Lang ben nằm trong số những bệnh nấm da phổ biến ở Việt Nam, do khí hậu nóng ẩm của vùng nhiệt đới là điều kiện thuận lợi cho nấm phát triển và lây lan. Đặc biệt vào mùa hè, nhiệt độ tăng cao, mồ hôi nhiều, ẩm ướt, mặc áo quần chật chội, bó sát, vệ sinh kém... có thể làm tăng nguy cơ mắc và tái phát bệnh lang ben.
Những người có cơ địa da dầu, đổ nhiều mồ hôi cũng như dầu trên da dễ bị lang ben. Người lao động thường xuyên phải làm việc ngoài trời trong nhiều giờ, đổ mồ hôi nhiều... dễ khiến nấm dễ sinh sôi và gây ra lang ben. Ngoài ra, thanh thiếu niên ở tuổi dậy thì cũng có nhiều nguy cơ khi các tuyến dầu trên da hoạt động mạnh vào mùa hè. Người có hệ miễn dịch yếu, mắc các bệnh như đái tháo đường, phụ nữ mang thai cũng dễ bị tình trạng này.
Lang ben do nấm Pityrosporum ovale gây ra. Loại nấm này thường tồn tại vô hại trên da người, song khi gặp yếu tố thuận lợi, chúng có thể phát triển và gây bệnh, hình thành các mảng da tròn, nhỏ có màu sáng hơn hoặc sẫm màu hơn vùng da xung quanh.
Các đốm lang ben thường có màu trắng, hồng, đỏ, nâu, nâu nhạt hoặc vàng. Trên da sẫm màu, lang ben có màu trắng hoặc nâu nhạt. Trên da sáng hơn, lang ben trông có màu đỏ hoặc hồng nhạt. Bệnh có thể gây ngứa tại chỗ hoặc xung quanh, các mảng da có thể bị khô và đóng vảy... Bệnh gây mất thẩm mỹ, gây tự ti về ngoại hình.
Bệnh lang ben dễ lây lan. Thời gian đầu, những đốm lang ben có thể xuất hiện ở diện tích nhỏ, sau lan rộng ra diện tích lớn như một nửa thân trên, ở lưng, ngực, mặt. Lang ben còn có thể lây lan cho người khác qua việc dùng chung các vật dụng cá nhân, nằm chung giường, chiếu...
Ở những trường hợp lang ben nhẹ, người bệnh có thể sử dụng kem bôi, sữa dưỡng hoặc dầu gội chống nấm bán tại các hiệu thuốc. Nhiều bệnh nhân chọn tự điều trị bệnh lang ben tại nhà. Cách phổ biến là sử dụng dầu gội trị gàu có chứa selen. Người bệnh có thể thoa dầu gội lên da khi tắm và để yên trong vài phút trước khi xả sạch. Ngoài ra, người bị lang ben có thể sử dụng theo chỉ dẫn các loại thuốc có sẵn không kê đơn.
Nếu tình trạng bệnh không thuyên giảm sau vài tuần, người bệnh nên tới khám tại các cơ sở y tế. Các bác sĩ không khuyến khích các biện pháp điều trị tự nhiên tại nhà vì tác dụng chưa được nghiên cứu kỹ.
Bệnh lang ben thường không gây ra biến chứng nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu không được điều trị, người bệnh có thể gặp các triệu chứng nặng hơn như da tăng đổi màu hoặc ngứa, cũng như dễ lây lan cho những người xung quanh.
Nếu người bệnh có tiền sử bị lang ben, bác sĩ có thể khuyến khích sử dụng xà phòng để ngăn ngừa nhiễm trùng và nấm men phát triển quá mức; sử dụng thuốc theo toa trong những tháng mùa hè khi lang ben có nguy cơ tái phát. Hầu hết trường hợp lang ben sẽ thuyên giảm nếu được điều trị đúng cách.
Để giảm nguy cơ tái nhiễm lang ben khi nắng nóng, người bệnh nên tránh tiếp xúc với ánh sáng mặt trời và nhiệt; thoa kem chống nắng; mặc quần áo rộng rãi, thoáng khí để giảm tiết mồ hôi, tắm rửa sạch sẽ sau khi vận động.
Hoài Phong (Theo Cleveland Clinic)