Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết số ca nCoV tại châu Âu tuần qua tăng 11% và đây là nơi duy nhất trên thế giới đường cong của dịch liên tục đi lên từ giữa tháng 10 đến nay. WHO cảnh báo nguy cơ châu Âu ghi nhận thêm 700.000 người chết vì Covid-19 từ nay đến đầu năm 2022, nếu giới chức châu lục không sớm hành động quyết liệt.
Không giống như nhiều khu vực khác trên thế giới đang chật vật tìm nguồn cung vaccine, các nước châu Âu giàu có được ví như đang "bơi trong vaccine". Một tỷ liều vaccine đã được tiêm trên toàn châu lục trong hơn một năm qua, nhưng Giám đốc WHO khu vực châu Âu Hans Kluge vẫn cảnh báo "Covid-19 vẫn đang bóp nghẹt" các quốc gia ở đây.
Giới chuyên gia y tế cho rằng nguyên nhân của nghịch lý này tại châu Âu là làn sóng bài xích vaccine nguy hiểm, người dân chậm tiêm mũi tăng cường và miễn dịch nhờ tiêm chủng suy giảm theo thời gian, trong khi các biện pháp chống dịch được nới lỏng một cách nhanh chóng. Tỷ lệ tiêm chủng cũng chênh lệch lớn giữa các nước Đông Âu và Tây Âu.
Đợt bùng phát dịch mùa thu năm nay đẩy hệ thống bệnh viện nhiều quốc gia ở Trung Âu và Đông Âu, nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp, đến bờ vực sụp đổ, điển hình là Ukraine, Romania, Cộng hòa Czech và Slovakia.
Nga tiếp tục là quốc gia có số ca tử vong vì Covid-19 cao nhất châu Âu với hơn 267.000 trường hợp, trong tổng số gần 9,4 triệu ca nhiễm. Bất chấp nỗ lực thuyết phục từ Tổng thống Vladimir Putin, đến ngày 24/11, chỉ 37,2% dân số Nga tiêm đủ hai mũi vaccine.
Ở Tây Âu, Đức đang trên đà vượt mốc 100.000 ca tử vong trong tuần này, dù từng là một trong những mô hình kiểm soát dịch hiệu quả của châu lục.
Tình hình dịch ở mức báo động đỏ đã buộc Áo cùng Hà Lan và Bỉ tuần qua nối tiếp nhau ban hành những biện pháp kiểm soát dịch tễ nghiêm ngặt, trong đó có quy định hạn chế nhắm vào bộ phận dân cư từ chối tiêm chủng. Một số chính trị gia Đức bắt đầu cân nhắc quy định tiêm vaccine bắt buộc để người dân được đi làm, đi học và du lịch bình thường.
Tại Nga, nơi chủ động được nguồn cung vaccine Sputnik V, hàng loạt bác sĩ hàng đầu đất nước gần đây đã phải gửi thư ngỏ đề nghị những ca sĩ, diễn viên nổi tiếng bài xích vaccine tới các bệnh viện điều trị Covid-19 để tận mắt chứng kiến tình hình quá tải.
Trong khi đó, Đức chật vật với làn sóng Covid-19 giữa giai đoạn chuyển giao quyền lực hậu bầu cử và quy định chống dịch giẫm chân nhau giữa các địa phương, khi nhiều bang siết chặt kiểm soát, nhưng một số bang lại muốn nới lỏng.
Trong khi liên minh cầm quyền của tân Thủ tướng Olaf Scholz muốn áp lệnh tiêm chủng bắt buộc cho một số ngành nghề hoặc toàn dân, một số chính trị gia lại bày tỏ quan điểm ủng hộ nới lỏng chống dịch nhằm lấy lòng cử tri phản đối các biện pháp hạn chế.
"Không ai đủ can đảm đưa ra những biện pháp hạn chế do lo ngại đánh mất sự ủng hộ của công chúng. Chúng tôi kẹt trong tình trạng hiện nay do thiếu đầu tàu lãnh đạo", bác sĩ Uwe Janssens, trưởng khoa chăm sóc đặc biệt tại bệnh viện St. Antonius ở Eschweiler, bang Cologne, nói.
Trái ngược với châu Âu, tình hình Covid-19 ở châu Á lại là bức tranh hoàn toàn khác. Khu vực này đã duy trì tỷ lệ lây nhiễm thấp và dần mở cửa thích ứng với "bình thường mới". Đông Nam Á và Trung Đông lần lượt ghi nhận mức giảm ca nhiễm 11% và 9% trong tuần qua, theo WHO.
Dù chiến dịch tiêm chủng ở một số nước châu Á được khởi động sau châu Âu và Mỹ, một phần do khó tiếp cận nguồn cung, tốc độ triển khai tiêm vaccine ở khu vực nhanh chóng bứt tốc trong những tháng gần đây. Số ca nhiễm và tử vong tăng vọt ở Ấn Độ, Mỹ và châu Âu đóng vai trò như tiếng chuông cảnh tỉnh, giúp người dân châu Á dẹp bỏ tâm lý hoài nghi vaccine.
Theo giới chuyên gia, châu Á - Thái Bình Dương là khu vực đã có nhiều kinh nghiệm ứng phó với các bệnh truyền nhiễm như SARS, đồng thời biết cách điều chỉnh chương trình mua sắm vaccine thích ứng tốt với thị trường.
Rút kinh nghiệm từ giai đoạn đầu thiếu hụt vaccine do bất bình đẳng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, các nước châu Á đã chủ động giảm thiểu rủi ro đứt gãy nguồn cung bằng cách đặt hàng từ nhiều nhà sản xuất và đơn vị phân phối. Sau đợt sóng Covid-19 bùng phát mạnh giữa năm nay do độ phủ vaccine thấp, khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang kỳ vọng hiện thực hóa mục tiêu "đi sau về trước" trong chiến dịch tiêm chủng.
Campuchia là quốc gia triển khai tiêm chủng sớm so với bình diện chung tại khu vực, nhờ nguồn vaccine viện trợ của Trung Quốc và nguồn cung từ sáng kiến Covax. Nước này khởi động chiến dịch tiêm chủng toàn quốc từ ngày 10/2, trễ hơn Mỹ và Anh khoảng hai tháng.
Đến đầu tháng 5, khoảng 11% trong 16 triệu dân Campuchia được tiêm ít nhất một mũi, bằng một nửa tốc độ tiêm chủng ở Mỹ và 1/3 tốc độ triển khai tại Anh trong cùng khung thời gian 3 tháng.
Tuy nhiên, Campuchia tăng tốc chiến dịch tiêm chủng khi chứng kiến mức tàn phá của làn sóng Covid-19 thứ hai tại Ấn Độ. Đến giữa tháng 11, Campuchia đã tiêm đủ hai mũi vaccine cho 78% dân số và đang mở rộng đối tượng tiêm chủng đến trẻ 3-4 tuổi.
Một hình mẫu tiêm chủng thành công khác ở châu Á là Nhật Bản. Chính phủ Nhật khởi động chiến dịch tiêm chủng toàn quốc từ giữa tháng 2, nhưng tốc độ triển khai ban đầu rất chậm chạp do gặp khó khăn về nguồn cung.
Tình hình được cải thiện sau khi thủ tướng Nhật lúc đó là ông Yoshihide Suga huy động lực lượng quân y tăng viện cho các trung tâm tiêm chủng ở Tokyo và Osaka. Nhật Bản đồng thời điều chỉnh khung pháp lý, tạo điều kiện để nha sĩ, nhân viên cấp cứu và kỹ thuật viên phòng thí nghiệm tham gia tiêm vaccine cho người dân.
Tốc độ tiêm vaccine tại Nhật Bản vào tháng 7 đạt 1,5 triệu mũi/ngày. Đến giữa tháng 11, số người tiêm đủ hai mũi trên toàn quốc đạt 76% dân số.
Theo Makoto Shimoaraiso, thành viên nhóm công tác chính phủ về ứng phó Covid-19, ý thức của người dân góp công lớn vào thành công hiện nay. Người Nhật Bản đã gác lại tâm lý e dè với vaccine sau khi thấy số ca mắc Covid-19 tử vong tăng chóng mặt khắp thế giới.
Khác với Mỹ và châu Âu, chương trình tiêm chủng tại Nhật không chịu ảnh hưởng từ chính trị. "Ở đây không có tình trạng chính trị hóa. Tiêm chủng không bị liên hệ với quyền tự do cá nhân. Công chúng không quan tâm đến bất kỳ thuyết âm mưu nào", giáo sư Kenji Shibuya, chuyên gia cấp cao tại Tổ chức Nghiên cứu Chính sách Tokyo, cho biết.
Chương trình tiêm chủng ở hàng chục quốc gia châu Á - Thái Bình Dương khác cũng đang tiến triển tích cực. Malaysia đã tiêm đủ hai mũi cho 76% dân số cả nước, trong khi tỷ lệ này của Singapore lên tới 92%.
Các chuyên gia y tế lưu ý tỷ lệ tiêm chủng cao vẫn là yếu tố quyết định thành bại trong cuộc chiến với đại dịch. Độ phủ vaccine trong dân số càng cao, sức ép lên hệ thống y tế các nước càng giảm, trong khi chất lượng chăm sóc bệnh nhân tăng lên.
Các nước châu Á cũng chú trọng đưa vaccine đến những nhóm dân số khó tiếp cận hạ tầng y tế. Chính phủ Malaysia trao quyền cho tổ chức Chữ thập Đỏ hỗ trợ tiêm chủng cho người nhập cư trái phép và những nhóm dân số còn e dè vì các lý do pháp lý khác.
Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới Truyền nhiễm và Nghiên cứu Giáo dục Malaysia Sazaly Abu Bakar nhấn mạnh tôn chỉ chiến dịch là "vaccine cho mọi người, không cần đặt câu hỏi".
"Câu chuyện nguồn cung đóng vai trò quan trọng ở những nước đang thành công với chiến dịch tiêm chủng. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải quan tâm tạo ra nhu cầu vaccine, cụ thể là thuyết phục dân chúng chấp nhận và tiếp cận những nhóm yếu thế", John Fleming, giám đốc y tế của tổ chức Chữ thập Đỏ tại châu Á - Thái Bình Dương, nhận định.
Trung Nhân (Theo AP/Quartz/ NPR)