Xung quanh đề xuất đặt lại tên đường Đinh Tiên Hoàng, đoạn từ cầu Bông đến Phan Đăng Lưu, thành đường Lê Văn Duyệt, nhiều độc giả VnExpress bày tỏ quan điểm đồng tình:
Đổi tên đường Đinh Tiên Hoàng thành đường Lê Văn Duyệt là đúng:
Thứ nhất, đây là cách lấy lại di tích lịch sử vì nơi này đã có mộ ông Tả quân Lê Văn Duyệt, mà tất cả người dân Sài Gòn - chợ Lớn theo từ gọi địa danh trước thế kỷ 19 đã tôn thờ, cúng bái và coi nơi đây là nơi linh thiêng, là vị thánh, khai hoang ra mảnh đất này.
Thứ hai, đoạn đường này thuộc ranh giới của quận Bình Thạnh, cần phải tách ra để phân biệt được hai quận, bên nào là quận 1, bên nào là Bình Thạnh. Vì con đường Đinh Tiên Hoàng đã bắt đầu từ Đài Truyền hình và đoạn cuối giáp với Võ Thị Sáu thuộc quận 1. Vậy khi vượt qua Cầu Bông, đi về hướng Bà Chiểu thuộc về quận Bình Thạnh thì nên đổi tên đường mới đúng, để khỏi mù mờ đường Đinh Tiên Hoàng quanh co, khi một ai tìm địa chỉ bị nhầm lẫn.
Thứ ba, đường Đinh Tiên Hoàng, quận 1, chỉ có một chiều xe, nếu ai đó tìm địa chỉ lộn qua quận Bình Thạnh, khi quay ngược lại tìm sẽ bị ngược chiều, vi phạm giao thông.
Vì vậy, là người dân nằm trên đường Đinh Tiên Hoàng, quận Bình Thạnh, đa số chúng tôi muốn lấy lại tên đường Lê Văn Duyệt để tưởng nhớ tới di tích lịch sử và không ảnh hưởng một tên đường nằm trong hai quận.
Rất tán thành việc trả lại tên đường Lê Văn Duyệt. Lịch sử là lịch sử. Góp ý cho các bạn muốn lấy tên này đặt cho một con đường khác: Tả quân Lê Văn Duyệt là người có công rất lớn cho việc hình thành miền Nam nói chung và Sài Gòn (TP HCM) nói riêng. Không thể lấy đại một con đường nào rồi đặt tên được. Nói như vậy thì đường Alexandre de Rhodes và Hàn Thuyên mắc gì phải đặt tại trung tâm thành phố? Mang lên Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Cần Giờ cũng được vậy. Lý do là bởi hai danh nhân đó là người có công thiết lập chữ Quốc Ngữ và Chữ Nôm. Việc khôi phục lại tên đường ngay tại Lăng là hợp lý.
Tôi ủng hộ đặt tên đường Lê Văn Duyệt cho đoạn từ Cầu Bông đến ngã ba Phan Đăng Lưu. Băn khoăn của các chuyên gia về việc gây xáo trộn địa chỉ nhà dân và cơ quan hai bên đường có thể kéo theo các hệ lụy thì sao không khảo sát, thăm dò ý kiến dân hai bên đoạn đường ấy? Các chuyên gia đâu có đại diện cho dân chúng được? Nếu dân đồng tình thì cứ làm, bàn tới bàn lui làm gì?
Trong khi đó, số khác lại có quan điểm trái chiều khi cho rằng việc thay đổi tên đường sẽ kéo theo nhiều xáo trộn trong thủ tục hành chính, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp sau này:
Chuyện đặt tên đường theo tên tiền nhân mở cõi không có gì bàn cãi. Vấn đề là có nhất thiết đổi thay những cái đang ổn định (tên hiện tại đường Đinh Tiên Hoàng) thành tên mới? Đổi thay sẽ kéo theo nhiều xáo trộn về quản lý nhân khẩu con người, địa bàn, lãng phí nhiều chi phí xã hội không đáng có. Cải cách hành chính cần tập trung năng lực cán bộ cho nhiều việc đang cần cấp bách hơn (ngập lụt triều cường, Covid, kẹt xe, giảm khí thải...). Không nên dành cho những việc không quá cần thiết (thay đổi chỉ là để trùng với tên xưa đã từng có và trùng với con đường có lăng thờ Tướng quân Lê Văn Duyệt).
Sau năm 1975, dù không cùng tên đường nhưng Lăng Tả quân Lê Văn Duyệt luôn sạch đẹp, khang trang cạnh Lăng ông bà Chiểu - một di tích xưa của Sài Gòn - Gia Định thành ngót cũng gần 50 năm. Thế nên, Lăng tôn nghiêm không cần phụ thuộc phải trùng tên đường ấy. Với người xưa đã thành lão ở Sài Gòn, tên đường mới Đinh Tiên Hoàng đổi cũng đã gần nửa thế kỷ, nghĩa là đã cũ. Còn với người trẻ đã quen 45 năm nay thì vẫn sẽ tiếp tục quen thêm mãi mãi. Đổi chẳng mang lại tác dụng gì ngoài xáo trộn. Hãy đặt cho Tướng quân tên một con đường mới khang trang đâu đó. Tướng mở cõi công khanh lẫy lừng bờ cõi vang danh, xá gì phải tại một con đường?
Đổi tên đường kéo theo bao nhiêu thứ phải đổi theo. Nào là sổ hộ khẩu, CMND, điều chỉnh thông tin ngân hàng, cà vẹt xe, thẻ bảo hiểm... Chưa kể các công ty, hàng quán phải chỉnh lại bảng hiệu, làm lại danh thiếp cho Giám đốc, tiếp thị... Đổi tên một con đường nghe thì đơn giản nhưng mà cái gì cũng là tiền cả.
Tôi thấy việc đặt tên một số con đường chưa hợp lý và gây "lãng phí" tên đường. Có nhiều con đường rất nhỏ và ngắn chỉ như một ngõ hẻm nhưng cũng đặt cho hẳn một cái tên của một người nổi tiếng. Trong khi những con đường mới mở rất đẹp và rộng rãi, đông người qua lại thì lại đặt tên theo kiểu đánh số, ví dụ Bình Minh 15, Thanh Niên 19... rất dễ bị nhầm lẫn và không có nhiều ý nghĩa. Cả hai trường hợp trên đều khó nhớ, khó tìm nếu không có bản đồ vì hỏi người dân ít khi họ biết. Theo tôi, những con đường nhỏ ít người qua lại cần bỏ tên và để ngõ, hẻm theo các con đường lớn thì rất dễ tìm vì cho dù dài tới đâu cứ tra lần lượt theo số nhà là kiểu gì cũng tìm ra, đường chính thì ai cũng biết tên rồi. Còn những con đường mới mở nên lấy tên của người nổi tiếng thì có ý nghĩa hơn lại thể hiện được sự tôn trọng với những người có công.
Đề nghị tìm con đường mới đặt tên Lê Văn Duyệt. Không nhất thiết phải đi qua Lăng Lê Văn Duyệt mới lấy tên đặt cho tên đường. Không nên vì ý kiến cá nhân một vài người mà thay đổi tên đường, làm ảnh hưởng đến hàng nghìn người và hệ lụy sau này (giấy tờ nhà đất, thừa kế, hộ khẩu, CCCD, thủ tục ngân hàng...). Con đường Đinh Tiên Hoàng chẳng phải đã là một lịch sử đó sao?
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trangÝ kiến tại đây.