Tôi sống gần khu ăn uống Phú Lâm (quận 6, TP HCM). Mỗi chiều đi làm về chứng kiến hàng chục thanh niên chạy xe ôm công nghệ các hãng đứng ngồi chờ khách đặt đồ ăn để giao mà tôi thấy thật xót xa. Không lẽ sức lao động thanh niên Việt Nam rẻ rúng đến nỗi phải ngồi nằm vật vạ đủ kiểu để chờ giao thức ăn hòng kiếm vài chục ngàn mỗi buổi tối hay sao.
Đôi khi tôi cũng đi xe ôm công nghệ và thực lòng tôi rất khâm phục nhiều bạn trẻ đang phải vất vả chạy xe ôm công nghê kiếm thêm mỗi buổi tối để lo cho cuộc sống gia đình, lo cho đứa con được đến trường đầy đủ như các bạn đồng trang lứa.
Nhiều bạn là công nhân, nhân viên bán bảo hiểm, nhân viên tư vấn bất động sản tranh thủ kiếm thêm mỗi tối để trang trải cuộc sống gia đình cũng như tránh những cuộc ăn nhậu bù khú với bạn bè.
Bài viết cùng tác giả:
>> Cha mẹ Việt nên đẩy con 'ra đường' làm thêm từ lúc còn đi học
Đây là mặt tích cực đáng hoan nghênh của xe ôm công nghệ, một công việc có thể giúp cho những người đã có việc làm có thể tận dụng thời gian nhàn rỗi kiếm thêm thu nhập lo cho cuộc sống đắt đỏ tại Sài Gòn.
Nhưng điều chúng ta đáng lo ở đây là rất nhiều bạn thanh niên đang trong độ tuổi lao động sáng tạo sung mãn nhưng không có việc làm ổn định, xe ôm công nghệ là nguồn thu nhập chính của họ.
Chạy xe ôm là công việc thực sự không đem lại thu nhập tốt cũng như giúp gì nhiều cho nền kinh tế nhưng lại đang cướp đi tuổi trẻ và thanh xuân của các bạn trẻ. Một thời điểm quan trọng trong cuộc đời để học tập và cống hiến cho xã hội cũng như tạo nền tảng kiến thức và kinh nghiệm trong cuộc sống tương lai.
Còn nhớ làn sóng mới trong thị trường lao động TP HCM những năm cuối thập niên 90 đầu những năm 2000, khi những chuỗi của hàng thức ăn nhanh kiểu Mỹ như KFC, Pizza Hut (Mỹ), Lotteria (Hàn Quốc)...và các thương hiệu Việt như Phở 24 giờ, Highland Coffee phát triển mạnh, rất nhiều bạn trẻ là sinh viên năng động tham gia làm việc để kiếm thu nhập cũng như học tập được nhiều điều từ môi trường làm việc chuyên nghiệp và năng động.
>> Chừng nào còn làm may mặc, lắp ráp công nhân Việt còn nghèo
Hiện nay kinh tế đất nước phát triển, nhiều trung tâm thương mại và chuỗi nhà hàng cà phê, trà sữa, cửa hàng tiện lợi... đua nhau mọc lên, những nơi này luôn trong tình trạng thiếu nhân lực, đặc biệt là nhân sự thời vụ vào buổi chiều và tối và những công việc tại những nơi này hoàn toàn phù hợp với học sinh, sinh viên và cả những bạn trẻ chưa có việc làm.
Trong khi đó, tài xế xe ôm công nghệ với phần nhiều là thanh niên trai tráng trong các bộ đồng phục xanh đỏ vàng luôn dày đặc trên mọi cung đường. Tôi hay tâm sự với họ để tìm hiểu lý do tại sao họ không đi làm thay vì chạy xe ôm. Những lý do họ đưa ra là chạy xe ôm không bị gò bó thời gian. Họ tự do, muốn thì làm, không thì nghỉ, không có cấp trên, không bị quản lý. Quả thực đây là một tư duy đáng lo ngại khi nước ta đang hướng đến mục tiêu trở thành nước công nghiệp hiện đại, mà công nghiệp hiện đại luôn cần những con người chuyên nghiệp, có kỷ luật và tác phong công nghiêp. Một điều chắc chắn hiếm mà có được từ những con người chỉ muốn được tự do và thoải mái.
>> 'Du lịch Việt nhàm chán do sản phẩm không được đầu tư chất xám'
Vài hôm trước tôi cảm thấy thật xót xa khi một anh chàng giám đốc người Nhật Bản chỉ mới 32 tuổi tweet những lời tỏ vẻ miệt thị, khinh khi một tài xế xe ôm công nghệ khi anh này vào ngồi trong một quán cà phê.
Chắc chắn anh tài xế xe ôm công nghệ không có lỗi, vì quả thật anh chẳng làm gì sai, còn nhớ khi còn làm trong một khách sạn tại trung tâm quận 1 TP HCM tôi vẫn bắt gặp những người công nhân Nhật Bản với quần áo bảo hộ lấm lem bùn đất ngồi ăn uống trong nhà hàng còn cao cấp hơn cả Starbucks nhưng không một ánh mắt khinh khi.
Mong các bạn trẻ ý thức được điều này mà hăng say lao động, học tập để chúng ta không còn bị những ánh mắt khinh chê như cách anh chàng giám đốc Nhật nhìn vào anh tài xế xe ôm công nghệ.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.
Henry Nguyễn