Có hàng trăm chuyên ngành đào tạo, người học ra đi làm hàng nghìn công việc khác nhau. Chẳng ai có thể mô tả được hết những công việc đó vì mỗi người chỉ làm một việc, nhiều lắm là hai, ba việc thôi. Muốn viết một quyển sách hướng nghiệp đầy đủ, chúng ta cần sự hợp tác của ít nhất 1.000 chuyên gia với những nghề nghiệp khác nhau, không người nào giống người nào. Những chuyên gia này tất nhiên không phải giáo sư mà là người đang hành nghề ngoài xã hội. Vậy, ai sẽ đi làm cái việc cực kỳ tốn công ấy?
Nước ngoài cũng không có. Người ta chỉ hướng dẫn chung chung rằng học ngành này thì ra làm nghề gì, làm những việc gì. Ví như Công nghệ thông tin (CNTT) là một ngành mới, có không gian phát triển lớn, nên công nghệ thay đổi liên tục. Bạn ra làm nghề này mà không chú trọng tự đào tạo thì sẽ bị lạc hậu rất nhanh trong thời gian rất ngắn. Những nghề khác lâu đời hơn, không gian phát triển chẳng còn bao nhiêu, có thay đổi gì mới cũng phải mất cả chục năm, bạn có dư dả thời gian để tự đào tạo?
Ngành CNTT bây giờ được chia làm ba lĩnh vực lớn: phần cứng (thuộc về công nghệ điện tử), phần mềm (đây mới chính là công nghệ thông tin), kỹ thuật mạng. Người học phần cứng chuyên lắp đặt thiết bị, điều chỉnh sự tương thích giữa các thiết bị, vận hành thông suốt và bảo quản bảo trì. Người học phần mềm là lập trình để phần cứng tự động chạy khi được kích hoạt. Còn kỹ thuật mạng là làm những việc kết nối các hệ thống thiết bị ở các vị trí địa lý khác nhau. Mỗi lĩnh vực có rất nhiều công việc khác nhau, ai làm việc nào chỉ biết việc đó, việc khác (trong cùng một lĩnh vực) có thể biết lý thuyết nhưng không rành thực hành.
Nói vậy để biết rằng bạn không chỉ phải tìm hiểu nghề nghiệp khi chuẩn bị thi đại học mà còn phải tìm hiểu nghề nghiệp trong lúc học đại học và sau khi tốt nghiệp đại học. Cùng một ngành nghề, lĩnh vực, công ty này tuyển người làm công việc này, công ty khác tuyển người làm công việc khác. Bạn thích công việc nào chỉ có ra làm mới biết, còn nhìn thấy người ta làm rồi cảm thấy thích thì cũng chỉ là nhất thời, cảm tính, ngẫu hứng.
Người ta không chọn nghề mà mình thích vì cái sở thích ấy rất mơ hồ không xác định được. Người ta chỉ chọn nghề phù hợp với bản thân. Bạn phải biết bản thân bạn là người như thế nào mới được. Bạn là người hướng nội, không thích nơi đông người ồn ào, thích tư duy một mình, thích làm những việc đòi hỏi tính kiên nhẫn, khéo léo, tỉ mỉ... thì nên chọn nghề thiên về nghiên cứu. Ngược lại, bạn là người hướng ngoại, ưa thích đám đông, ứng xử linh hoạt, bạn sẽ không thích những công việc có tính lặp đi lặp lại hoặc những việc chỉ loanh quanh trong bốn bức tường...
Bất kể chuyên ngành, lĩnh vực gì đều có công việc phù hợp cho hai dạng người này. Còn về mô tả công việc để hiểu việc ấy có phù hợp với mình không, bạn chỉ có hai chọn lựa: đọc sách hoặc làm công tác xã hội. Mỗi nhà văn đều có nghề nghiệp chuyên môn riêng, rất ít người chỉ biết viết lách mà không có chuyên môn khác. Tự những người này sẽ mô tả công việc mà họ đã làm trong tác phẩm văn học của họ. Hoặc khi làm công tác xã hội, bạn sẽ có điều kiện tiếp xúc với nhiều người, sẽ nghe họ mô tả công việc của họ, thậm chí trực tiếp nhìn thấy họ thực hành ra sao.
Bất kể là chọn lựa nào, bạn vẫn chỉ nhìn thấy được một góc của xã hội, không thấy được bao quát tất cả. Cho dù có hẳn một quyển sách mô tả tất cả các công việc khác nhau trong xã hội, bạn có thể đọc hết được sao?
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.