Bác sĩ Đoàn Ngọc Thiện, Khoa Nam học, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh cho biết, viêm tinh hoàn có nguyên nhân điển hình là do virus gây bệnh quai bị Paramyxovirus. Bệnh dễ lây lan qua đường hô hấp, khi các giọt bắn từ người bệnh truyền trực tiếp sang người lành. Dịch quai bị dễ bùng phát ở nơi đông đúc như trường học, nhà trẻ, bệnh viện. Người viêm quai bị thường có triệu chứng dễ nhầm lẫn với viêm tuyến nước bọt. Tuy nhiên, hậu quả của bệnh quai bị nghiêm trọng hơn, nhất là với chức năng sinh sản của nam giới.
Các triệu chứng viêm tinh hoàn sẽ xuất hiện từ ngày thứ 7 đến thứ 10 sau khi người bệnh mắc quai bị. Số liệu thống kê cho thấy, 1/3 bé trai nhiễm bệnh quai bị sẽ viêm tinh hoàn và dẫn đến teo tinh hoàn. Sau tuổi dậy thì, bệnh quai bị là nguyên nhân gây viêm tinh hoàn ở 20-35% trường hợp.
Nguyên nhân gây viêm tinh hoàn còn do người bệnh nhiễm các loại vi khuẩn như E.Coli, liên cầu khuẩn Streptococcus, vi khuẩn gây các bệnh lây truyền qua đường tình dục như Chlamydia, lậu, giang mai... Nam giới có nguy cơ viêm tinh hoàn do biến chứng từ các bệnh lý hay tình trạng sức khỏe như nhiễm trùng đường tiết niệu, người có đặt ống dẫn lưu nước tiểu từ bàng quang...
Khi viêm nhiễm, tinh hoàn sẽ bị tổn thương dẫn đến teo tinh hoàn, ung thư tinh hoàn, áp xe bìu, viêm tuyến tiền liệt... Bệnh có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của nam giới, do tinh hoàn bị teo làm giảm số lượng và chất lượng tinh trùng, gây khó khăn cho việc thụ thai. Nếu người bệnh bị viêm tinh hoàn lâu ngày, không được phát hiện kịp thời và điều trị đúng phác đồ không chỉ bị vô sinh, mất một hoặc hai tinh hoàn mà còn có thể dẫn đến tử vong.
Theo bác sĩ Ngọc Thiện, hầu hết các trường hợp viêm tinh hoàn mang tính chất cấp tính. Người bệnh cảm thấy đau đột ngột, dữ dội ở một hoặc cả hai tinh hoàn, có thể lan sang háng. Bên cạnh đó, người bệnh còn có các triệu chứng như tinh hoàn mềm, sưng đỏ hoặc tím, tinh dịch có máu, sốt cao, buồn nôn, nôn, đau khi tiểu tiện và đại tiện, đau khi giao hợp, mệt mỏi... Bệnh từ cấp tính sẽ nhanh chóng chuyển thành mạn tính, từ một tinh hoàn có thể lan ra hai tinh hoàn.
Để chẩn đoán viêm tinh hoàn, ngoài khám lâm sàng, hỏi bệnh sử, bác sĩ có thể chỉ định siêu âm tinh hoàn bị viêm (hoặc cả hai tinh hoàn) để loại trừ nguyên nhân do xoắn tinh hoàn; khám trực tràng để kiểm tra nguy cơ viêm tuyến tiền liệt; xét nghiệm nước tiểu tìm các vi khuẩn, virus gây bệnh lây qua đường tình dục; xét nghiệm máu để tìm virus HIV và giang mai.
Bác sĩ Ngọc Thiện cho biết bệnh nhân viêm tinh hoàn thường được điều trị bằng thuốc kháng sinh để chống nhiễm khuẩn và ngăn ngừa nguy cơ lây lan. Nam giới có thể dùng thuốc tại nhà theo phác đồ tối thiểu là 10 ngày. Nếu bệnh có liên quan đến viêm tuyến tiền liệt, thời gian dùng thuốc sẽ dài hơn.
Trường hợp người bệnh sốt cao, nôn mửa, mệt nhiều có thể cần nhập viện để được truyền thuốc kháng sinh trực tiếp vào tĩnh mạch. Nếu viêm tinh hoàn do quai bị, người bệnh sẽ được chăm sóc tại nhà và khỏi bệnh sau 1-3 tuần. Khi điều trị tại nhà, người bệnh cần trao đổi với bác sĩ về việc dùng các loại thuốc kháng viêm không Steroid (NSAID), đồng thời mặc quần áo thoải mái, chườm lạnh mỗi 15-20 phút/lần trong những ngày đầu bị viêm.
Để phòng viêm tinh hoàn, nam giới nên quan hệ tình dục an toàn, sử dụng bao cao su để tránh nhiễm các bệnh lây qua đường tình dục, tiêm phòng quai bị đầy đủ, kiểm tra tuyến tiền liệt định kỳ hoặc theo chỉ định của bác sĩ nếu trên 50 tuổi. Khi có dấu hiệu viêm tinh hoàn, nên nhanh chóng đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh ảnh hưởng đến sức khỏe và khả năng sinh sản. Nam giới bị viêm tinh hoàn nên tránh quan hệ tình dục trong thời gian điều trị cho đến hoàn tất liệu trình kháng sinh theo chỉ định và không còn các triệu chứng liên quan.
Hân Thái