Nhiều doanh nghiệp bất động sản đang bắt đầu rục rịch tuyển dụng trở lại để đón sóng hồi phục khi nhu cầu mua nhà đất tăng cao. Kỳ vọng làm giàu nhanh khiến nhiều người đổ xô đi làm bất động sản, trong đó có một bộ phận không nhỏ nhân viên văn phòng, đội ngũ trí thức, có trình độ học vấn. Câu hỏi đặt ra là môi giới bất động sản hay "cò đất" có phải một nghề cần thiết cho xã hội?
Lo ngại những hệ lụy tiêu cực mà "có đất" mang lại, độc giả Kevindu nhận định: "Theo tôi, bán đất chỉ cần qua một sàn giao dịch bất động sản với chi phí hợp lý là được. Còn để cò đất làm loạn giá thị trường như hiện nay hại nhiều hơn lợi. Ở đây, tôi vẫn tôn trọng và không ác cảm với những bạn môi giới chân chính mà chỉ muốn đề cập tới những cò đất tự phát trục lợi từ thị trường.
Hình dung cho thuê cái nhà mà cũng cần phải qua môi giới thì thật sự chúng ta chưa thể hòa nhập kịp với xã hội hiện đại rồi. Thuê hoặc cho thuê nhà bây giờ chỉ cần lên các sàn điện tử để đăng tin hoặc lựa chọn, không mất phí môi giới 0,5-1 tháng tiền thuê. Còn cứ qua tay mấy môi giới là toàn lấy hình nhà đẹp ra đăng lừa đảo, mất thời gian của nhau.
Đất đai ở Việt Nam tăng giá chủ yếu do bởi đầu cơ thổi giá, bán ăn chênh lệch, vì đa phần người dân không biết làm gì để sinh lợi như đầu cơ đất (mua mảnh đất 3 tỷ rồi bỏ đó 2-3 năm không cần làm gì cũng kiếm được 1-2 tỷ đồng, bằng người lao động cả đời)".
Đồng quan điểm, bạn đọc Vũ Gia nhấn mạnh những ảnh hưởng xấu đến xã hội khi số lượng môi giới bất động sản tăng cao, dùng nhiều chiêu trò để trục lợi: "Tất nhiên, cứ lao động chân chính, thì nghề nào cũng đáng quý, đáng trân trọng. Môi giới bất động sản cũng là một nghề, nếu hoạt động trung thực thì nghề đó là cầu nối giữa người bán và người mua. Tuy nhiên, thực tế, chỉ vì tham làm giàu nhanh, nhiều môi giới lại bày mưu mẹo, đẩy giá trị mảnh đất lên cao hơn so với giá trị thực để kiếm lời.
Câu 'người đẻ chứ đất không đẻ' sẽ dần không còn đúng nữa. Dân số Việt Nam đang già hóa. Dần dần những làng quê sẽ chỉ có người già, thậm chí sau này có thể bỏ không. Vậy mà đất ở quê qua đội ngũ môi giới bất động sản vẫn bị đẩy lên quá cao, cứ truyền tay nhau để ăn chênh, bao nhiêu năm mảnh đất không tạo ra một giá trị nào cả. Vì sản xuất, kinh doanh không tạo ra lợi nhuận bằng đợi bán ăn chênh lệch. Lạm phát từ đó, không công ăn việc làm từ đó, tệ nạn chơi bời cũng từ đó".
>> 'Một miếng đất qua tay mười kẻ đầu cơ'
Trong khi đó, với các nhìn cởi mở hơn về thị trường bất động sản cũng như lực lượng môi giới nhà đất, độc giả Anh Hải phản biện: "Có câu 'hãy sợ hãi khi con người ta tham lam, hãy tham lam khi người ta sợ hãi'. Có rất nhiều bạn nói bất động sản đóng băng, suy thoái, nhưng hãy nhìn về quá khứ. Những ai vào làm bất động sản giai đoạn 2008-2012 sẽ hiểu, đi đâu ai cũng né tránh bất động sản, nói đến môi giới, 'cò đất' là người ta khinh khi 'sao không tìm nghề khác ổn định mà làm?'. Nhưng giờ thì sao? Những người chê bai năm xưa lại nhờ đến môi giới tư vấn.
Ai làm bất động sản những năm 2012 đến giờ ít nhất cũng có nhà cửa ổn định, có thu nhập ngưỡng tự do tài chính. Giờ năm 2023 sẽ lại tiếp tục chu trình mới. Thành ra, không có nghề nào hơn nghề nào, miễn là bạn có phải là chuyên gia trong nghề mình lựa chọn không mà thôi?
Ai nói môi giới không thúc đẩy kinh tế? Có ngành sản xuất nào không cần đến bất động sản, không cần đến các trung gian, đại lý phân phối? Có ngân hàng nào khi cho vay bất kỳ khoản nào, từ lớn đến nhỏ, mà không cần có bất động sản làm tài sản đảm bảo khoản vay? Người có tâm cơ sẽ nhìn thấy cơ hội trong khó khăn".
Làm gì để hạn chế tình trạng "cò đất" tự phát làm lũng đoạn thị trường? Bạn đọc Quang dang nêu quan điểm: "Có cung ắt có cầu, không quản lý được sẽ phải sinh ra lối thoát. Nếu Nhà nước quản lý được tình trạng loạn giá đất đai thì mới không bị cò đất làm lũng đoạn thị trường. Theo tôi, chúng ta có thể học theo mô hình nước ngoài, sẽ hạn chế được tình trạng tăng giá đất quá đà.
Theo đó, một mảnh đất phải được bán qua một công ty trung gian chuyên về bất động sản, với thông tin được đăng ký rõ ràng, đầy đủ, từ địa chỉ lẫn giá bán và cả hình ảnh thực tế. Giá bán cho người mua là cố định, còn phần trăm hoa hồng cho trung gian nên siết từ 2-5%. Có như vậy mới hạn chế được các cò đất tự phát, và giá đất sẽ dần bị khống chế, không tăng sốc nữa".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.