Các chính phủ châu Âu đang tăng cường biện pháp chống Covid-19 khi đối mặt số ca nhiễm tăng vọt vì làn sóng thứ tư, với hơn hai triệu ca nhiễm mới mỗi tuần, cùng với đó là các cuộc biểu tình ở nhiều nước cuối tuần qua.
Hàng chục nghìn người đã biểu tình phản đối các biện pháp hạn chế và yêu cầu tiêm chủng bắt buộc ở Áo, Hà Lan, Bỉ, Đan Mạch, Italy, Thụy Sĩ và Croatia. Một số cuộc biểu tình đã biến thành bạo lực và cảnh sát phải sử dụng hơi cay, vòi rồng để trấn áp.
Châu Âu một lần nữa trở thành tâm dịch của thế giới, khi chiếm hơn một nửa số ca tử vong Covid-19 tháng này, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Bốn quốc gia có tỷ lệ ca nhiễm mới cao nhất thế giới trong tuần qua là Áo, Slovakia, Slovenia và Cộng hòa Czech. 27 trong 29 quốc gia có tỷ lệ lây nhiễm cao nhất thế giới nằm ở châu Âu.
Đối mặt với tốc độ tiêm chủng chậm chạp và mùa đông cận kề, ngày càng nhiều chính phủ gióng lên hồi chuông cảnh báo về đại dịch.
Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 22/11 nói với đảng Dân chủ Cơ đốc giáo rằng tình hình dịch hiện tại rất nghiêm trọng và đợt bùng phát mới sẽ tồi tệ hơn bất kỳ làn sóng nào mà Đức từng trải qua.
Trong tháng nắm quyền cuối cùng, Thủ tướng Merkel cảnh báo các bệnh viện sẽ sớm bị quá tải nếu không kiểm soát được làn sóng thứ tư, đồng thời kêu gọi 16 bang thực thi các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt để ngăn dịch lây lan.
Giống nhiều nước châu Âu, Đức đang thúc giục người dân tiêm liều tăng cường. Tuy nhiên, quốc gia này đang đối mặt với nguồn cung Pfizer dần cạn kiệt.
Dù Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) đã sẵn sàng cấp phép sử dụng vaccine Pfizer cho trẻ 5-11 tuổi trong tuần này, những mũi tiêm đầu tiên dự kiến không kịp chuyển tới các nước Liên minh châu Âu (EU) trước ngày 20/12, theo Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn.
Quốc gia láng giềng Áo ngày 22/11 bắt đầu đợt phong tỏa thứ tư và là một trong số ít nước Tây Âu áp dụng biện pháp này kể từ khi vaccine trở nên phổ biến. Hầu hết cửa hàng, nhà hàng, địa điểm thể thao và văn hóa đều đóng cửa, khiến các tuyến phố trở nên vắng lặng trong những tuần trước Giáng sinh.
Lệnh phong tỏa, trong đó chỉ cho phép người dân rời nhà đi làm hoặc tới hiệu thuốc và cửa hàng tạp hóa, sẽ kéo dài ít nhất 10 ngày và nhiều nhất 20 ngày. Biện pháp quyết liệt này được đưa ra sau vài tháng Áo chật vật kiểm soát lây nhiễm bằng xét nghiệm diện rộng và áp lệnh hạn chế một phần.
Áo cũng tuyên bố tiêm chủng sẽ trở thành quy định bắt buộc kể từ ngày 1/2, khiến đây trở thành nước phương Tây đầu tiên và là một trong số ít quốc gia trên thế giới áp dụng quy định này.
Đảng Tự do thuộc phe cực hữu và là đảng lớn thứ ba trong quốc hội Áo, đã dẫn đầu phong trào phản đối các biện pháp chống Covid-19 trên. Họ lan truyền những thuyết âm mưu về vaccine, hoài nghi hiệu quả của chúng, cũng như thúc đẩy sử dụng ivermectin, loại thuốc thường được dùng để trị giun sán ở ngựa và nhiều lần thất bại trong các thử nghiệm lâm sàng điều trị Covid-19.
Thủ tướng Áo Alexander Schallenberg cho biết ban đầu ông cũng phản đối tiêm chủng bắt buộc, nhưng thay đổi quan điểm vì "đất nước này có quá nhiều lực lượng chính trị cùng những kẻ hoài nghi vaccine và lan truyền tin giả".
Bỉ đã tiêm chủng cho 75% dân số, nhưng số ca nhiễm mới tăng buộc chính phủ phải siết các biện pháp hạn chế, như yêu cầu làm việc từ xa và đeo khẩu trang bắt buộc.
Những quy định này đã làm dấy lên làn sóng biểu tình ở Brussels vào ngày 21/11, với khoảng 35.000 người tham gia tại khu vực trụ sở của EU, trong đó một số người có hành vi bạo lực như ném đá và phóng hỏa. Hơn 40 người biểu tình bị bắt và ba cảnh sát bị thương.
Thủ tướng Bỉ Alexander de Croo nói hành động bạo lực là "không thể chấp nhận". Ông nói người Bỉ được tự do biểu tình, nhưng "cách mà một số người hành xử không liên quan gì tới tự do. Nó cũng không liên quan gì đến việc tiêm chủng có phải là điều tốt hay không. Đây là hành vi tội phạm".
Tại Hy Lạp, chính phủ ngày 22/11 tuyên bố những người chưa tiêm chủng sẽ bị cấm đến các không gian trong nhà như nhà hàng, rạp chiếu phim, bảo tàng và phòng gym. Giấy chứng nhận tiêm chủng cho những người trên 60 tuổi sẽ có hiệu lực trong 7 tháng, thời điểm họ sẽ được yêu cầu tiêm liều tăng cường để duy trì khả năng miễn dịch.
Slovakia và Cộng hòa Czech cũng đã siết hạn chế với người chưa tiêm chủng, cấm họ tới nhà hàng, quán rượu, trung tâm thương mại, sự kiện công cộng và cửa hàng, ngoại trừ những trường hợp thiết yếu.
Giám đốc WHO khu vực châu Âu Hans Kluge hồi đầu tháng cho rằng những tai ương dịch bệnh mà khu vực này phải gánh chịu là do tư tưởng ngần ngại tiêm chủng dù nguồn cung vaccine dồi dào. Kluge cảnh báo châu Âu có thể ghi nhận thêm một triệu ca tử vong đến tháng 2 năm sau.
"Chúng ta phải thay đổi chiến thuật, từ phản ứng với các đợt bùng phát Covid-19 sang ngăn chặn chúng xảy ra ngay từ đầu", ông nói.
Thanh Tâm (Theo NY Times)