(Bài viết Ý Kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.)
Phát minh không phải do sự tưởng tượng ngẫu nhiên hay đột xuất mà do ý thức cải tiến. Ví dụ, ban đầu người ta dùng cuốc để làm đất, vun luống. Sau đó, một người nào đó nghĩ ra việc cắm một vật nhọn xuống đất rồi kéo nó đi, hiệu quả cũng tương tự mà nhanh hơn. Vậy là cái cày ra đời. Lúc đầu là người kéo cày, rồi súc vật kéo cày, cuối cùng là xe cơ giới kéo cày. Phát minh là như vậy, dựa trên sự cải tiến những cái có sẵn từ đời này qua đời kia, dựa trên tri thức ngày càng nhiều và phức tạp hơn.
Chẳng có ai phát minh không dựa trên cơ sở khoa học hay thực tế nào. Ông Edison phát minh ra máy điện thoại để bàn, là cải tiến từ máy điện tín (mã Morse). Cơ sở để phát minh ra máy điện tín từ sự ngắt nhập dòng điện theo quy luật nhất định. Không có điện thì cái gì cũng không phát minh được, đừng nói là tưởng tượng ra mà làm được. Điện thoại để bàn tiếp tục được cải tiến thành điện thoại di động (loại "cục gạch") nhờ có thêm một cơ sở khoa học khác – sóng vô tuyến. Điện thoại cục gạch phát triển thành điện thoại thông minh nhờ tích hợp một số tính năng của máy tính. Như vậy, phát minh là vô số cải tiến để làm cho vật có sẵn dễ sử dụng hơn, nhiều tính năng hơn, tiết kiệm thời gian hơn.
Người ta phát minh máy bay như thế nào? Trước hết họ dựa vào mô hình thực nghiệm của nhà vật lý lý thuyết kiêm họa sĩ, kiêm nhà văn Leonard de Vince ở thế kỷ 15. Theo ông, một vật có thể bay được nếu nó có diện tích đủ lớn để không khí nâng nó lên. Từ đó, họ tạo ra mô hình tàu lượn. Tuy nhiên, cái tàu lượn ấy không thể cất cánh được từ mặt đất – phải mang nó lên điểm cao nào đó rồi đẩy nó xuống. Người ta nghĩ ra việc lắp động cơ cánh quạt để thổi gió nâng hai cánh. Vậy là cái máy bay đơn giản nhất ra đời.
Như vậy, phát minh có khó không? Không khó. Chỉ cần óc quan sát cộng với tri thức là tạo ra phát minh. Lẽ tất nhiên, bạn phải làm việc nhiều năm ở lĩnh vực đó, quen thuộc với cái có sẵn, phát hiện ra những cái đó có thể cải tiến thêm thì mới có phát minh. Bạn không biết gì về điện thì không thể phát minh ra cái gì chạy bằng điện.
>> Từ đồ chơi tự chế thành phát minh giúp dân nghèo
Điều này cũng giống như một chuyện cười của nhà văn Aziz Nesin: cái máy nhập từ nước ngoài về bị hỏng, chẳng ai biết phải sửa như thế nào? Người ta gọi kỹ sư từ hãng chế tạo sang để sửa. Ông kỹ sư nhòm tới nhòm lui rồi gõ một phát vào cái máy. Nó chạy. Ông ta đòi 1.000 đôla tiền sửa cái máy. Vậy, vì sao gõ có một phát đơn giản như vậy mà đòi những 1.000 đôla? "- Quan trọng là gõ vào đâu", ông kỹ sư trả lời.
Người Việt ta cũng chẳng khác gì những người Thổ Nhĩ Kỳ ấy. Có bạn nói rằng làm sao kiếm được tiền tài trợ phát minh? Bạn cho rằng phát minh của mình nếu nghiên cứu thành công thì bạn giàu to? Điều đó chỉ đúng khi bạn tự bỏ tiền túi ra phát minh. Bởi luôn có nhà tài trợ phát minh. Và đương nhiên, bản quyền phát minh nhà tài trợ hưởng, còn người phát minh chỉ được hưởng ăn theo theo doanh thu bán sản phẩm (không quá 1%). Việc của bạn là chứng minh cho nhà tài trợ họ sẽ lãi đậm thế nào nếu phát minh thành công.
Ở Việt Nam có ai có dự án gì có thể thuyết phục được nhà tài trợ? Dù chỉ là ý tưởng thôi còn ít, nói gì đến cái gì cụ thể. Tiền tài trợ chẳng bao giờ thiếu, cái thiếu là ý tưởng khả thi. Chỉ cần ý tưởng khả thi thôi, người ta sẽ tranh nhau để được tài trợ cho bạn.
Ví dụ đơn giản với dịch Covid 19, vào lúc dịch bùng phát mạnh mẽ ở Âu-Mỹ, nếu bạn nói chỉ cần đủ tiền tài trợ, trong vòng một năm sẽ nghiên cứu ra vaccine. Người ta sẽ tranh cướp nhau để được tài trợ cho bạn. Nhưng nếu là 5 năm thì người ta sẽ thận trọng hơn vì thời gian đó nếu có ai nghiên cứu ra vaccine trước bạn thì tiền tài trợ cho bạn sẽ là công cốc. Phải có lợi người ta mới tài trợ chứ có ai khi không ném tiền ra tài trợ cho người khác bao giờ?
Lo không tìm được tiền tài trợ là lo bò trắng răng. Đừng nói là phát minh, bất kỳ ý tưởng gì tạo ra lợi nhuận vượt trội, luôn có người tài trợ. Việc của ta là nghĩ ra cái ý tưởng đó.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.
Lâm