Tôi năm nay gần 40 tuổi, là một giáo viên Tiếng Anh tự do. Trước đây tôi từng dạy cho trung tâm ngoại ngữ ở TP HCM và dạy thỉnh giảng cho các trường học. Sau đó, tôi về quê để mở lớp dạy thêm tại nhà và đã đăng ký giấy phép kinh doanh hơn ba năm nay, có đóng thuế đầy đủ.
Tôi rất mừng vì Thông tư 29 được ban hành, cấm giáo viên dạy thêm học sinh chính khóa của mình. Con tôi năm nay học lớp 5, từ giờ tôi không phải cho con học thêm các môn Toán, Tiếng Việt với giáo viên chủ nhiệm nữa. Nhưng với tư cách là một giáo viên Tiếng Anh tự do, tôi lại có nhiều trăn trở về những khó khăn dạy học của mình với quy định mới.
Tôi rất may mắn vì từng học tập và đi dạy Tiếng Anh ở TP HCM, chỉ tập trung dạy học sinh cấp hai và cấp ba. Nhưng từ ngày thực hiện cải cách chương trình giáo dục và sử dụng sách giáo khoa mới, tôi phải soạn rất nhiều đầu sách: Smart World, Global Success, sách chương trình trước cải cách, Friends Global, Friends Plus... Tôi tự hỏi, tại sao trên cùng một thành phố mà học sinh các trường công phải lựa chọn rất nhiều đầu sách, gây lãng phí? Chưa kể các loại sách tham khảo tràn lan khiến học sinh và phụ huynh bối rối không biết chọn sách nào cho phù hợp?
Bộ Giáo dục và Đào tạo đặt ra trong dự thảo Đề án quốc gia "Từng bước đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học" giai đoạn 2025-2035, tầm nhìn đến năm 2045. Nhưng nay, quy định mới lại cấm dạy thêm Tiếng Anh bậc tiểu học với các hộ kinh doanh liệu có dẫn đến mâu thuẫn? Đối với hộ kinh doanh dạy thêm vừa và nhỏ như chúng tôi, việc mở trung tâm ngoại ngữ để hợp thức hóa dạy tiếng Anh tiểu học là không khả thi, vì chúng tôi thiếu nguồn nhân lực và cơ sở vật chất, vốn và chi phí vận hành.
>> Học sinh Việt chạy đua Tiếng Anh
Tôi biết là quy định trên để Bộ ngành dễ dàng quản lý việc dạy thêm, học thêm, nhưng những giáo viên, đặc biệt là giáo viên tiếng Anh tự do như chúng tôi sẽ phải làm thế nào? Theo kinh nghiệm 14 năm giảng dạy và sử dụng Tiếng Anh của tôi, trình độ phát âm, sử dụng ngôn ngữ của một số giáo viên trong các trường công bậc tiểu học hiện nay còn nhiều hạn chế.
Mặc dù ngành giáo dục tạo điều kiện, mở lớp bồi dưỡng chuyên môn cho các thầy cô hàng năm nhưng không thể đáp ứng kịp nhu cầu phát triển, sử dụng Tiếng Anh trong tình hình thực tế. Nhiều giáo viên chưa chịu trau dồi kiến thức, các kỹ năng Tiếng Anh nên đa phần việc học ngoại ngữ ở trường chưa hiệu quả.
Học sinh nào có điều kiện đi học ở trung tâm với người nước ngoài thì nền tảng Tiếng Anh tiểu học sẽ khá hơn các bạn chỉ học trong trường. Nhưng các trung tâm lớn, uy tín thì chi phí đắt đỏ. Còn các trung tâm ngoại ngữ vừa và nhỏ, thuê các giáo viên mới ra trường, chưa có kinh nghiệm nhiều nên chất lượng giảng dạy chưa được đảm bảo. Trong khi đó, phụ huynh có xu hướng tìm đến các nhóm dạy nhỏ hộ kinh doanh như chúng tôi vì các lớp này có học phí rẻ hơn và hiệu quả hơn so với một số trung tâm vừa và nhỏ khác.
Tôi thiết nghĩ phụ huynh và học sinh nên có quyền tự do được lựa chọn giáo viên dạy thêm Tiếng Anh phù hợp với ngân sách và nhu cầu học của con cái mình. Nếu không, chúng ta lấy đâu ra nền tảng và kiến thức đầy đủ để các cháu chuẩn bị cho các kỳ thi ở cấp hai, cấp ba và đáp ứng đủ trình độ khi tham gia các kỳ thi lấy chứng chỉ quốc tế?
Có một bất cập là đề thi Tiếng Anh vào lớp 10 và đại học có nhiều từ mới, nhiều bài đọc hiểu. Từ vựng Tiếng Anh cần học và ôn luyện nhiều lần thì học sinh mới nhớ được. Nếu học sinh học tốt Tiếng Anh từ tiểu học thì các em sẽ học dễ dàng hơn khi vào cấp hai, cấp ba.
Rất nhiều học sinh ở thành phố tôi đang sống, học thêm Tiếng Anh từ lớp 3 đến lớp 12 nhưng vẫn bị yếu hoặc mất gốc do lựa chọn sai chỗ học, sai trung tâm ngoại ngữ. Nếu không luyện tiếng Anh bài bản, cộng với giáo trình trong sách giáo khoa còn nặng, giáo viên trong trường công không thể truyền tải hết kiến thức, thì liệu các học sinh có thể vượt qua kỳ thi Tiếng Anh để tốt nghiệp hay không?
Tôi từng hỏi học sinh của mình: "Nếu đề thi dễ, các em có đi học thêm các môn không?". Tất nhiên, các cháu đều trả lời rằng "không học". Nhìn cảnh các cháu phải học, chạy sô liên tục, tôi thấy rất xót xa. Vì thế, để tránh thực hiện Thông tư 29 một cách đối phó và loại bỏ những bất cập, tôi rất mong Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có văn bản hướng dẫn thực hiện cụ thể hơn, để những giáo viên như chúng tôi bớt hoang mang.
Chúng ta có thể xem xét cho Tiếng Anh giao tiếp, Tiếng Anh hùng biện trở thành kỹ năng sống, từ đó cho phép dạy giao tiếp Tiếng Anh cho các học sinh tiểu học để chuẩn bị cái nền ngoại ngữ thật tốt, từ đó cải thiện trình độ Tiếng Anh cho học sinh Việt.
- Nỗi lo mất gốc Lý, Hóa nếu chọn Tiếng Anh làm môn thi thứ ba vào lớp 10
- Chạy đua chứng chỉ Tiếng Anh từ lớp 3 vì xét tuyển học bạ vào lớp 6
- 12 năm mang tiếng 'ảo tưởng' vì để con tự học Tiếng Anh
- Bằng giỏi nhưng không xin được việc vì nói tiếng Anh kém
- 'Tôi muốn cố định thi Tiếng Anh vào lớp 10'
- Con tôi tự học tiếng Anh từ 5 tuổi, không tốn tiền học thêm
- Tôi lên đại học mới học tiếng Anh vẫn giỏi hơn mấy bạn 'cày' từ lớp 6