Sau ý kiến cho rằng nhiều người Việt thích 'ăn nhậu và hát karaoke vì không còn lựa chọn nào khác', độc giả Nguyễn Hữu Hảo nêu: Tôi tôn trọng quan điểm của tác giả, nhưng tôi lại nghĩ người lao động vì sao không chọn các loại hình giải trí như xem phim hay xem kịch? Không phải vì không đủ tiền mà vì nó chẳng có gì hấp dẫn.
Đồng quan điểm, độc giả Lê Khánh Trung nêu ví dụ: Với 200 nghìn đồng một người thì đã có thể mua được hai vé xem phim ở rạp rồi. Và tôi có thể chắc chắn rằng phim ảnh mang lại những cảm xúc thăng hoa và tích cực hơn hát karaoke. Và cũng với 200 nghìn đồng, bạn có thể mua được ít nhất ba cuốn sách đọc cả tuần chưa hết. Nên đừng nói là vì nghèo nên mới phải hát karaoke, quan trọng là văn hoá chưa cao nên mới lựa chọn hình thức giải trí thấp như thế.
Độc giả Mai Quan Hoang: Nói thẳng ra là họ không hiểu. Không hiểu nên không thích. Giống xem bóng đá, người hiểu thì thấy hay, không hiểu thì nói: "Có gì mà xem 22 cầu thủ tranh nhau quả bóng". Xem nhạc kịch cũng thế, hiểu thì hay, không hiểu thì buồn ngủ. Đọc sách cũng thế, thích thì đọc quên giờ, không thích thì dán băng dính vào mắt cũng chẳng mở được. Anh tôi có thể ngồi vài tiếng trong phòng nghe nhạc kịch. Tôi thì chịu. Có hiểu gì đâu?
Độc giả Phạm Điệp cho rằng vấn đề của ăn nhậu và karaoke nằm ở nền tảng văn hoá thấp: Cầm kỳ thi hoạ, thú vui tao nhã của người xưa đòi hỏi người ta phải có chút gì về cảm nhận, tâm hồn và cả trình độ. Còn hát hò (karaoke), ăn uống chỉ là cách kích thích các giác quan, tìm chút sôi động để xua đi cảm giác buồn tẻ và trống trải. Không thể đơn giản vì tiền mà chuyển được từ cái nọ sang cái kia.
Độc giả Mai Nguyễn: Hát hò tại gia đúng là loại hình yêu thích của người dân lao động. Họ tha hồ được nhậu nhẹt, được hát, được tương tác với nhau. Họ chỉ biết bản thân vui là chính nên không chú ý đến việc phải hứng chịu của người xung quanh. Do đó, phường xã phải có nhiệm vụ nhắc nhở họ chứ không phải bỏ lơ.
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.