Hiện, số ngày lẫn thời điểm nghỉ Tết Nguyên đán 2023 vẫn chưa được chốt. Trước đó, cuối tháng 9, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đưa ra hai phương án: nghỉ 7 ngày (từ 29 tháng Chạp năm Nhâm Dần đến hết mùng 5 tháng Giêng năm Quý Mão, tức 20/1/2023 đến hết 26/1/2023) và 9 ngày (từ 30 tháng Chạp năm Nhâm Dần đến hết mùng 8 tháng Giêng năm Quý Mão, tức 21/1/2023 đến hết 29/1/2023). Nhiều bộ ngành chọn phương án một, riêng Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam kiến nghị nghỉ 8 ngày, từ 28 tháng chạp tới hết mùng 5 tháng giêng, đi làm bù thứ bảy (19-26/1/2023, làm bù 28/1/2023).
Cá nhân tôi ủng hộ nghỉ Tết càng dài ngày càng tốt (nhất là thời điểm trước Tết). Các nước phát triển và giàu có đều nghỉ nhiều nên ngành dịch vụ của họ mới phát triển. Người có tiền sẽ ăn chơi, du lịch, mua sắm... và cũng là cơ hội cho người khác làm dịch vụ kiếm thêm thu nhập. Kinh tế luôn bổ trợ lẫn nhau, ngành này sản xuất ra sản phẩm thì phải có ngành khác tiêu thụ.
Có người bảo năng suất lao động của nước ta còn thấp nên phải làm nhiều hơn để bù lại. Tôi cho rằng đây là một quan điểm rất nực cười. Năng suất thấp thì phải cải tiến máy móc, tổ chức hợp lý... chứ không liên quan gì đến chuyện làm ít, làm nhiều. Cái vô lý nhất là đề xuất một năm nghỉ Tết thêm một, hai ngày (để người lao động xa quê thong thả hơn) nhưng nhiều người phản đối vì sợ đất nước nghèo đi, trong khi cũng một năm chúng ta nghỉ tới khoảng 50 ngày thứ bảy thì chẳng thấy ai nói gì. Nếu làm thêm một, hai ngày mà giàu lên thì có lẽ chẳng quốc gia nào nghỉ thứ bảy và chủ nhật cả.
Làm nhiều, ra nhiều sản phẩm mà không tiêu thụ được, đồng tiền trong dân cứ bỏ tủ khóa lại, thì nghèo vẫn hoàn nghèo. Đó là lý do vì sao các nước giàu thường nghỉ nhiều ngày lễ trong năm để kích cầu mua sắm, tiêu thụ hàng hóa. Lễ càng nhiều, nghỉ càng dài thì người ta mua sắm, ăn chơi, du lịch, ngành dịch vụ tăng trưởng, đồng tiền lưu thông, hàng hóa bán được... thì mới tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, thúc đẩy kinh tế phát triển. Họ làm ít về sản xuất nhưng tăng phát triển dịch vụ.
>> Sao phải cố dè sẻn ngày nghỉ Tết?
Tôi lấy ví dụ, nếu nhà nước quy định một tuần làm việc bốn ngày, có nghĩa là các doanh nghiệp cũng phải tuân theo số ngày đã mặc định của nhà nước. Tuy nhiên vì tính chất mỗi ngành nghề chắc chắn họ sẽ muốn bạn làm thêm thành năm hoặc sáu ngày một tuần. Như vậy bạn sẽ được trả gấp hai lần tiền công so với ngày thường. Điều đó sẽ có lợi cho người lao động, chỉ các ông chủ doanh nghiệp là không thích nghỉ nhiều. Tương tự, nếu lịch nghỉ Tết cố định tăng lên thì người lao động sẽ có lợi. Ngược lại nếu giảm bớt ngày nghỉ thì doanh nghiệp sẽ có lợi và người lao động sẽ chịu thiệt.
Hiện nay, người lao động ở Việt Nam đang nghỉ ít hơn so với các nước trong khu vực và trên thế giới (chỉ có 11 ngày một năm). Trong khi đó, ở các nước phương Tây hay Nhật Bản, người lao động nghỉ nhiều hơn, dài hơn ta rất nhiều. Có người nghỉ hẳn một tháng chỉ để đi du lịch và doanh nghiệp của họ vẫn phải bố trí người thay, chứ ở Việt Nam nghỉ vài ba ngày thôi cũng khó khăn lắm rồi.
Ở phương diện doanh nghiệp, nếu người lao động cảm thấy thoải mái về mặt tinh thần, họ sẽ nhiệt tình lại với doanh nghiệp và đem lại năng suất cao hơn. Chủ doanh nghiệp và người lao động luôn có mối tương quan bổ trợ lẫn nhau. Ở phương diện người công nhân nghèo, đăng ký ở lại làm thêm, lương tăng gấp ba lần, nhưng chưa chắc họ đã chịu làm. Đó là lý do tại sao ra Tết các doanh nghiệp luôn trong tình trạng thiếu người lao động là vậy.
Mỗi thời, mỗi giai đoạn luôn khác nhau. Nghỉ Tết thời nay còn có mục đích phát triển kinh tế, dịch vụ, du lịch, đây là ngành mũi nhọn không khói đem doanh thu về cho đất nước. Thực tế, các ngày cận Tết năng suất làm việc thường rất thấp, vì nhu cầu người lao động mong muốn về quê sớm, vậy hà cớ gì ép họ phải ở lại làm việc thêm? Tại sao không giải quyết ổn thỏa cho họ nghỉ sớm để sau đó quay lại làm việc năng suất hơn, mà cứ phải nguyên tắc chỉ để điểm danh?
Luật do chúng ta soạn ra, nếu không phù hợp có thể điều chỉnh. Tết vui nhất, nhộn nhịp nhất là thời gian trước giao thừa vì có nhiều việc phải lo, nên nghỉ sớm là hợp lý. Cố làm nhưng năng suất những ngày này không cao thì cũng không để làm gì. Văn hóa truyền thống của người Việt là cúng kiếng, sum họp gia đình, mua sắm, trang hoàng nhà cửa, làm bánh, tảo mộ, thăm hỏi tặng quà, đi từ thiện... nên cần nghỉ sớm. Điều này cũng góp phần làm giảm tải áp lực về giao thông, hạn chế những rủi ro không đáng có. Nghỉ Tết sớm còn tạo tâm lý cho người dân thoải mái, nhẹ nhàng hơn và không còn "sợ" Tết mỗi độ xuân về.
Nếu nghỉ Tết từ 23 Âm lịch, chắc chắn người dân sẽ đi du lịch rất nhiều, vì thời tiết lúc này không thể tuyệt vời hơn. Họ đi du lịch vài ngày và về vẫn còn dư thời gian để chuẩn bị sắm Tết. Đến Mùng 4 đi làm lại, ai cũng vui. Muốn giàu, muốn khá, phải biết tính toán, tiết kiệm, xài tiền đúng mục đích, tăng năng suất làm việc, học hỏi cái hay, từ bỏ cái dở... chứ không phải chi lo làm và làm, cuối cùng chỉ làm giàu cho chủ doanh nghiệp.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.