Bài toán làm thế nào để giảm tai nạn giao thông đường bộ luôn rất nan giải nhiều năm qua, đặc biệt ở các thành phố lớn. Nhiều giải pháp đã, đang được đề ra, tuy nhiên hiệu quả chưa được như kỳ vọng.
Ở góc độ của một người dân ở TP HCM gần 20 năm, tôi cho rằng, nếu giảm được số lượng xe máy lưu thông chắc chắn sẽ giảm được tai nạn giao thông. Không cần phải có chuyên môn sâu và thống kê chuyên biệt thì ai cũng biết, xét về số lượng thì xe máy chiếm tỉ lệ lớn trong cơ cấu các loại phương tiện giao thông, xét về đặc tính thì đây là loại phương tiện lưu thông tiện lợi nhưng lại tùy tiện, đại diện tính cá nhân nhất.
Nếu 50 người trên một chiếc xe buýt di chuyển cùng một kiểu thì 50 người chạy xe máy thì có hàng trăm cách di chuyển khác nhau. Một cô, chú lớn tuổi yếu tay lái, một em thanh niên chưa đủ tuổi háo thắng, thích tốc độ hay một bà cô đi chợ chưa có bằng lái, một ông nồng nặc mùi rượu bia ... cũng có thể nhảy lên xe điều khiển được. Leo lề, luồn lách, chạy ngược chiều, tạt ngang, sang đường thiếu quan sát... có đủ.
>> Lộ trình cấm xe máy dài hơi nhìn từ Quảng Châu
Giá xe máy tương đối rẻ nên ai cũng có thể mua được, một nhà 2-3 chiếc là bình thường. Đó là nguyên nhân vì sao hơn 70% tai nạn giao thông đường bộ có liên quan đến xe máy. Đây là thực tế không thể chối bỏ.
Trong khi xe hơi được quản lý chặt chẽ hơn, không có bằng không thể lái được, sát hạch giấy phép cũng khó hơn xe máy rất nhiều (tất nhiên, người điều khiển các phương tiện khác cũng có người vi phạm giao thông, chạy ẩu, nhưng tôi muốn tập trung vào nguyên nhân chính hơn).
Thiệt hại do tai nạn giao thông không chỉ ở tỉ lệ thương vong (người tử vong vì tai nạn giao thông hằng năm lớn hơn số người chết do chiến tranh, cái này chắc không ai không biết) mà còn ở chi phí trước mắt và lâu dài mà gia đình, xã hội phải gánh chịu để chăm sóc người bệnh và giá trị lao động mất đi nếu người đó khỏe mạnh có thể tạo ra cho xã hội.
Ai có người thân là nạn nhân của tai nạn giao thông sẽ thấu hiểu điều này hơn ai hết. Tôi có quen một bạn sinh viên trước tết, đó là một anh chàng miền Tây cao to, rất khỏe mạnh, tôi hay đá bóng chung với bạn này mỗi chiều cuối tuần. Tương lai tươi sáng với bao hoài bão đang chờ đợi.
Bẵng đi một thời gian, gặp lại bạn này trở lại trường, tôi thực sự bất ngờ, vì tại nạn xe máy mà sức khỏe bây giờ chỉ còn 60%, tay chân yếu ớt, mặt mũi cũng biến dạng ít nhiều, giữ được mạng sống đã là may mắn.
>> 'Xe buýt mini vô dụng nếu người Việt vẫn lười đi bộ'
Nhà tôi, ba người, một người cũng vì tai nạn xe máy mà giờ đi lại khó khăn, một người đi xe đạp va quẹt với xe máy nhưng may mắn không sao. Nhà chức trách, các chuyên gia đã biết điều này từ lâu và đã đề ra nhiều biện pháp kiểm soát xe máy (xa hơn là xe cá nhân) nhưng hiệu quả không cao hoặc gặp nhiều ý kiến trái chiều dẫn đến rơi vào ngõ cụt.
Tại sao? Vì xe máy ở Việt Nam nó quá tiện. Tiện này liên quan đến thói quen, văn hóa. Ở Việt Nam ở đâu có đường là ở đó có chợ. Thói quen tùy tiện, bạ đâu mua đó của người Việt. Mua bán xuống tận lòng đường. Phương tiện công cộng có đầu tư nhưng chưa đủ đáp ứng nhu cầu người dân vì nhiều lý do. Hạ tầng giao thông không ngừng được cải thiện, mở rộng, nâng cấp nhưng cũng không theo kịp sự phát triển của xe máy.
Muốn người dân từ bỏ thói quen sử dụng xe máy thì phải làm cho nó không còn tiện nữa mà chuyển sang sử dụng các phương tiện công cộng. Việt Nam có gần 100 triệu dân, xe máy khoảng 70 triệu chiếc, tỉ lệ này quá khủng khiếp. Không có đất nước phát triển, văn minh nào mà nhiều xe máy cả. Nhiều xe máy chứng tỏ xã hội còn kém phát triển. Không người Việt Nam nào muốn điều đó. Ai cũng muốn đất nước ngày càng văn minh, phát triển hơn.
Vì vậy, đây là bài toán phức hợp, không dễ giải quyết một sớm một chiều, vì nó liên quan đến nhiều khía cạnh, lĩnh vực: ý thức công dân, văn hóa cộng đồng, chính quyền, hạ tầng giao thông, quy hoạch đô thị, sự cứng rắn, nghiêm minh của luật pháp...
Thay đổi và giải quyết được các khía cạnh này có khi nhanh 20 năm và có khi kéo dài đến 50 năm, cả một đời người. Do đó, trước mắt, vì an toàn cho bản thân, để không phải hối tiếc, mỗi người khi ra đường cần cẩn trọng.
>> 'Virus' xe máy đã tàn phá đô thị Việt Nam như thế nào
Đối với người dân: - Hãy sử dụng phương tiện công cộng khi có thể. Vừa rẻ, mưa nắng không lo.
- Chạy xe phải quan sát kỹ, cẩn thận vì hơn 80% tai nạn xe cộ do chủ quan hoặc không quan sát. Kính chiếu hậu xe máy rất hữu ích, nhiều người không quan tâm hoặc gắn cho có, kiểu đối phó. Hãy học cách quan sát của một người đi ôtô, thường xuyên quan sát qua kính chiếu hậu sẽ giúp bạn lưu thông an toàn hơn.
- Luôn ý thức rằng khi ra đường "mình chạy phải cẩn thận, không được chạy ẩu, chủ quan, không gì quan trọng hơn mạng sống của mình". Đừng vì nhanh một vài giây mà phải trả giá.
Đối với các đơn vị quản lý hạ tầng giao thông: - Đường sá phải làm tốt, phẳng, thuận tiện cho giao thông. Chứ hiện tại tôi không thể hiểu nổi làm đường theo công nghệ gì mà đường sá đào lên rồi lấp lại không phẳng mà mấp mô, lượn sóng. Nắp cống thoát nước thì chỗ thấp, chỗ cao hơn hẳn mặt đường. Ai chạy xe cũng phải né nó, nhiều chị em tay lái yếu sẽ khó khăn (đã có một cô gái loạng choạng té ví nắp cống cao, ngã ra đường bị xe tải cán chết). Vậy sao lưu thông an toàn được? Trách nhiệm này là của ai?
>> 'Người Việt bỏ xe máy nếu xe buýt tốt' là điều viễn tưởng
- Các thông điệp về nâng cao ý thức của người tham gia giao thông phải trực diện, rõ ràng, đơn giản thay vì những câu từ trừu tượng: "Một ý thức triệu nụ cười", "An toàn giao thông là hạnh phúc của mọi nhà", "Tuân thủ tín hiệu giao thông là người văn minh". Người lao động phổ thông họ hiểu những thông điệp này như thế nào? Thay vì đó, có thể là "vượt đèn đỏ phạt xxx đồng".
Tôi chỉ là một người dân bình thường nên không thể trình bày như một đề án hay bài báo khoa học được nên chỉ có thể nói lên tiếng nói từ góc quan sát của mình. Tôi tin, nếu làm được như những gì đã nêu, tai nạn giao thông sẽ giảm đáng kể.
Ho Ba Minh
>>Ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.