Tôi không đồng tình với quan điểm xem trọng học tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai. Chúng ta chỉ nên coi nó là môn phụ và khuyến khích trẻ nếu chúng thích. Còn thực tế, 12 năm học phổ thông học sinh đã vật lộn với tiếng Anh, đến khi lên Đại học lại học lại từ đầu để làm gì? Chưa kể bây giờ, nhiều sinh viên bị giam bằng vì không thể có điểm tiếng Anh đạt chuẩn, như vậy khác nào mất thêm bốn năm lãng phí dù khi ra trường sẽ làm những công việc không cần sử dụng đến ngoại ngữ hoặc chỉ cần trình độ tiếng Anh sơ cấp, nghe hiểu vài câu giao tiếp đơn giản?
Tôi đọc sách, thấy nhiều từ tiếng Anh (tên người, tên địa danh, tên vật dụng, sự kiện, khoa học...) có phiên âm tiếng Việt (kèm từ tiếng Anh gốc để trong ngoặc) rất dễ hiểu, thể hiện như vậy vừa dễ hình dung, vừa phổ cập kiến thức lẫn ngôn ngữ đến cả những người không cần biết tiếng Anh. Khi có nhu cầu thì tự khắc người ta sẽ học chuyên biệt hơn, như thế sẽ khả thi hơn việc bắt buộc tất cả đều phải biết tiếng Anh.
Tôi có một điều rất tự ái mỗi khi nhắc đến vấn đề này, đó là, tại sao chúng ta đi ra nước ngoài, phải học ngôn ngữ của họ, nhưng khi người nước ngoài đến Việt Nam, chúng ta lại phải ép mình học tiếng Anh để phục vụ họ thay cho việc khuyến khích họ học ngôn ngữ của ta? Có lẽ đó cũng là một phần lý do tại sao người Việt thích người nước ngoài nói tiếng Việt, vì cảm giác ngôn ngữ của mình được ngang bằng với thế giới và đưa được ngôn ngữ dân tộc đến với nước bạn.
>> 'Xét tuyển đại học bằng IELTS là xu thế tất yếu'
Không ai nói tiếng Anh không quan trọng, nhưng đừng bắt những người không có nhu cầu dùng đến nó phải học. Như các sinh viên bây giờ, bị đóng khung đầu ra phải có điểm tiếng Anh, vậy nếu sau này không có nhu cầu sử dụng mà bằng cấp bị giam vì cái tín chỉ ấy, liệu có công bằng với họ không?
Tôi hiểu tình thương và sự lo lắng của thầy cô, tôi nhớ ngày lớp chúng tôi từ chối chuẩn tiếng Anh trường bắt buộc (khóa đầu tiên áp dụng chuẩn tiếng Anh đầu ra) với lý do không ghi rõ từ khi tuyển sinh và quá muộn để học khi chỉ còn khoảng năm tháng nữa là ra trường. Cô Hiệu phó đã đứng khóc trước lớp và nói rằng chuẩn đầu ra sẽ giúp các em tăng cơ hội việc làm lẫn thu nhập, nhưng nếu cả lớp từ chối thì trường đành thuận theo.
Đôi khi, tôi nghĩ, năm đó chúng tôi thật may mắn vì không đứa nào bị giam bằng do không đủ chuẩn tiếng Anh. Thực tế, đến hôm nay, số bạn bè của tôi làm việc phải dùng tiếng Anh cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay, và những người ắt đầu làm công việc cần ngoại ngữ đều phải đi học lại ở trung tâm, vì ngôn ngữ học mà không dùng thường xuyên cũng sẽ quên thôi. Trong khi đó, nhóm bạn và các em khóa sau bị dính chuẩn tiếng Anh đầu ra thì không thể lấy bằng Đại học, gây ảnh hưởng trực tiếp đến cơ hội việc làm của họ. Điều đó có lẽ còn khủng khiếp hơn so với việc không có tiếng Anh.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.