Đỏ mặt được kích hoạt bởi những cảm xúc đưa máu lên mặt, khiến má đỏ. Tuy nhiên, có một số tình trạng có thể khiến mặt như đang đỏ nhưng thực tế không phải vậy. Dưới đây là các nguyên nhân.
Cảm xúc cực độ
Một loại hormone gọi là epinephrine tiết ra khi tức giận, xấu hổ có thể khiến các mạch máu trên mặt giãn nở. Đây là phản ứng bình thường của hệ thần kinh. Tình trạng này thường đi kèm với đổ mồ hôi, cảm giác nóng rát trên mặt.
Thay đổi nhiệt độ cơ thể
Khi tập thể dục cường độ cao hoặc nhiệt độ thay đổi đột ngột, các mạch máu giãn ra để làm mát cơ thể và hình thành nên phản ứng khiến da đỏ bừng. Tình trạng này không phải là nguyên nhân đáng lo ngại. Lúc này, bạn nên uống nước, hít thở sâu để giảm nhiệt cơ thể.
Tuy nhiên, bạn nên đến bệnh viện nếu da đỏ bừng kèm theo các triệu chứng như khó thở, kiệt sức hoặc lú lẫn. Đây có thể là dấu hiệu của một bệnh liên quan đến nhiệt như kiệt sức vì nóng hoặc say nắng.
Rối loạn nội tiết
Hệ thống nội tiết bao gồm các tuyến sản xuất hormone. Cơ thể sản xuất quá nhiều hoặc quá ít hormone làm gián đoạn quá trình trao đổi chất của cơ thể. Ngoài ra, rối loạn nội tiết còn gây đỏ mặt vì tạo ra lượng hormone cao ảnh hưởng đến căng thẳng, huyết áp hoặc giãn nở mạch máu.
Mãn kinh
Thời kỳ mãn kinh thường gây ra những cơn bốc hỏa do sự thay đổi của hormone và phần não kiểm soát nhiệt độ cơ thể. Ngoài dấu hiệu đỏ mặt, nhịp tim cũng đập nhanh hơn và cảm giác ớn lạnh khi cơn nóng bừng kết thúc. Uống một ngụm đồ uống mát, hít thở sâu hoặc dùng liệu pháp hormone, các loại thuốc khác có thể giúp giảm đau.
Mụn trứng cá đỏ
Mụn trứng cá đỏ (rosacea) đặc trưng bởi mẩn đỏ và nổi mụn trên da, phổ biến hơn ở người lớn trên 30 tuổi, nhất là những người có tông da sáng. Bệnh thường bắt đầu thường bắt đầu bằng các đợt đỏ bừng, sau đó là cảm giác nóng rát và châm chích, nổi nốt mụn đỏ, mụn mủ và mẩn đỏ vĩnh viễn. Thuốc kháng sinh hoặc thuốc trị mụn có thể giúp giảm các triệu chứng của mụn trứng cá đỏ, ngăn ngừa bệnh tiến triển.
Bệnh chàm
Bệnh chàm có thể gây phát ban trông dữ dội trên má khiến nhiều người lầm tưởng như tình trạng đỏ mặt. Tuy nhiên, bệnh chàm không liên quan đến mạch máu giãn nở mà do các mảng da bị phát bệnh. Ở người da sáng, bệnh sẽ biểu hiện bằng các nốt phát ban đỏ. Trường hợp da sẫm màu hơn là mảng màu nâu, tím hoặc xám sẫm hơn thay vì màu đỏ.
Để phòng tránh tác nhân gây hại, bạn nên thường xuyên thoa kem dưỡng ẩm để giữ nước cho làn da. Bạn cũng cần đến bác sĩ khám để dùng thuốc phù hợp nhằm kiểm soát các triệu chứng.
Ngoài các tình trạng trên, đỏ bừng mặt còn do tiêu thụ quá nhiều thức ăn cay nóng, uống rượu bia hoặc các loại thuốc điều trị huyết áp cao, bệnh tuyến giáp.
Huyền My (Theo WebMD, Verywell Health)
Độc giả gửi câu hỏi bệnh da liễu tại đây để bác sĩ giải đáp |