Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến bộ ngành về hai phương án nghỉ Tết Âm lịch 2023. Phương án một, người lao động nghỉ bảy ngày từ 29 tháng chạp tới mùng 6 tháng giêng (20-26/1/2023). Phương án hai là nghỉ 9 ngày từ 30 tháng chạp tới mùng 8 tháng giêng (21-29/1/2023). Tuy nhiên, khối doanh nghiệp sản xuất cho rằng nhà chức trách nên đưa ra phương án nghỉ Tết sớm hơn để người lao động có thời gian chuẩn bị, về quê đón Tết.
Cá nhân tôi cho rằng, nên quy định lại thời gian nghỉ Tết theo hướng chủ động hơn. Chẳng hạn như nghỉ Tết bảy ngày (bốn ngày trước Tết, ba ngày sau Tết) để doanh nghiệp và người lao động có thời gian sắp xếp công việc, nghỉ ngơi tái tạo sức lao động.
Thông thường, Tết là dịp để con cháu về quê thăm viếng, quây quần bên gia đình, bà con họ hàng, chòm xóm gặp gỡ nhau. Những công nhân ở xa đi xe về quê có khi mất cả ngày, khi quay lại thành phố cũng mất một ngày nữa, nên rất mệt mỏi. Họ mong mỏi được về quê ăn Tết sớm hơn để có thời gian dọn dẹp nhà cửa, sửa soạn bàn thờ, mua bông hoa, trái cây về chưng cúng, mua sắm cho những ngày trong Tết... Đó là những ngày bận rộn nhưng vui nhất, còn qua ngày mùng 1, 2 coi như là hết Tết.
Thế nên, nếu để người lao động nghỉ Tết từ ngày 29 sẽ rất cập rập, không kịp làm gì cả. Nhà nào giàu có thì đầy đủ quanh năm, có người giúp việc, chứ đa phần công nhân nghèo không có ai phụ giúp, làm sao cho kịp đón Tết tươm tất, chu đáo? Bên cạnh đó, việc cho người lao động nghỉ Tết sớm còn giúp giãn mật độ lưu thông xe cộ, tránh ùn tắc, chen lấn, cũng như tai nạn giao thông.
Làm cả năm mệt mỏi, ai cũng chỉ mong ngày Tết được về sớm để lo cho gia đình, nhưng quy định hiện nay chủ yếu cho nghỉ từ 29, 30 chẳng khác nào mệt chồng mệt. Ngày 30 Tết rất quan trọng vì phải lo đủ thứ để cúng đón ông bà Tổ tiên về ăn Tết. Tối đón Giao Thừa cũng rất thiêng liêng, ấm cúng. Do đó, người lao động cần được nghỉ trước những ngày này để có thời gian chuẩn bị và nghỉ ngơi.
>> '22 ngày nghỉ lễ, Tết trong năm 2022 vẫn còn ít'
Doanh nghiệp nào muốn tăng ca, chạy đơn hàng hay hợp đồng, giao nhận hàng hóa có thể thỏa thuận trước với công nhân hoặc thuê ngoài. Các doanh nghiệp có thể chủ động tăng ca thứ bảy, chủ nhật trước đó để cho công nhân nghỉ Tết sớm, kết hợp với nghỉ phép năm. Sau Tết, thường có rất ít đơn hàng cũng như công việc vì ai cũng lo sắp xếp giải quyết hết công việc từ cuối năm rồi, thế nên cũng không cần đi làm sớm, doanh nghiệp có thể chủ động chọn ngày tốt để mở cửa, thay vì cứ nhất định phải là mùng 5, 6.
Tôi để ý thấy đa phần ngày đầu đi làm sau Tết, người ta cũng chỉ đi chúc Tết, ít ai bắt tay vào công việc ngay. Thế nên, nếu cho nghỉ Tết dài ra sẽ còn giúp kích cầu du lịch, cũng không gây áp lực lên ngành vận tải nữa. Mấy năm trước, chúng ta cho nghỉ cận Tết, nên công nhân, người lao động đổ dồn về bến xe, bến tàu ngày cuối năm; người nằm, ngồi chờ xe vật vã, có khi mất cả ngày. Sao phải khổ vậy?
Ngày xưa, tôi thấy Tết rất vui vì còn thời gian thăm viếng bà con, thầy cô, bạn bè, chứ giờ Tết không còn thời gian cho ông bà, cha mẹ nữa, chứ đừng nói là đi đâu. Ai cũng vội vã trở về rồi lại lật đật trở lên cho kịp ngày đi làm. Áp lực này có lẽ chỉ những người lao động, làm công ăn lương, mong mỏi từng ngày về quê đón Tết mới hiểu thấu. Đôi khi chỉ cần sớm một ngày thôi cũng là rất quý giá đối với họ.
Mong rằng, chúng ta có thể thay đổi quy định, cho người lao động nghỉ dài ngày hơn trước Tết. Tôi cho rằng, có thể quy định cho nghỉ từ 25 Âm lịch, và đi làm lại vào mùng 6 tháng giêng, thậm chí nghỉ đến mùng 9 rồi sau đó làm bù. Quy định thoáng hơn, doanh nghiệp sẽ chủ động, sắp xếp người làm giải quyết công việc, ai làm Tết sẽ hưởng lương cao, ai không làm Tết thì căn cứ theo luật để trả lương. Còn cán bộ, công chức có thể phân ca trực để giải quyết công việc cho dân (nghỉ sau công nhân một ngày và đi làm lại trước một ngày để đảm bảo giải quyết các vấn đề phát sinh).
Ai cũng có gia đình, có ông bà, cha mẹ, con cái, ai cũng cần được về quê ăn Tết. Mong rằng ý kiến này sẽ sớm được quan tâm, lắng nghe.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.