(Bài viết Ý Kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.)
Ý kiến trong bài viết "Đặt tên đường Lê Văn Duyệt - tôn trọng lịch sử, phù hợp xu thế" khá thuyết phục. Tuy nhiên nếu chỉ đổi tên đường Lê Văn Duyệt ở đoạn đi qua Lăng Ông thì không ổn. Không làm thì thôi, đã làm thì phải làm triệt để. Ở nước ngoài, một con đường xuyên suốt chạy từ bên này sang bên kia thành phố với số nhà lên đến hàng nghìn là bình thường. Vì sao ta cứ hay cắt khúc các con đường ra và đặt nhiều tên như vậy? Tên đường mang ý nghĩa lịch sử thì ít, dùng để định vị trên bản đồ thì nhiều. Muốn có ý nghĩa lịch sử thì dưới biển tên đường phải có bảng ghi công tích tóm tắt của vị đó. Rất nhiều đường có tên mà chẳng ai hiểu vị đó có công lao gì?
Một con đường xuyên suốt (hai đầu bị chặn bởi hai ngã ba), dù dài bao nhiêu, số nhà lớn bao nhiêu vẫn dễ quản lý hơn một con đường mà cứ đi qua một giao lộ lớn tên lại thay đổi, số nhà lại quay lại từ "1". Cho dù sau này có mở đường thêm ở một đầu, tên của nó vẫn không đổi. Vì sao không mở ở hai đầu thay vì một? Số nhà thấp nhất nằm ở đầu đường hướng về trung tâm thành phố, nơi đã được quy hoạch ổn định, khó có thể thay đổi gì được. Ý của tôi là thống nhất cách đặt tên đường, rà soát lại toàn thành phố, tên đường không phù hợp (mỗi khúc một cái tên) thì thay lại, một lần và mãi mãi. Dự án như vậy mới to, mới cân xứng với quy mô thành phố. Chứ còn chỉ một đoạn Đinh Tiên Hoàng đổi thành Lê Văn Duyệt thôi thì quá tủn mủn, vụn vặt.
>> Đổi tên đường Đinh Tiên Hoàng thành Lê Văn Duyệt - 'tưởng dễ lại phiền'
Một thành phố thông minh là hệ thống quản lý vận hành phải thông minh chứ tự bản thân thành phố làm sao thông minh được? Hệ thống thông minh thì mọi thứ phải dễ quản lý, dễ kiểm soát. Người quản lý chỉ ngồi một chỗ ấn chuột là có thể nhìn thấy mọi nơi trong thành phố thông qua hệ thống camera, nhìn thấy chỗ nào xảy ra chuyện gì thì điều động cơ quan chức năng kịp thời, không cần chờ người dân thông báo. Thành phố thông minh như vậy, lớn như TP HCM thì hiện nay chưa có chứ nho nhỏ vài trăm nghìn dân thì thế giới không thiếu gì. Chưa thông minh thì phải làm sao cho thông minh hơn.
Làm cái gì cũng phải có kế hoạch, có hệ thống và phải trả lời cho câu hỏi: làm việc đó để làm gì, có lợi cho ai? Nay tách địa bàn, mai sát nhập địa phương, rồi mốt lại tách ra chứng tỏ không có kế hoạch hay hệ thống căn cứ nào làm chỗ dựa. Những việc như vậy lẽ ra phải xây dựng kế hoạch, dự án chung với mọi con đường trong thành phố, trình HĐND thành phố phê duyệt. HĐND thành phố đưa ra luật làm chỗ dựa cho kế hoạch này xong thì thông qua. Sau này ai muốn đặt tên đổi tên con đường nào cứ theo luật mà làm.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trangÝ kiến tại đây.