Đam mê là xúc tác dẫn tới thành công song không phải là yếu tố quyết định. Thị trường sẽ quyết định tất cả. Bạn đam mê tạo ra một sản phẩm mà thị trường không cần thì sẽ chẳng có thành công. Mỗi năm có hàng ngàn phát minh ra đời, song rất ít sản phẩm có thể thương mại hóa và mang lại lợi nhuận. Còn lại đều nằm "đắp chiếu" trong các kho, viện bảo tàng.
Xin lấy một vài ví dụ để làm rõ luận điểm này:
1. Giấc mơ bay của con người
Di chuyển là nhu cầu đầu tiên của bất kỳ sinh vật sống nào, con người cũng vậy. Thị trường của việc di chuyển, vận tải rất lớn trong xã hội loài người. Đã có nhiều phát minh quan trọng đeo đuổi việc di chuyển sao cho nhanh nhất, vận tải sao cho hiệu quả nhất, nối tiếp nhau ra đời: từ xe bò, lừa, ngựa... tới tàu kéo hơi nước, động cơ đốt trong, cùng ôtô cá nhân ra đời để nắm bắt thị trường.
Nhưng việc di chuyển trên mặt đất vẫn có những hạn chế nhất định về thời gian do không thể tới thẳng đích như dự kiến, mà phải chạy đường vòng. Hàng ngàn nhà khoa học và các nhà sáng chế cùng nhau theo đuổi giấc mơ bay, chinh phục thị trường di chuyển, vận tải của loài người bằng việc chế tạo các công cụ có thể bay như chim. Hàng triệu ý tưởng và sáng chế được trình làng, thử nghiệm nhưng đều thất bại. Cho tới khi anh em nhà Wright phát minh thành công máy bay.
Vậy là có rất nhiều người cùng đam mê phát minh phương tiện di chuyển trên không, nhưng tại sao chỉ có anh em nhà Wright thành công? Vì đơn giản họ nắm trong tay thị trường (giấc mơ bay là có thật, thị trường vô cùng rộng lớn, được dự báo trước đó rồi, một sản phẩm trong tương lai nhưng rất thiết thực cho xã hội) và nhiều yếu tố nữa, trong đó không thể không kể tới tiềm lực tài chính cá nhân và sự kế thừa các bài học từ một loạt thất bại của các nhà phát minh trước đó.
2. Giấc mơ nói chuyện xuyên châu lục
Lúc chưa có điện thoại, ngành thư tín, vận chuyển giao liên vẫn tồn tại và phát triển như một nhu cầu bức thiết của xã hội loài người. Con người luôn muốn có cách nào đó tốt hơn để rút ngắn thời gian giao tiếp, vận chuyển thông tin, trao đổi tin tức một cách nhanh nhất, trực tiếp nhất. Rất nhiều phát minh, nhà nghiên cứu cùng theo đuổi thị trường này nhưng rồi thất bại liên tục.
Cho tới khi một họa sĩ đã nhận thấy cơ hội của mình. Ông là một họa sĩ khá nổi tiếng nhưng trong lúc tình cờ đã biết được bí mật của việc truyền tín hiệu dạng More, nên đã bỏ nghề họa sĩ đang theo đuổi mà nhảy sang thị trường truyền thông tin. Ông ấy đã đi học đại học về chuyên ngành Vật lý và Điện để thực hiện hóa chiếc điện thoại. Ông ấy chính là Alexander Graham Bell.
Hai người Mỹ, Alexander Graham Bell và Eliza Gray cuối cùng thực hiện được máy điện thoại. Graham Bell làm được nhiều mẫu máy truyền âm thanh và năm 1875 cho ra đời hệ thống điện tín hoàn chỉnh. Elisha Gray làm việc cùng lĩnh vực và ngày 14/2/1876, cả hai cùng trình bằng sáng chế điện thoại của họ. Vậy là họ cùng nắm bắt được thị trường trước khi đi đến phát minh của mình.
>> Đam mê không quyết định sự nghiệp thành công
3. Giấc mơ mặt trời trong từng ngôi nhà
Ai cũng biết nhu cầu thắp sáng là có thật và tồn tại từ lâu từ khi con người phát minh ra lửa. Hệ thống đèn dầu đã ra đời từ rất lâu. Chắc hẳn những ai thuộc thế hệ 9x trở về trước sẽ không lạ với cái đèn "măng xông" sáng chói và nóng bỏng. Hệ thống thắp sáng bằng đèn dầu là minh chứng cho thị trường thắp sáng đã có từ rất lâu. Việc Edison mua lại phát minh đèn điện và thực hiện cải tiến để phát minh ra đèn điện sợi đốt Vonfram không có gì là viển vông cả, đó là sự kế thừa của thị trường, giải quyết bài toán có sẵn vời chi phí ít hơn, hiệu quả hơn (điện rẻ hơn dầu và cũng sáng hơn).
4. Giấc mơ PC
Ai cũng biết trước đó những máy tính, máy trạm khổng lồ có giá trên trời ra sao, và cồng kềnh thế nào. Máy tính vô cùng hiệu quả cho việc xử lý công việc của con người. Như vậy, thị trường giải quyết các công việc, tính toán, sổ sách của con người đã có sẵn. Công việc ghi chép, tính toán đã có từ lâu đặc biệt thịnh hành khi ngân hàng ra đời. Các công ty, tổ chức lớn cần giải quyết công việc số lượng lớn các "núi việc". IBM đã nhận thức được vấn đề này, nên đã phát minh ra PC cá nhân để bán. PC cá nhân lúc này vô cùng khó sử dụng nếu so với hiện tại với những dòng lệnh trên màn hình đen thui. Thực ra nó khó so với bây giờ, nhưng rất tiện dụng so với thời đó.
Bill Gates và Steve Jobs cùng họp bàn về tương lai của PC đã nhận thấy thị trường tiềm năng này. Họ đã dự đoán rằng PC cá nhân sẽ đến từng nhà, tới từng tay mỗi người. Việc cần làm là khiến PC trở nên dễ sử dụng hơn. Bill Gates không phải là người phát minh ra công việc lập trình, ông ấy được dạy từ những bậc thầy về lập trình. Ông ấy cũng không phải là người phát minh ra hệ điều hành (phần mềm làm cho PC trở nên dễ sử dụng hơn). Hệ điều hành DOS được Bill mua lại từ một nhà lập trình viên bậc thầy.
Sau khi nhận ra sự hữu dụng, dễ sử dụng của nó, Bill đã tiến hành đàm phán với IBM về việc được gắn hệ điều hành MS-Dos (được đổi tên từ DOS) lên PC của IBM với hợp đồng ăn 3% lợi nhuận trên mỗi PC bán ra. Việc khôn khéo của Bill Gate đã làm nên Microsoft ngày hôm nay. Thay vì bán đứt thì ông ấy đã khôn ngoan hơn nhiều khi giữ lại MS-Dos.
Nhờ việc phát triển và kế thừa từ MS-Dos đã tạo lợi thế cho Microsoft giành thế thắng trong cuộc chạy đua tạo ra hệ điều hành với các đối thủ khác.
5. Giấc mơ kết hợp điện thoại và PC
Khi dự đoán được tương lai của PC, cá nhân Steve Jobs đã tạo ra hệ điều hành Macintosh dựa trên mối quan hệ với Microsoft. Chính công ty của Bill Gate là người gia công và làm hệ điều hành Macintosh cho Apple, cũng chính vì thế mà Windows cũng có nhiều cải tiến thừa từ Macintosh. Nhưng việc Macintosh chỉ cài trên sản phẩm của Apple đã khiến nó lép vế vì IBM mới thực sự là công ty sản xuất PC hàng đầu thế giới lúc đó. Việc chỉ làm phần mềm đã giúp Microsoft đứng trên vai người khổng lồ IBM mà có thể nhanh chân hơi Apple và hãng công nghệ Vô Cực từ Trung Quốc, thâu tóm thị trường PC cá nhân trước đã làm cho hai hệ điều hành đó thành sản phẩm đi sau, chiếm rất ít thị phần.
"Thua keo này, bày keo khác", Steve Jobs nhận ra rằng thị trường điện thoại là rất lớn. Các hãng điện thoại với sản phẩm Feature phone (điện thoại không có hệ điều hành) đã ra đời trước đó với sản phẩm có thể bấm bằng phím bấm vật lý, rất tiện sử dụng nhưng không thể cài đặt thêm các ứng dụng khác như PC. Nên việc kết hợp điện thoại và PC là điều có thể xảy ra. Steve Jobs không phải là lập trình viên hay kỹ sư kỹ thuật. Ông ấy là một doanh nhân, một nhà phát minh (đồng phát minh, có tên trong danh sách các nhà đông phát minh tại Apple vì là CEO chỉ đạo các kỹ sư phát triển sản phẩm).
Cuộc đua hệ điều hành trên điện thoại ra đời. Việc chậm chân trong cuộc đua này đã khiến gã khổng lồ trong ngành công nghiệp feature phone là Nokia "rớt đài". Windows Phone và macOs nổi nên như hai thế lực so kè. Nhưng họ đã quên mất Google với hệ điều hành Android, dù đi sau rất nhiều nhưng lại thành công nhất về mặt thị trường. Nhược điểm của macOs là chỉ chạy trên các sản phẩm phần cứng của Apple, trong khi Android lại chạy trên phần cứng của tất cả các hãng điện thoại còn lại (gã tí hon đứng trên vai người khổng lồ).
>> Nhiều người sai lầm khi đam mê thứ ít người theo đuổi
6. Giấc mơ xe điện và AI
Thực ra, giấc mơ xe điện, xe chạy bằng hydro, chạy nước, điều khiển bằng AI đã có từ rất lâu. Tôi nhớ từ năm 2005 (lúc đó tôi học lớp năm) đã xem được bộ phim tài liệu về việc điều khiển xe ô tô bằng định vị GPS và một loạt các xe chạy điện, hydro rồi. Các bạn biết tàu điện có ở Hà Nội từ rất lâu rồi không? Nhưng thị trường lúc đó đang bị chiếm lĩnh bởi hệ thống xe chạy xăng, chạy dầu, bằng công nghệ đốt trong. Lúc đó, người ta cũng đã dự đoán được rằng sẽ tới lúc xăng, dầu cạn dần và không còn đủ nhiên liệu để chúng ta duy trì hệ thống cũ, do đó cần hệ thống mới ra đời. Nhưng nhờ phát minh công nghệ khai thác dầu từ đá băng phiến đã đẩy thời gian của ngành công nghiệp động cơ đốt trong sống thọ hơn nhiều so với dự đoán.
Nhưng hiện thực về việc cạn nguồn năng lượng hóa thạch và ô nhiễm môi trường vẫn còn đó. Thời điểm này là thích hợp khi có nhiều người tập trung sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường nên xe điện được lên ngôi là chuyện rất dễ thấy. Musk chỉ là người tập hợp đủ các yếu tố cần thiết gồm vốn, thị trường, đội ngũ kỹ sư (ông không phải là kỹ sư lập trình, tự động hóa, mà là kỹ sư vật lý) để thực hiện ý tưởng của mình.
Những gì tôi trình bày ở trên đều chỉ ra rằng các sản phẩm ở trên đều được phát minh dựa trên thị trường có sẵn. Những nhà phát minh trên đều là người dự đoán và nắm bắt được thị trường, nhu cầu của con người để tạo ra sản phẩm hữu dụng, thiết thực. Đam mê chỉ là động lực thôi thúc ta dành nhiều thời gian hơn, tâm sức hơn những người khác trong cùng một công việc. Đam mê rất quan trọng nhưng không phải là yếu tố quyết định tới thành công mà chính là thị trường và nhiều yếu tố nền tảng khác.
Rất nhiều người có đam mê, song để có một người thành công thì rất nhiều người khác đã bị bỏ lại. Các ông chủ luôn muốn nhân viên của mình làm việc với đam mê và đưa ra lời khuyên là "đam mê sẽ dẫn tới thành công". Nhưng thực ra, đó là lời khuyên cho nhân viên của họ vì xuất phát trên quan điểm ông chủ luôn muốn nhân viên chăm chỉ nhất, hiệu quả nhất để rồi nhận lấy tiền lương, thưởng, sự nghiệp trong tổ chức, công ty của họ.
Chẳng ông chủ nào muốn nhân viên của mình bỏ công ty để đi sang thị trường khác. Do vậy, lời khuyên của ông chủ chỉ có tác dụng với nhân viên, còn lời khuyên cho các nhà phát minh (có thể là ông chủ trong tương lai) lại không đến từ ông chủ mà là thị trường.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.