(Bài viết Ý Kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.)
Tác giả Henry Nguyễn là giảng viên, đang sinh sống tại TP HCM.
Trang 91, cuốn sách "Cách sống từ bình thường trở nên phi thường" của tác giả Inamori Kazuo, một doanh nhân Nhật Bản, có đoạn ông kể lại việc ông bị vợ mắng vì đã gọi bà lên xe công ty mà ông đang đi làm để đi chợ vì tiện đường. Vợ ông bảo rằng: "Bếu là xe riêng của nhà mình thì không sao, nhưng đây là xe cơ quan, không thể dùng xe công cho những việc vì tiện thể đi nhờ".
Cuốn sách tôi đã đọc cách đây hơn 3 năm nhưng đến giờ vẫn ấn tượng. Một số người, nhờ tính minh bạch, rạch ròi, công tư phân minh mà sự nghiệp của họ đã trở nên vĩ đại. Điều đặc biệt hơn chính là công ty này do ông là người gây dựng và là chủ sở hữu duy nhất vào thời điểm đó.
>> Thủ tục hành chính và hồng bao - 'chi phí bôi trơn khủng khiếp'
Khi tôi học môn "Đạo đức trong kinh doanh" (Business Ethics), một môn học mà tôi rất thích, trong giáo trình có những định nghĩa việc tham nhũng như không chỉ đơn thuần là sử dụng tiền bạc, tài sản chung vào việc riêng mà còn là việc sử dụng thời gian, mối quan hệ của công ty, tổ chức để làm việc riêng. Đối với lãnh đạo, việc sử dụng người lao động thuộc cấp để làm các việc riêng cho bản bản thân, cho gia đình mình cũng là những hình thức tham nhũng.
Trước khi tôi được học những khái niệm này tôi làm trong một doanh nghiệp nhà nước. Nơi đấy vị giám đốc và một số lãnh đạo khác trong công ty có quyền yêu cầu nhân viên công ty làm những công việc riêng cho gia đình họ như sửa nhà, đón con, thậm chí qua nhà nấu ăn cho sếp khi cần. Mọi người trong doanh nghiệp cảm thấy điều đó bình thường, thậm chí và vinh dự khi được "phục vụ" sếp và gia đình họ.
Có nhiều câu chuyện từ thực tế cho thấy, rất nhiều người lao động, không ý thức được những hành động vi phạm các quy chuẩn đạo đức. Đa phần họ xem việc sử dụng tài sản, thời gian, tiền bạc và cả người lao động thuộc cấp vào việc riêng là một đặc quyền của họ, một việc rất đúng quy trình.
>> 'Thu nhập không đủ sống là lý do để nhiều người làm điều sai trái'
Tôi đang đi dạy học ở các trường cao đẳng, đại học ở Sài Gòn, tôi thấy không nhiều trường có môn học đạo đức trong chương trình đào tạo. Hiện nay chương trình giáo dục đào tạo của chúng ta chỉ có môn giáo dục công dân (một dạng của môn học đạo đức) trong chương trình giáo dục phổ thông. Nhưng chưa có chương trình giáo dục các quy chuẩn đạo đức của xã hội ở đào tạo sau phổ thông dẫn. Việc này đẫn đến các biến tướng và lầm tưởng về các quy chuẩn đạo đức trong cuộc sống, trong đó những lầm tưởng về tham nhũng là một điển hình.
>> Bài viết cùng tác giả:
>> Chạy xe ôm công nghệ, thanh niên bị 'cướp mất' sức khoẻ và thanh xuân
>> Cha mẹ Việt nên đẩy con 'ra đường' làm thêm từ lúc còn đi học
Một xã hội phát triển bền vững phải được xây dựng trên các quy chuẩn đạo đức đúng đắn. Do đó việc xây dựng và đào tạo các tiêu chuẩn đạo đức phù hợp (đạo đức khác với luật pháp) là rất cần thiết, đặc biệt là những thế hệ sinh viên trong các trường cao đẳng, đại học.
>>Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.
Henry Nguyễn