"Tôi rất khâm phục tác giả bài viết 'Mẹ đơn thân mua được nhà nhờ cần cù và tiết kiệm'. Bản thân tôi thậm chí còn nặng gánh hơn thế, khi một mình nuôi hai con với bàn tay trắng, không có trợ cấp từ người chồng nghiện rượu, thất nghiệp, vũ phu. Mồng 6 Tết 2017, lúc ấy bé lớn của tôi 2,5 tuổi, bé nhỏ 19 tháng tuổi, sau hơn hai năm làm việc cật lực, quên ngày tháng, cuối cùng tôi cũng mua được căn nhà cấp bốn mái thái hơn 100 m2 ở TP Biên Hòa, Đồng Nai. Căn nhà lúc đó chỉ có giá 800 triệu đồng, nhưng với tôi đó là cả một sự nỗ lực không tưởng, có lẽ chỉ những ai chung hoàn cảnh mới hiểu. Khi đó tôi đã liều vay thêm ngân hàng (tín chấp) khoảng 90 triệu đồng để dồn đủ tiền để mua.
Một ngày điển hình của tôi bắt đầu từ 5h sáng dậy nấu đồ ăn cho con; 6h gọi con dậy cho chúng uống sữa, làm vệ sinh cá nhân và đưa các bé đi nhà trẻ; 7h tôi có mặt tại văn phòng; 16h lại đi đón các con về, bồng bế nhau ra chợ chiều bán dưa muối; 19h tôi về tới nhà, tắm gội và nấu nướng cho các con ăn; trong lúc chúng chơi, tôi lại tranh thủ rửa chén đĩa, lau nhà; 21h30 tối, sau khi dỗ các con ngủ, tôi lại bắt tay vào làm rau, trộn, ủ dưa muối để hôm sau đi bán. Xong xuôi mọi việc, tôi mới tắm gội, giặt giũ, phơi phóng quần áo và hôm nào đặt lưng xuống giường ngủ cũng sớm nhất là 0h sáng.
Chưa kể, các con tôi cũng hay ốm đau mỗi giai đoạn mọc răng hàm hay chích ngừa, nên việc thức thâu đêm vài ba ngày liên tục với tôi cũng là chuyện bình thường. Việc buôn bán của tôi dù nhỏ nhưng cũng đủ để chi tiêu sinh hoạt, không đến nỗi phải quá hà tiện. Cũng có tháng việc tay trái này giúp tôi có thu nhập gấp đôi công việc chính. Lương cứng hàng tháng của tôi khoảng 12 triệu luôn là khoản được để dư ra, phòng khi bất trắc. Người ta có phước nhờ cha mẹ, anh em, còn tôi tự thân lập thân thì phải cố gắng hơn gấp nhiều lần. Và ông trời cuối cùng cũng không phụ".
Đó là chia sẻ của độc giả Quốc Hoa về những nỗ lực vươn lên trong hoàn cảnh khó khăn của cuộc sống. Nếu coi cần cù là cánh tay phải của hạnh phúc, thì tiết kiệm chính là cánh tay trái của hạnh phúc. Cần cù và tiết kiệm luôn cần đi đôi, song hành với nhau. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều bạn trẻ Việt hiện nay ưa chuộng lối sống YOLO (You only live once) sẵn sàng tiêu hết lương tháng cho mua sắm, du lịch, ăn uống, trải nghiệm từ trung đến cao cấp nhưng lại bỏ ngỏ việc dự phòng tài chính với tài khoản tiết kiệm gần như không có, chi phí đầu tư là 0 đồng, trong khi con số nợ tín dụng ở mức từ vài triệu đến chục triệu hàng tháng.
Cũng đề cao lối sống chăm chỉ, tiết kiệm, bạn đọc Nguyễn Thị Thanh Thủy kể về hoàn cảnh của bản thân: "Tôi rất yêu mến những con người chăm chỉ, biết tiết kiệm và rất không ưa những người lười nhác, chỉ thích chơi bời. Người cần cù, tiết kiệm thì ở hoàn cảnh nào cũng sẽ thành công. Tôi cũng là một góa phụ, một mình nuôi hai con đến nay đã tạm lớn khôn, cũng từ hai bàn tay trắng đi lên, nhờ sự chăm chỉ, tiết kiệm, tính toán không sai hướng nên giờ tôi cũng tạm ổn định cuộc sống, có vài ba bất động sản ở trong nước, có cửa hàng bên nước ngoài.
Tuy vậy, tôi vẫn giữ thói quen chăm chỉ thức khuya dậy sớm, có lúc 0h đêm vẫn trồng rau để được ăn rau sạch do mình trồng. Nói vậy vì tôi thấy nhiều người rất lười biếng, vườn hoang nhà trống cũng mặc kệ đời, chỉ thích ăn chơi nhàn rỗi. Sau này, khi về già, cái kết của họ sẽ chỉ là gánh nặng cho con cháu. Hoặc như dịch bệnh hiện tại, nhiều người khó khăn, rau cũng không có mà ăn".
Đồng quan điểm, độc giả Nguyen Thi Huyen cho rằng: "Tôi cũng là mẹ đơn thân có hai đứa con. Ban ngày, tôi làm công việc chính, chiều tối lại nhận làm thêm sổ sách (tôi không làm bên ngoài vì muốn làm tại nhà để gần con và hướng dẫn con học hành, cũng như không muốn con cảm thấy lạc lõng vì đã không có ma mà mẹ lại quá bận rộn). Ngày nghỉ cuối tuần, tôi làm thêm vài món ăn để bán online.
Đến nay, sau mấy năm, tôi cũng cảm thấy yên tâm khi con trai đã tốt nghiệp phổ thông và được tuyển thẳng vào Đại học trường top với ngành nó yêu thích, con gái cũng là học sinh giỏi nhiều năm liền. Tôi cũng có một ngôi nhà nhỏ của riêng mình. Giờ đây, tôi cảm thấy yêu cuộc sông này và cảm thấy mãn nguyện vì những cố gắng của mình được đền đáp".
>> Tiền tiết kiệm thời trẻ là sức mạnh của tuổi già
Một khảo sát tài chính gần đây do một tổ chức công nghệ thanh toán trực tuyến thực hiện tại 16 nước và vùng lãnh thổ thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã chỉ ra rằng: người trẻ Việt dù hoạch định khá tốt nhưng lại hạn chế kỹ năng quản lý tiền cơ bản và yếu nhất về kỹ năng đầu tư tài chính. Các chuyên gia kinh tế cho biết khoảng 90% giới trẻ không có thói quen tiết kiệm, nhiều người quan niệm cứ tiêu xài trước nhưng đến khi cần một số tiền gấp để trang trải cho vấn đề nào đó thì không biết lấy đâu ra tiền.
Nói về thực trạng này, bạn đọc Nguyenthanh311271 chia sẻ: "Nhiều người cứ mở miệng là than khổ, nhưng lại không chịu làm việc, chê việc hèn trong khi trình độ lại ấm ớ. Ở Sài Gòn, rất dễ kiếm tiền nếu bạn chịu khó tìm hiểu. Tôi quen hai người phụ nữ thuộc hai thái cực: một người học chưa hết lớp 12, lấy chồng và giờ chỉ ở nhà nội trợ, chơi bời, đi cà phê với nhóm bạn, sống thực thì ít, sống ảo thì nhiều, khi không có tiền lại than 'phước mỏng'; một người khác có bằng đại học, có nhà, có tiền gửi ngân hàng nhưng đi vẫn đi làm thêm (giúp việc nhà) để lấy tiền làm thiện, và bạn ấy luôn mỉm cười dù làm ướt đẫm mồ hôi".
Khẳng định tầm quan trọng của việc chăm chỉ và tiết kiệm để có được hạnh phúc, độc giả Cao Thích nhấn mạnh: "Đúng là làm việc phải chịu khó và phải biết tích lũy thì mới có dư. Nhiều người nghĩ mình làm ra là phải hưởng thụ. Có người làm buổi sáng, ăn buổi tối hết tiền, rồi ngày mai lại làm tiếp. Lương của tôi cũng thấp, nhưng tôi tăng ca rồi kiếm việc làm thêm để nuôi các con ăn học. Lúc nào tôi cũng cố làm để tích lũy thêm. Chồng tôi thì ngược lại, làm bao nhiêu là phải hưởng thụ bấy nhiêu.
Mấy năm nay, con tôi đang học đại học, cũng rất tốn kém. Nhưng tôi vẫn có tiền dư để gửi ngân hàng phòng thân. Giờ dịch bệnh, chồng tôi thất nghiệp bốn tháng nay, một mình tôi tự kiếm tiền lo cho bản thân, không trông chờ vào người khác. Bạn làm ra đồng tiền nên hưởng thụ không sai, nhưng phải biết chi tiêu trong khả năng của mình. Làm lương ít mà đua đòi, cái gì cũng mua, thì đến lúc ốm đau, hoạn nạn, không có của để dành thì làm sao để sống? Vay mượn người ta cũng chỉ giúp mình một, hai bữa, chứ đâu ai nuôi mình được cả đời".
>> Các ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.