Tác giả Henry Nguyễn là giảng viên, đang sinh sống tại TP HCM.
Khi đọc được bài "Sạch sẽ-phong thủy tốt nhất cho gia đình" tôi lại nhớ lại câu truyện về "thuyết cửa sổ vỡ" trong cuốn sách "Điểm Bùng Phát" (Tipping Point) của Malcolm Gladwell mà tôi thường hay kể cho các bạn sinh viên của tôi nghe.
Câu chuyện nói về việc tỷ lệ tội phạm ở các con phố tối tăm, bẩn thỉu ngập tràn rác rưởi và các hình vẽ graffiti nguệch ngoạc có xu hướng cao hơn hẳn những khu số sạch sẽ với các bức tường sáng bóng. Theo thuyết này thì những kẻ tội phạm có xu hướng làm những việc xấu tại những nơi tối tăm bẩn thỉu và con người có xu hướng ném thêm rác rưởi vào những nơi có sẵn.
Điều này giống như việc một ngôi nhà trong khu phố với một ô cửa sổ bị vỡ nhưng không được sửa chữa thay thế thì sớm muộn gì các ô cửa khác của ngôi nhà cũng sẽ bị những kẻ phá phách đập vỡ nốt. Và điều tệ hơn là sau khi đập vỡ hết các ô cửa kính nhà này thì những ngôi nhà khác trong khu phố sớm muộn cũng là nạn nhân như ngôi nhà ban đầu.
>> Sếp dùng nhân viên vào việc riêng cũng là tham nhũng
Những câu truyện trong các cuốn sách của Malcolm Gladwell có xu hướng giải thích các câu chuyện theo hướng quản trị doanh nghiệp nhưng cũng có thể ứng dụng khá tốt vào đời sống thường nhật, điển hình là câu truyện về chiếc cửa sổ vỡ tôi nêu ở trên.
Thử hình dung, nếu bạn để một túi rác nhỏ (nhưng không dọn) trước cửa nhà bạn thì tôi đảm bảo với bạn chỉ qua vài ngày túi rác này sẽ nhanh chóng trở thành một đống rác và có thể thành một núi rác sau một tháng, núi rác sẽ thu hút chuột bọ, kiến gián và nhanh chóng ảnh hưởng đến nhà của bạn và cả khu xóm của bạn.
Câu chuyện nói lên sự cần thiết của việc dọn dẹp vệ sinh nơi mình ở, nơi mình sinh sống, sự ngăn nắp và sạch sẽ có tác động rất tích cực đến hành vi và thói quen của một người. Và vì đâu đó có câu nói tôi đã từng nghe: "Thói quen tạo nên tính cách, tính cách tạo nên số phận" cho nên rõ ràng một người sống bừa bãi bẩn thỉu khó mà có số phận tốt được.
Thực sự là tôi thấy rất nhiều người Việt chúng ta kể cả người lớn lẫn trẻ em, người nông thôn hay thành thị vẫn chưa quan tâm nhiều đến lối sống sạch sẽ, vệ sinh và ngăn nắp trong nhà và cả khu phố, khu xóm mà họ đang sinh sống.
Nhiều gia đình ở các thành phố lớn chỉ quan tâm đến việc sạch sẽ trong nhà họ, rác vẫn vô tư quét, ném ra ngoài đường, các thùng rác, túi rác bẩn thỉu thường tập trung một góc phía trước nhà trở thành nơi cho chuột bọ, chó mèo bới móc, nhìn rất mất mỹ quan.
Nhiều thanh niên nam nữ có thể ngồi ăn nhậu hát karaoke trên loa kẹo kéo hàng giờ trong các con hẻm bẩn thỉu, ngập ngụa rác là chuyện không hiếm ở Sài Gòn. Những đứa trẻ, những con người lớn lên, sinh sống, học tập và làm việc tại một môi trưởng ẩm thấp, dơ bẩn và ồn ào như vậy khó có thể có được lối sống lành mạnh và học tập, làm việc hiệu quả cao được.
Nhiều khu vực nông thôn hiện nay việc ô nhiễm rác thải đặc biệt là rác thải nhựa là chuyện rất đáng báo động. Người dân vẫn chưa ý thức được việc giữ gìn vệ sinh môi trường và bảo vệ cảnh quan nơi mình sinh sống. Đôi khi tôi giật mình khi thấy các mương nước thải đen ngòm ngập ngụa rác ở một số khu vực nông thôn, thậm chí một số nơi người dân còn vô tư ném cả xác động vật chết xuống kênh rạch gây hôi thối, ảnh hưởng đến chất lượng sống của nhiều người xung quanh.
Những năm gần đây, tôi thấy tại các cơ sở giáo dục đã thường xuyên giáo dục các em học sinh, sinh viên việc giữ gìn vệ sinh, không xả rác từ các lớp bậc tiểu học. Nhưng nhiều khi đi đưa đón con đi học hoặc đi trên đường tôi vẫn nhiều phụ huynh bảo con ném rác là hộp sữa, hộp thức ăn xuống đường khi dùng xong. Những người như vậy tôi không hiểu ở nhà họ giáo dục con cái sống sạch sẽ ngăn nắp như thế nào.
Nếu ai đã từng đi nước ngoài đến các nước phát triển chắc hẳn sẽ thấy các con đường, các khu phố của họ sạch sẽ như thế nào, ý thức người dân của họ trong việc bảo vệ cảnh quan môi trường tốt như thế nào. Có thể nói, chính sự sạch sẽ, ngăn nắp gọn gàng tại các khu vực công cộng của quốc gia đó đã góp phần tạo ra các con người có tính cách siêng năng, chăm chỉ có trách nhiệm với bản thân và xã hội, yếu tố quan trọng tạo ra sự thịnh vượng của họ.
>> Bài viết cùng tác giả:
>>Chạy xe ôm công nghệ, thanh niên bị 'cướp mất' sức khoẻ và thanh xuân
>>Cha mẹ Việt nên đẩy con 'ra đường' làm thêm từ lúc còn đi học
Tôi hy vọng đất nước chúng ta có nhiều hơn những chiến dịch tuyên truyền, giáo dục cho người dân lối sống vệ sinh, ngăn nắp, gọn gàng không chỉ ở trong nhà mà những nơi công cộng, nơi sinh hoạt chung của mọi người. Nhà nước cũng cần có luật để quản lý, hướng dẫn, chế tài các hình thức gây mất mỹ quan đô thị, khu xóm như xả rác, tập kết rác thải, nước thải, phơi áo quần, sửa chữa xây dựng nhà ở không che chắn...
Với gia đình thì "sạch sẽ là phong thủy tốt nhất cho gia đình, đó chính là bước đầu tiên dẫn đến một cuộc sống bình an, sau đó là thành công và hạnh phúc" thì sự sạch sẽ và ngăn nắp của khu xóm, khu phố cũng sẽ đem đến sự phồn vinh thịnh vượng cho xã hội.
Henry Nguyễn
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.