Trong văn bản gửi UBND tỉnh Nghệ An xin ý kiến điều chỉnh tên gọi của 7 đơn vị hành chính cấp xã sau sáp nhập, huyện Quỳnh Lưu đề xuất ghép tên hai xã Quỳnh Đôi và Quỳnh Hậu thành tên xã mới Đôi Hậu. Người dân Quỳnh Đôi không đồng tình ghép tên như vậy vì cho rằng xã có bề dày lịch sử, lại là quê hương của nữ sĩ Hồ Xuân Hương. Trong khi đó phía Quỳnh Hậu phản đối, cho rằng xã mình diện tích lớn, đông dân hơn, không thể lép vế nên đề nghị "phải giữ chữ Hậu".
Tuy nhiên, không đồng tình với cách đặt tên mới này, độc giả Nhomicco nêu quan điểm: 'Theo truyền thống thì đơn vị hành chính thuộc huyện nào thì có tên huyện đó trong tên xã là hay nhất. Như vậy, khi đọc tên xã người ta thường đã hiểu ngay là thuộc huyện nào rồi, ví dụ Quỳnh Minh, Quỳnh Lương... nên nếu tên mới cũng có chữ Quỳnh ở đầu thì hay hơn. Đối với tên gọi mới dự kiến là Đôi Hậu theo tôi nghe cũng kỳ và ít ý nghĩa. Đằng nào cũng là tên gọi mới đề nghị giữ lại là Quỳnh Đôi. Còn nếu không vận động được sự đồng thuận của dân hai xã, thì đề nghị tỉnh Nghệ An đặt một tên mới, nhưng cũng nên có chữ Quỳnh".
Cùng chung quan điểm, bạn đọc Trần Phong Phú phân tích: "Tôi thấy ở Nghệ An, khi nghe đến tên xã người ta biết ngay thuộc huyện nào, một cách đặt tên rất hay. Tất cả xã ở huyện Quỳnh Lưu đều có chữ Quỳnh đứng trước, ở Huyện khác cũng vậy. Sau khi đổi tên một số xã sau sát nhập nghe tên xã mới như Đôi Hậu sẽ rất lạ lẫm, khó hiểu. Theo tôi, nên giữ theo cách đặt cũ, tên xã mới lấy theo tên xã có diện tích hay dân số, hoặc địa danh nổi tiếng, còn xã bị mất tên có thể lấy tên cũ đặt cho tên làng, xóm".
>> 'Tên phường, xã dài dòng sau khi sáp nhập ở Hà Nội'
Trong khi đó, gợi ý về cách đặt tên mới cho xã sau khi sáp nhập, độc giả Hưng nguyễn cho rằng: "Cái này rất đơn giản, nếu giữ lại một trong hai cái tên xã cũ, sẽ đỡ khổ cho bà con sau này khi đi làm lại giấy tờ, đỡ tốn kém rất nhiều đến ngân sách. Có thể thỏa thuận giữa hai xã hoặc chấp nhận bốc thăm, xã nào trúng sẽ giữ lại tên chung, như vậy rất là công bằng. Còn nếu người dân không chịu, thì cứ lấy tên xã mới là tên ghép của hai tên cũ và chấp nhận cái tên dài luôn".
"Nên đặt tên xã mới là Quỳnh Đôi Quỳnh Hậu. Tuy cái tên này hơi dài nhưng giữ được tất cả ý nghĩa xưa cũ. Dù ngắn hay dài thì cũng là cái tên thôi, ở nước ngoài còn có tên thị trấn dài mấy trăm chữ nữa mà", bạn đọc Thanhkmtht bổ sung thêm.
Nhấn mạnh yếu tố lịch sử sẽ quyết định tên gọi mới, độc giả Truong.kiet bày tỏ suy nghĩ: "Tên nào có trước thì ưu tiên dùng cái đó làm tên chung, chứ có gì đâu mà tranh cãi. Nếu mang chuyện này ra hỏi ý kiến người dân thì đảm bảo ai cũng muốn giữ tên làng, xã của mình. Theo tôi, tên làng, xã đều phải có ý nghĩa văn hóa lịch sử, đó mới là yếu tố tiên quyết, chứ không phải diện tích lớn hơn, đông dân hơn".
Xã Quỳnh Đôi diện tích 4,15 km2, dân số 5.590, có lịch sử hơn 600 năm với nhiều địa danh văn hóa, lịch sử như làng Quỳnh Đôi, làng Cá Gỗ. Đây cũng là quê hương nữ sĩ Hồ Xuân Hương (sinh khoảng cuối thế kỷ 18, đầu 19), được mệnh danh "Bà chúa thơ Nôm", với nhiều tác phẩm sáng tác bằng chữ Nôm nổi tiếng như:Bánh trôi nước, Vịnh cái quạt, Lời mời trầu...
Xã Quỳnh Hậu diện tích 5,68 km2, dân số 8.916, lịch sử gần 400 năm, có hai vị thành hoàng làng được vua Lê Đại Hành sắc phong. Xã có di chỉ khảo cổ Đền Đồi cùng nhiều lễ hội truyền thống như hát ghẹo, tuồng chèo.
Thành Lê tổng hợp
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.
- 'Hoàn Kiếm chưa cần sáp nhập khi thu ngân sách lớn nhất Hà Nội'
- Luẩn quẩn đổi tên 400 đường ở TP HCM
- 'Khó chấp nhận lý do đặt sai 38 tên đường ở TP HCM'
- Đặt tên đường Lê Văn Duyệt và tư duy cắt khúc
- Đặt tên đường Lê Văn Duyệt - 'tôn trọng lịch sử, phù hợp xu thế'
- Đổi tên đường Đinh Tiên Hoàng thành Lê Văn Duyệt - 'tưởng dễ lại phiền'