Tiếng Anh rất quan trọng, đó là điều không thể phủ nhận. Nó làm cho sinh viên ra trường có nhiều cơ hội hơn trong công việc. Nhưng một điều ít ai để ý là Tiếng Anh cũng chỉ là một kỹ năng cơ bản. Tiếng Anh giao tiếp hay chuyên ngành cũng đều có thể học một cách rất dễ dàng và nhanh chóng khi các bạn học sinh vào đại học.
Trong khi đó, chúng ta lại đang đặt nặng tiếng Anh ở cấp học phổ thông. Theo tôi, đó là một sự lãng phí thời gian, công sức, tiền bạc không thật cần thiết. Cấp học phổ thông, trẻ nên dành thời gian cho những môn khoa học cơ bản, chương trình học cần nhẹ nhàng hơn nữa để hướng tới việc giúp học sinh có một nền tảng kiến thức vững chắc. Và vì thế việc bắt buộc thi Tiếng Anh trong kỳ thi vào lớp 10 và tốt nghiệp THPT cũng là điều không nên.
Bản thân tôi mãi tới tận khi vào đại học (cụ thể là năm thứ ba) mới bắt đầu chính thức học tiếng Anh một cách nghiêm túc. Thế nhưng, đến năm thứ tư đại học tôi đã có thể đọc tài liệu quốc tế vanh vách (làm luận văn tốt nghiệp). Sau khi ra trường, trình độ tiếng Anh của tôi thậm chí còn khá hơn cả những bạn học tiếng Anh từ lớp 6.
Khi đi làm, tôi vẫn thường xuyên tham dự hội thảo, tọa đàm bằng tiếng Anh với các chuyên gia một cách bình thường. Thi thoảng gặp người nước ngoài, tôi vẫn giao tiếp được bằng tiếng Anh một cách trôi chảy, đọc các tài liệu chuyên ngành bằng tiếng nước ngoài nhanh như đọc truyện tiếng Việt.
>> Bà chủ tiệm vàng 'một chữ tiếng Anh bẻ đôi không biết'
Thế nên, tôi tin rằng, vào đại học mới bắt đầu học tiếng Anh cũng vẫn không hề muộn, nếu không muốn nói là hơi sớm (với những chuyên ngành không thật cần đến ngoại ngữ). Tôi cho rằng, việc cho con học ngoại ngữ từ lớp 1 như nhiều phụ huynh bây giờ là một sự lãng phí rất lớn, không phù hợp với tuổi thơ, tâm hồn của trẻ. Ước mơ của tôi là mọi đứa trẻ sẽ được học ngày càng ít đi, để chúng có thời gian phát triển những khía cạnh khác của bản thân.
Những năm tháng phổ thông của học sinh, nên để thời gian trôi đi một cách nhẹ nhàng, đơn giản. Nhiều tấm gương thần đồng sớm nở rồi cũng chóng lụi tàn đó thôi. Thế nên, chúng ta ai đều cần thời gian để trưởng thành về tâm sinh lý. Trái sẽ chín vào lúc đủ tuổi.
Còn việc con học cấp hai cần thiết phải tiếp xúc với nguồn thông tin quốc tế mới có khi lại là việc mà phụ huynh tự tưởng tượng ra mà thôi. Việc ảnh hưởng văn hoá quốc tế trước hay sau 18 tuổi không nói lên bạn là ai? Bản thân tôi đi ngược lại xu thế đó nhưng vẫn giao tiếp với đồng nghiệp người nước ngoài bình thường được đấy thôi. Tôi cũng không đặt mục tiêu phải du học hoặc học trường quốc tế gì đó mới có thể phát triển được.
Tóm lại, tôi cho rằng phụ huynh không nên chạy đua theo một kỹ năng quá cơ bản và dễ học, để rồi thần thánh hóa tiếng Anh như vậy.
- Con tôi Tiếng Việt chưa sõi đã phải học Tiếng Anh
- 'Dạy tốt thì chẳng cần cố định thi Tiếng Anh vào lớp 10'
- Sắm đủ nhà đất, xe hơi ở Sài Gòn nhờ giỏi tiếng Anh
- 'Ảo tưởng giỏi ngoại ngữ khi bắt buộc thi Tiếng Anh vào lớp 10'
- 'Thi bắt buộc Tiếng Anh vào lớp 10 thay vì bốc thăm may rủi'
- Công ty tôi loại thủ khoa không biết tiếng Anh từ vòng đầu phỏng vấn