Tôi cho rằng, học sinh chỉ cần tốt nghiệp THPT, trừ những ngành đào tạo có tính chất đặc thù liên quan đến sinh mạng người khác, thì ai cũng có cơ hội học đại học.
Ở phương Tây, 70% lao động có bằng cử nhân trở lên; 30% còn lại, hoặc là hành nghề tự do kiếm được tiền không cần học đại học, hoặc là không đủ trình độ để tiếp thu kiến thức cao hơn. Học sinh THCS ở phương Tây (lớp 9 trở xuống) chơi nhiều hơn học. Học sinh THPT học nhiều hơn chơi nhưng cũng không quá nặng nề. Cắm đầu cắm cổ học suốt ngày suốt đêm chính là sinh viên đại học. Suốt những năm học đại học sẽ là một chuỗi kiểm tra, thi cử liên tục, bất tận, cho đến khi tốt nghiệp. Hình tháp giáo dục của họ như vậy đó, càng học lên cao càng khó. Không phải như ở ta, học đại học nhàn, thi cử mới khó. Khó nhất là thi đầu vào đại học. Vượt qua được kỳ thi này, việc học hành ở đại học với đa số sinh viên còn dễ hơn học THPT.
Mỹ và EU, mỗi nơi có hàng trăm trường đại học. Tất cả những trường này đều được xếp hạng. Hạng càng cao, chất lượng giảng dạy cũng cao tương ứng. Học sinh tốt nghiệp THPT có điểm cao sẽ được các đại học top đầu mời vào học. Nếu muốn tranh học bổng, bạn sẽ phải thi, hoặc phải đóng tiền học phí rồi để vào học luôn mà không cần thi cử. Học sinh có điểm tốt nghiệp THPT thấp sẽ phải học trường xếp hạng thấp, chất lượng giảng dạy và học phí cũng tỷ lệ thuận. Nếu học ở các trường xếp hạng dưới, bạn sẽ càng khó xin việc và khó có cơ hội thăng tiến, nên hầu như ai cũng cố học giỏi để được học đại học top đầu.
Đại học có xếp hạng là cái khuôn để xã hội hóa giáo dục, tránh cho việc thu học phí trở thành mục tiêu hàng đầu của nhà trường dẫn đến việc làm hoen ố học đường. Đại học xếp hạng thấp mà thu học phí cao thì ai chịu vào học?
Học đại học là một chuyện, tốt nghiệp ra trường có được cấp chứng chỉ hành nghề hay không là chuyện khác. Thông thường, sinh viên vượt qua được các khóa thực tập sẽ được cấp chứng chỉ hành nghề ngay sau khi tốt nghiệp. Đã có bằng tốt nghiệp đại học rồi, sao còn cần phải có chứng chỉ hành nghề? Chứng chỉ hành nghề để loại bỏ những người học lấy bằng xong không làm đúng chuyên môn nghề nghiệp. Với chứng chỉ hành nghề như vậy, người ta chỉ cần học một bằng. Nếu có học nhiều bằng thì luôn chỉ có một bằng là nghề nghiệp chính thức, các bằng khác chỉ để chứng minh có sự hiểu biết về lĩnh vực đó thôi.
Sinh viên 5 năm sau khi ra trường không làm đúng chuyên môn sẽ bị tước giấy phép hành nghề. 10 năm không làm đúng nghề bị tước bằng. Cao học, Tiến sĩ hai năm không có bài viết khoa học đăng trên tạp chí quốc tế, bằng cấp ấy không được công nhận dù được đại học hàng đầu thế giới cấp...
Điều này là khác với ở ta, chỉ cần có bằng đại học thôi, làm việc gì cũng được không cần xét chuyên môn. Năng suất lao động thấp, chất lượng hàng hóa sản phẩm kém cùng với giá cả cao, quản lý thiếu chặt chẽ minh bạch... tất thảy đều phát sinh từ chuyện bằng cấp không tương ứng với nghề nghiệp.
>> Gánh nặng những kỳ thi quyết định đời người
Người học sư phạm đi làm kỹ thuật, người học kỹ thuật đi làm quản lý, người học quản lý lại đi dạy học... kết quả sẽ thế nào? Chúng ta thường quan trọng hóa sự học, còn ở phương Tây, họ chỉ quan tâm kết quả công việc. Anh học giỏi hay dở là chuyện riêng của cá nhân. Nhưng anh làm giỏi hay dở sẽ liên quan, ảnh hưởng đến rất nhiều người khác.
Ngay từ khi học đại học, sinh viên đã bắt đầu làm việc ở những năm cuối thông qua các khóa thực tập, vừa để tích lũy kinh nghiệm nghề nghiệp vừa được trả lương. Tất nhiên, lương của thực tập sinh không thể cao bằng lương của nhân viên chính thức vì họ không phải chịu trách nhiệm với kết quả công việc. Kết quả công việc chỉ là tiêu chí để đánh giá thực tập sinh này có vượt qua được khóa thực tập hay không mà thôi. Do vậy, lao động của họ tốt nghiệp xong, xin được việc là làm việc chính thức luôn, không phải đào tạo lại. Còn ta, hầu như công ty nào sau khi tuyển mộ nhân sự xong cũng phải mở khóa đào tạo cấp tốc cho nhân viên mới, rồi thử việc các kiểu mới đến làm việc chính thức.
Chúng ta có vẻ tự hào có nền giáo dục đặt nặng chuyện học hành, thi cử trong khi chất lượng lao động chưa cao. Trường chuyên, lớp chọn, "gà nòi" đủ cả nhưng chất lượng lao động không tương xứng phải chăng là nghịch lý? Đến bao giờ người ta mới thôi cái việc tự hào "thi đậu đại học"? Ở Tây người ta chỉ tự hào khi tốt nghiệp, còn ta có vẻ ngược với họ. Ở Tây, làm việc khó hơn học hành, còn ở ta, học hành khó hơn làm việc.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.
Lâm