"Chúng tôi ủng hộ nỗ lực chống khủng bố của các nước khác, trong đó có thành viên liên minh quốc tế do Mỹ đứng đầu", Bộ Ngoại giao Nga cho biết trong thông cáo ngày 3/2, đồng thời kêu gọi điều tra kỹ lưỡng nếu thương vong dân sự trong cuộc đột kích của Mỹ được xác nhận.
Tổng thống Mỹ Joe Biden trước đó thông báo thủ lĩnh tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng Abu Ibrahim al-Hashimi al-Qurashi ngày 3/2 kích nổ đai bom tự sát khi đặc nhiệm Mỹ đột kích nơi ẩn náu ở thị trấn Atmeh, Syria. Ông nhấn mạnh "mối đe dọa khủng bố toàn cầu đã bị loại bỏ".
Giám đốc tổ chức Đài quan sát Nhân quyền Syria Rami Abdel Rahman cho biết "ít nhất 13 người đã thiệt mạng, trong đó có 4 trẻ em và ba phụ nữ", do những vụ nổ và đụng độ xảy ra trong cuộc đột kích.
Nga tuyên bố "sẵn sàng hợp tác với các nước để thiết lập phản ứng chung hiệu quả chống lại mối đe dọa chung là chủ nghĩa khủng bố". Nga khẳng định họ có đóng góp "mang tính quyết định trong cuộc chiến chống khủng bố ở Syria", sau khi đưa quân tới quốc gia Trung Đông theo đề nghị của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad.
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga được đánh giá là động thái mang tính hòa giải hiếm hoi trong bối cảnh căng thẳng với Mỹ leo thang quanh vấn đề Ukraine. Mỹ và phương Tây cáo buộc Nga tập trung quân gần biên giới Ukraine và lên kế hoạch tiến đánh nước láng giềng. Nga bác thông tin này và khẳng định có quyền điều quân trong lãnh thổ để phòng thủ.
Cái chết của al-Qurashi là thiệt hại lớn nhất đối với IS sau khi thủ lĩnh trước là Abu Bakr al-Baghdadi chết trong cuộc đột kích năm 2019.
Phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Kirby cho biết cuộc đột kích là nhiệm vụ chống khủng bố thành công và Mỹ không chịu thương vong nào. Trực thăng chở đặc nhiệm Mỹ xuất phát từ căn cứ quân sự tại thành phố Kobani của Syria, nơi lực lượng người Kurd kiểm soát.
Kể từ khi mất thành trì cuối cùng tại vùng sa mạc ở miền đông Syria hồi tháng 3/2019, tàn quân IS rút vào ẩn náu trong sa mạc, thỉnh thoảng tiến hành tập kích nhằm vào lực lượng người Kurd và chính quyền Syria. Hầu hết các cuộc tấn công có quy mô nhỏ lẻ, nhằm vào các mục tiêu quân sự và cơ sở dầu khí ở những vùng hẻo lánh. Tuy nhiên, nhiều người vẫn lo ngại về nguy cơ IS hồi sinh.
Mỹ duy trì một lượng nhỏ binh sĩ tại Syria để hỗ trợ chiến dịch chống IS và bảo vệ các cơ sở khai thác dầu mỏ, vốn do lực lượng người Kurd kiểm soát. Khoảng 700 lính Mỹ đang đóng quân ở đông bắc Syria, chủ yếu tại một căn cứ ở thành phố Al Hasakah, trong khi 200 binh sĩ khác đồn trú ở gần biên giới Syria - Jordan.
Nguyễn Tiến (Theo AFP)