Chu kỳ kiểm định được tính theo số tháng hoạt động của phương tiện; trong đó chu kỳ của xe kinh doanh vận tải ngắn hơn xe gia đình. Hai phương án chu kỳ đăng kiểm xe theo thời gian hoặc km đã được Cục Đăng kiểm Việt Nam lấy ý kiến chuyên gia từ giữa tháng 3. Một số ý kiến cho rằng nếu tính chu kỳ đăng kiểm theo km thực tế sẽ gặp khó khăn, nhưng tính theo thời gian cũng bất hợp lý.
Độc giả Thai Thien Thanh cho rằng nên kết hợp cả hai yếu tố quãng đường và thời gian xe di chuyển để làm căn cứ tính chu kỳ đăng kiểm: "Có quá nhiều vấn đề cần phải quan tâm liên quan đến phương án đăng kiểm sao cho hợp lý và công bằng. Nếu dựa hoàn toàn theo số km thì chưa hẳn là tốt, vì nếu xe sử dụng quá ít cũng dễ hỏng hóc. Nếu vẫn thông qua phương án này thì các xe phải gắn thiết bị chuẩn của Bộ GTVT (giống như đồng hồ điện, nước) để tránh tình trạng tua ngược đồng hồ.
Còn dựa theo thời gian như hiện nay cũng đã quá bất hợp lý giữa xe gia đình và xe kinh doanh. Do vậy, theo tôi, phương án tốt nhất là dung hòa hai yếu tố trên. Nghĩa là, Bộ nên nghiên cứu áp dụng đồng thời cả quãng đường lẫn thời gian di chuyển để tính chu kỳ đăng kiểm, tùy điều kiện nào đến trước (giống như hãng sản xuất xe thường áp dụng quy định bảo hành cho khách hàng)".
Đồng tình với quan điểm trên, bạn đọc Phan Tan nhận định: "Việc tính chu kỳ đăng kiểm theo km chưa có tiền lệ, nên sẽ rất khó thực hiện. Tôi cho rằng, chúng ta có thể tham khảo cách tính bảo hành của các hãng xe. Chúng ta có thể giãn chu kỳ đăng kiểm ôtô dài ra, nhưng sẽ giới hạn theo số km, điều kiện nào đến trước thì phương tiện sẽ phải đi đăng kiểm.
Trên giấy đăng kiểm sẽ ghi rõ thời gian và số km cho lần tiếp theo. Ví dụ, xe ôtô bốn chỗ có chu kỳ đăng kiểm đầu là bốn năm hoặc 54.000 km. Thất nhiên, con số cụ thể cần được các chuyên gia nghiên cứu, tính toán để phù hợp với tiêu chí đi nhiều hoặc quá lâu thì phải đăng kiểm".
>> Canh lịch đăng kiểm ôtô như chơi xổ số
Nhấn mạnh cả thời gian và quãng đường đều quan trọng trong việc tính chu kỳ đăng kiểm, độc giả Nguyễn Anh Tú bình luận: "Sự hư hỏng của xe đến từ cả hai khía cạnh là thời gian và số km, do đó chu kỳ đăng kiểm nên sử dụng cả hai yếu tố này, tùy theo điều kiện nào đến trước. Giống như các hãng xe thực hiện bảo hành cũng vậy, bảo hành 36 tháng hoặc 10 vạn km. Theo tôi, chu kỳ đăng kiểm đầu nên dùng luôn thông số bảo hành. Về thời gian thì có thể quy định hai năm. Cứ như vậy giảm dần chu kỳ đăng kiểm theo thời gian, km sử dụng xe".
"Có thể kết hợp cả số km xe chạy và thời gian sử dụng (tùy theo cái gì đến trước) giống như chế độ bảo hành của các hãng xe. Ví dụ, đối với xe 5 chỗ, xe phải đăng kiểm nếu chạy qua các mốc 100.000 km, 180.000 km, 240.000 km, 290.000 km, 300.000 km và cứ thêm 50.000 km. Hoặc nếu chưa đủ số km nhưng thời gian sử dụng từ lúc mua hay từ lần kiểm định trước đạt lần lượt 5 năm, 4,5 năm, 4 năm, 3,5 năm, 3 năm, 2,5 năm và cứ 2 năm tiếp theo cũng phải kiểm định. Tức là, bất kể điều kiện về quãng đường hay thời gian sử dụng đến trước cũng đều phải kiểm định", bạn đọc Dung bổ sung thêm.
Ủng hộ phương án tính chu kỳ đăng kiểm theo cả số km và thời gian, độc giả Vo Dai Tung kết lại: "Theo tôi, tính theo cả km và thời gian là chuẩn nhất. Quãng đường đã đi xem xét trước, nếu chưa đến sẽ tính đến thời gian sử dụng,. Việc này giống cách các hãng xe hay áp dụng bảo hành xe, điều kiện nào đến trước áp dụng trước. Vấn đề là làm sao không để cho chủ xe tua lại km (chủ yếu với xe kinh doanh vận tải).
Thực tế, nhiều xe gia đình đi một năm không đến 6.000- 7.000 km. Xe của gia đình tôi cũng chỉ đi được khoảng 5.500 km một năm và lại được bảo dưỡng thường xuyên. Tuy nhiên, theo thời gian, một số bộ phận cũng sẽ bị lão hóa, hoen rỉ... nên cũng phải xem xét cả yếu tố thời gian dù xe ít đi".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.