Có nên chọn học nghề theo đam mê?, độc giả Thánh Tuệ bày tỏ:
Thị trường sẽ quyết định việc bạn thành công hay thất bại, nên làm nghề gì, chứ không phải là đam mê. Nghề nghiệp chỉ mang tính chất giai đoạn, thời kỳ, khó có công việc nào có thể giúp bạn gắn bó được cả đời để an nhàn, nếu có thì cũng đa phần là nghề chân tay, thu nhập thấp. Do đó, hãy sẵn sàng tái đầu tư bản thân, tái đào tạo để nắm bắt cơ hội chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp với xu thế thị trường. Kẻ nhanh chân, có thể thích nghi tốt, nắm bắt được thị trường, xu thế, sẽ thành công.
Việc nhà nhà, người người đổ xô đi học Công nghệ thông tin cũng không phải là giải pháp. Vì đây là ngành khá khó, phải học tập gần như suốt đời nếu không muốn bị đào thải, lạc hậu. Nó sẽ không phù hợp cho những bạn thích an nhàn. Trừ khi đã lên tới sếp, còn không bạn sẽ phải "cày ải" tới lúc nghỉ hưu. Nghề này cũng không phù hợp với những bạn có tư tưởng ngày làm giờ hành chính. Phần lớn thời gian ở nhà, lập trình viên phải học thêm, tái đầu tư bản thân mới mong có sự nghiệp tốt.
Đó là lý do dân công nghệ thông tin mới 28 tuổi mà trên đầu đã đầy tóc bạc. Đó là hậu quả của nhiều năm ròng phải đối mặt với áp lực cao, cường độ lao động trí óc lớn.
>> Trở thành ông chủ vì dám làm trái ngành
Có mấy tiêu chí chọn nghề sau, bạn nhất định phải tuân thủ nếu muốn thành công:
1. Chọn nghề đang ở đỉnh của thị trường (có thể là đỉnh hoặc top đầu - đã, đang và sẽ phát triển tốt).
2. Chọn công ty, tổ chức kinh doanh đang ở đỉnh hoặc trung tâm của ngành công nghiệp đó (công ty lớn có nhiều ưu đãi hấp dẫn hơn).
3. Chọn sếp không mang họ "hứa" (tỷ lệ minh bạch của tổ chức tốt, cơ cấu tốt, phấn đấu lương thưởng, theo KPI...).
4. Dù ai trả lương cho bạn thì chính năng suất sẽ quyết định những gì bạn được nhận nên phải làm việc chăm chỉ, có hiệu quả, có ích cho tổ chức, tăng cường tái đào tạo bản thân.
5. Càng ngày, chu kỳ phát triển hưng thịnh của cách ngành nghề càng ngắn, sóng gió nghề nghiệp ngày càng nhiều. Nghề nghiệp chỉ mang tính chất giai đoạn của thị trường, do đó, bạn phải nhanh chóng cập nhật, học tập để thay đổi nghề nghiệp hoặc thích ứng với những yêu cầu thay đổi trong tương lai, sẵn sàng nhảy việc, chuyển nghề khi nó đã đi vào thoái trào.
6. Phần lớn thị trường, thị hiếu khách hàng sẽ quyết định bạn làm nghề gì chứ không phải sở thích hay ý muốn nhất thời. Ai có khả năng tự thay đổi, thích nghi cao với thị trường, xã hội sẽ có được cơ hội tốt. Việc chỉ tập trung làm nghề mình thích mà không thể làm thứ khác là yếu tố chứng tỏ người đó có khả năng thích nghi thấp và chỉ thành công khi có sự phù hợp giữa thị trường và sở thích. Khi sở thích không phù hợp với thị trường, họ sẽ thất bại
7. Yêu nghề giúp mình sống tốt còn hơn phải sống khổ sở để theo một nghề đam mê mà không có tương lai.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.