(Bài viết Ý Kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.)
Thu phí ôtô vào trung tâm TP HCM là một việc làm đúng đắn để giảm lượng phương tiện cá nhân. Bên cạnh đó, nhiều người đề xuất và cho rằng cần cấm luôn xe máy vào trung tâm thì mới công bằng và hiệu quả.
Không thành phố hiện đại, văn mình nào mà xe máy tràn ngập ở trung tâm.Vừa nhếch nhác, vừa gây mất an toàn du khách, vừa là điểm yếu để bọn cướp giật lợi dụng, thừa cơ hoạt động.
Muốn làm cũng như đánh giá tác động của việc cấm xe máy, theo tôi có thể học hỏi từ hình mẫu TP Quảng Châu (Trung Quốc).
Năm 2006, thành phố này có 900.000 xe lưu thông trên đường mỗi ngày, lượng phương tiện cá nhân đứng thứ 5 Trung Quốc. Xe máy cơ động, tiện lợi nhưng những ảnh hưởng xấu dần tích tụ: kẹt xe, tăng lượng khí thải, tai nạn giao thông, nạn cướp giật trên đường phố.
Những ảnh hưởng tiêu cực này khiến chính quyền TP phải ban hành lệnh cấm xe máy hoàn toàn kể từ 1/2007, bất chấp những phản đối bước đầu từ người dân. Cấm là thế, nhưng thực ra những kế hoạch, và bước đi đã được lên lịch từ chục năm trước.
>> 'Virus' xe máy đã tàn phá đô thị Việt Nam như thế nào
Giai đoạn một: Tháng 12/1991, các xe máy biển số nội đô bị cấm di chuyển trong các quận trung tâm vào các giờ quy định và tiến đến quá trình cấm đăng ký xe mới vào năm 1995. Giai đoạn 2000- 2004, phương tiện hai bánh và ba bánh có gắn động cơ bị cấm hoạt động hoàn toàn trong phạm vi thành phố. Các tuyến đường ngoài thành phố xe máy vẫn được hoạt động. Các xe máy không đủ tiêu chuẩn khí thải sẽ bị tiêu hủy.
Giai đoạn hai: Năm 2006, cấm xe máy hoạt động trên những tuyến đường chính. Một năm sau cấm hoàn toàn xe máy vào nội đô. Theo báo cáo, tình trạng ô nhiễm môi trường đã có dấu hiệu cải thiện sau khi cấm xe máy. Nạn cướp giật cũng giảm đáng kể.
Khi nhiều người đề xuất cấm xe máy ở TP HCM, phải hiểu rằng đó là cấm xe máy ở trung tâm thành phố. Những quận huyện ngoại thành, không phải trung tâm thì xe máy vẫn được phép hoạt động bình thường.
Điều này dẫn đến đòi hỏi định nghĩa thế nào là khu vực trung tâm? Theo tôi không thể dùng cách phân chia mặc định như lâu nay khu vực trung tâm là quận 1, quận 3. Cần có cách tính khác, chẳng hạn đặt cột mốc km0 ở Bưu điện trung tâm. Vòng tròn có bán kính 3km, tâm là km0 thì chính là trung tâm thành phố. Vậy những tuyến đường nằm trong vòng tròn này sẽ chịu ảnh hưởng của lệnh cấm trên.
Với những đặc thù của TP HCM như nhà ống, nhà trong hẻm sâu, kinh tế hàng rong... đều gắn liền và phụ thuộc vào xe máy thì không thể nói cấm là làm ngay được. Cần có kế hoạch và bước đi lâu dài. Học hỏi từng giai đoạn cấm theo TP Quảng Châu kể trên, tôi đề xuất như sau:
Giai đoạn một: Ngưng cấp phép đăng ký xe máy mang biển số khu vực trung tâm. Những hộ dân có nhà ở trung tâm chỉ được dùng xe di chuyển ra vào khu này. Đồng thời loại bỏ những xe có niên hạn trên 15 năm và không đạt tiêu chuẩn khí thải xe máy hoạt động ở thành phố.
Giai đoạn hai: Đưa ra khung giờ cấm xe máy từ 6h đến 20h hằng ngày. Tăng tốc xây dựng và hoàn thành tuyến metro để giải quyết nhu cầu đi lại của những người đến từ các quận phía đông như quận 2, quận 9, Thủ Đức vào.
>> 'Người Việt bỏ xe máy nếu xe buýt tốt' là điều viễn tưởng
Hoàn thiện những tuyến metro kết nối với những khu vực khác. Cơi nới đường sá rộng rãi, nâng cao chất lượng xe buýt. Thiết lập các tuyến vành đai và các bãi giữ xe, tiến tới việc cấm hoàn toàn xe máy.
Do xe máy đã bị cấm trong thời gian dài, vỉa hè tự nhiên thông thoáng ra, người dân cũng đã quen với việc đi bộ và sử dụng giao thông công cộng.
Giai đoạn ba: Cấm hoàn toàn xe máy vào trung tâm.
Với quá trình chia ra làm ba giai đoạn và giãn cách nhau như trên, tôi tin rằng sẽ tạo điều kiện cho người dân quen dần và nói không với xe máy trong 5-10 năm thậm chí nếu lâu hơn là 15-20 năm tới. Năm nay đã là 2020, nếu như không có hành động thì chừng nào mới tính đến việc này?
>>Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.
Phát Tâm