Tôi là một nạn nhân thường xuyên của trò ăn nhậu và hát karaoke kinh khủng vì xung quanh nhà tôi có đến ba quán nhậu.
Từ thứ hai đến chủ nhật, tối nào cũng ồn ào và náo nhiệt. Từ lúc những quán nhậu đó mọc lên, chỉ có hai tháng trong mùa Covid của năm nay, khi lệnh giãn cách xã hội được thực thi và quán nhậu đóng cửa, tôi mới tìm được sự bình yên.
Lời nhận xét người Việt thích karaoke vì giải trí nghèo nàn có phần đúng và chưa đúng. Số đông người Việt không mặn mà với các loại hình giải trí khác như đọc sách, xem phim, nghe kịch...xuất phát từ nguyên nhân thu nhập chưa cao.
Tôi hoàn toàn không có ý đổ lỗi cho cái nghèo, nhưng sự thực là thế. Mức thu nhập và chất lượng cuộc sống của người Việt đã nâng cao đáng kể so với cách đây vài chục năm. Nhưng chỉ bằng 40% mức trung bình toàn cầu, theo số liệu của Ngân hàng thế giới đưa ra năm 2019.
>>'Không sớm có luật xử nạn karaoke bừa bãi, sẽ còn nhiều bi kịch'
Giả sử một cặp vợ chồng lao động kiếm được 20 triệu đồng mỗi tháng. Chi phí tiền ăn uống, đi lại, tiền con cái học hành, tiền nhà hết 15 triệu mỗi tháng, tiết kiệm được 5 triệu mỗi tháng. Bạn sẽ nghĩ họ sẽ chọn loại hình giải trí nào phù hợp? Họ có thể bỏ 500 nghìn mua vé nghe nhạc hoặc 200 nghìn đồng một vé để xem kịch ở những rạp trong trung tâm thành phố sao?
Những người hay ăn nhậu và karaoke đa phần là dân lao động. Một bàn nhậu bốn người tốn chừng 200 nghìn đồng tiền bia, 100 nghìn đồng mồi và một loa kẹo kéo hát. Thích bài nào thì dùng điện thoại tìm bài đó, miễn phí. Tính ra mỗi người chỉ chi từ 150-200 nghìn đồng, quá rẻ cho một cuộc vui kéo dài 2-3 tiếng.
Cũng khó lòng trách họ đâm đầu vào ăn nhậu và karaoke vì họ cũng không có lựa chọn nào khác. Đi làm tan ca về lúc 5h, đón con, ăn uống... thì việc bày bàn tiệc nhậu và hát nó đơn giải hơn là chơi kiểng, chơi chờ... vốn đầu tư nhiều thời gian và công sức.
>> 'Bớt rượu bia, bớt cả karaoke'
Vì thế, tôi hy vọng phú quý sẽ sinh lễ nghĩa, rằng trong chục năm tới - khi mức thu nhập đã được tăng cao - đại bộ phận người dân đủ ăn đủ mặc, dư giả và chăm chút cho đời sống tinh thần cao hơn, thì karaoke loa kéo sẽ dần bị đào thải.
Còn trong thời gian này, chỉ có một lời nhắn nhủ rằng việc thích hát và thích nhậu và quyền của mỗi người. Tuy nhiên xin đừng hát hò ầm ĩ những lúc buổi đêm, cuối ngày và cuối tuần vì nó rất ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh hoạt của người khác.
Đừng ép hàng xóm phải làm khán giả bất đắc dĩ của mình. Nếu ăn nhậu, hãy chừng mực và muốn ca hát phải văn minh. Nếu nhà không lắp được phòng cách âm thì hãy đi tiệm karoke.
Đã nâng ly rồi thì xin đừng nâng micro nữa làm khổ màng nhĩ người khác.
Hải Minh
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.