoài trời nắng nóng hoặc tập thể dục là bình thường. Người thường đổ mồ hôi ngay cả khi nghỉ ngơi trong môi trường mát mẻ có thể bị tăng tiết mồ hôi do các bệnh lý tiềm ẩn. Các dấu hiệu của tình trạng này bao gồm:
- Đổ mồ hôi rất nhiều và không có lý do rõ ràng.
- Lòng bàn tay đổ mồ hôi nhiều đến mức thấy rõ nước trên bề mặt da.
- Thường xuyên phải thay quần áo ẩm ướt, tắm nhiều lần trong ngày.
- Có mùi cơ thể do đổ mồ hôi quá nhiều dù tắm thường xuyên.
- Đổ mồ hôi nhiều hơn bình thường gây khó chịu, ảnh hưởng đến sinh hoạt.
- Luôn phải cầm theo khăn lau mồ hôi.
Nếu người bệnh gặp phải tình trạng này từ khi còn nhỏ tuổi hoặc thanh thiếu niên, đây được gọi là tăng tiết mồ hôi nguyên phát. Mồ hôi chỉ tiết ra nhiều ở một vùng hoặc một vài vùng như nách, lòng bàn tay, bàn chân, đầu, thường không xảy ra vào ban đêm. Tình trạng này xuất hiện ít nhất một lần một tuần nhưng có xu hướng thường xuyên hơn, khiến da bị kích ứng hoặc nhiễm trùng.
Nếu bắt đầu ở tuổi trưởng thành được gọi là chứng tăng tiết mồ hôi thứ phát. Người bệnh có thể đổ mồ hôi toàn thân và trong lúc ngủ.
Khoảng 30-50% người mắc chứng tăng tiết mồ hôi nguyên phát có tiền sử gia đình gặp tình trạng này, tức liên quan yếu tố di truyền.
Chứng tăng tiết mồ hôi thứ phát có thể không xác định được nguyên nhân, dù tình trạng này thường liên quan đến thuốc hoặc tình trạng toàn thân.
Bệnh cường giáp: Đổ mồ hôi quá nhiều có thể do tuyến giáp hoạt động quá mức, điều trị bằng thuốc chẹn beta, liệu pháp iốt phóng xạ và phẫu thuật.
Hạ đường huyết: Lượng đường trong máu thấp do bỏ bữa và cần ăn thêm cũng dẫn đến tăng tiết mồ hôi đột ngột.
Bệnh tiểu đường: Đổ nhiều mồ hôi cũng là triệu chứng của tiểu đường, một tình trạng nghiêm trọng cần kiểm soát lượng đường trong máu, huyết áp và cholesterol. Phương pháp điều trị có thể dùng insulin hoặc các loại thuốc khác.
Mãn kinh: Bốc hỏa, đổ mồ hôi đêm thường xảy ra ở phụ nữ giai đoạn này. Nếu các triệu chứng ảnh hưởng đến đời sống, bác sĩ có thể kê đơn thuốc có chứa hormone và không chứa hormone giúp hết bốc hỏa.
Thuốc: Các loại thuốc giảm đau, thuốc chống trầm cảm, thuốc chống loạn thần, thuốc tim mạch và huyết áp... có thể gây ra tác dụng phụ là đổ nhiều mồ hôi.
Các nguyên nhân tiềm ẩn khác như lo lắng, béo phì, mang thai, các bệnh nhiễm trùng (bệnh lao, HIV), chấn thương ở đầu hoặc tủy sống, khối u, một số loại ung thư, lạm dụng hoặc cai nghiện ma túy hoặc rượu...
Để cơ thể khô ráo, bạn có thể sử dụng sản phẩm chống mồ hôi mỗi sáng, mặc quần áo rộng rãi, thoáng khí, nhất là vải thấm hút mồ hôi. Tránh mặc quần áo quá chật và chuẩn bị sẵn quần áo thay khi cần. Sử dụng miếng lót nách để thấm hút mồ hôi. Chọn nơi râm mát, tránh ánh nắng trực tiếp.
Tránh các tác nhân gây đổ mồ hôi phổ biến bao gồm nhiệt, lo lắng, các thực phẩm và đồ uống có chứa cồn, caffeine, cay nóng.
Đi xăng đan khi có thể để chân thông thoáng giúp kiểm soát tình trạng đổ mồ hôi chân. Chọn giày làm từ chất liệu tự nhiên, đảm bảo giày khô hoàn toàn trước khi mang. Mang vớ thấm mồ hôi và thay vớ nếu ướt.
Người bị đổ mồ hôi quá nhiều hoặc kéo dài không có lý do rõ ràng nên đi khám. Trường hợp có kèm các dấu hiệu như đau hoặc tức ngực, sốt, khó thở, nhịp tim nhanh, giảm cân cũng nên đến bác sĩ.
Anh Ngọc (Theo Verywell Health)
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh da liễu - thẩm mỹ da tại đây để bác sĩ giải đáp |