Làng Quỳnh Đôi, xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, ngoài nằm ở vùng đất có phong cảnh "như tranh họa đồ" còn nổi tiếng với điển tích "cơm cá gỗ" gắn với tính cách con người nơi đây, hiếu học, vượt khó vươn lên, nỗ lực thành tài.
Câu chuyện "Ông đồ Nghệ và con cá gỗ" ngày nay cũng được phục dựng thành tiểu phẩm, là sản phẩm trong tour "Làng cá gỗ - Sau ánh hào quang" được giới thiệu từ tháng 12/2023. Tour du lịch nhằm thu hút du khách ghé thăm làng Quỳnh, tìm hiểu rõ hơn về câu chuyện ăn cá gỗ với cơm.Tour mới thu hút hàng nghìn du khách và hơn 200 doanh nghiệp lữ hành tìm hiểu, phát triển sản phẩm mới, theo CLB Du lịch doanh nhân trẻ.
Cổng làng Quỳnh Đôi nổi bật với hình ảnh con cá màu đỏ "vượt vũ môn", thể hiện tinh thần của dân làng Quỳnh nói riêng và Nghệ An nói chung chịu thương, chịu khó để thành tài.
Trước cổng làng là Nhà thờ Hoàng giáp - thượng thư Quỳnh Quận công Hồ Phi Tích, nơi tiểu phẩm "Ông đồ Nghệ và con cá gỗ" được biểu diễn.
Chuyện kể về Hồ Phi Tích đi thuê trọ để học tập đợi ngày khoa cử. Trong thời gian thuê nhà, bà chủ nhà thấy Hồ Phi Tích ngày ngày chỉ đặt cơm trắng và xin thêm bát nước mắm mà không có thức ăn. Mỗi bữa ăn, Hồ Phi Tích lấy từ trong tay nải ra một con cá được nướng vàng ươm và đặt lên đĩa, sau đó mới ăn cơm. Cuối cùng, bà chủ nhà phát hiện ra đó chỉ là con cá bằng gỗ. Hồ Phi Tích nhìn vào đó để tưởng tượng mỗi bữa ăn cơm đều có cá. Nghèo khó nhưng nhờ sự nỗ lực, quyết tâm, Hồ Phi Tích cuối cùng đã thi đỗ làm quan.
Làng Quỳnh Đôi xưa kia có hai nghề chính: nghề học để đỗ đạt làm quan hoặc làm thầy đồ đi khắp nơi dạy học và nghề dệt. Ngoài ra, làng có còn thêm "nghề" nuôi các sỹ tử đi thi. Trang tin điện tử xã Quỳnh Đôi ước tính từ năm 1378 đến 1918 khi bãi bỏ khoa thi bằng chữ Hán, làng Quỳnh có 4 phó bảng, 7 tiến sỹ, 3 hoàng giáp, một thám hoa.
Cạnh di tích thờ Quỳnh Quận Công trong làng Quỳnh ngày nay là cụm bia tưởng niệm nữ sĩ Hồ Xuân Hương, nhà thờ nhà cách mạng Hồ Tùng Mậu và bia tưởng niệm anh hùng lực lượng vũ trang Cù Chính Lan. Cách cụm di tích không xa là đền Thần thờ thành hoàng làng, giếng cổ Bà Cả gắn liền hình ảnh gánh nước trượt chân của nữ sĩ Hồ Xuân Hương. Tại đây du khách có thể mặc thử trang phục xưa, gánh nước nồi đất và tái hiện cảnh Hồ Xuân Hương lấy nước.
Tour "Làng cá gỗ" còn giới thiệu về lớp học đầu tiên tại làng Quỳnh Đôi cùng người khai ấp lập làng, đưa thầy về dạy học cho con cháu mình. Người đại diện quản lý, trông coi khu nhà thờ Hồ Phi Tích cho biết ý nghĩa của tour "Làng cá gỗ - sau ánh hào quang" là để du khách hiểu thêm về sự hiếu học của người dân Nghệ An. Phía sau thành công, đỗ đạt trong thi cử là nỗ lực, vượt khó vươn lên. Tour kết thúc với chương trình thưởng thức ẩm thực, trải nghiệm không gian làng đậm chất khoa bảng về đêm.
Chị Mai Anh, du khách đến từ Hà Nội, cho biết "cảm thấy thú vị" khi trải nghiệm "Làng cá gỗ" và dự định đưa hai con đến thăm làng Quỳnh dịp này.
"Tour mới của làng giúp tôi hiểu rõ hơn về câu chuyện ăn cơm cùng cá gỗ trước đây. Đó không phải kể về sự keo kiệt mà thể hiện quyết tâm vượt khó đáng kính trọng của người xưa", chị Mai Anh cho biết.
Phương Anh (Theo VITA, Cổng thông tin điện tử xã Quỳnh Đôi)