Sỏi thận được hình thành khi có quá nhiều khoáng chất tích tụ trong nước tiểu và kết tinh thành các khối rắn. Nguyên nhân do canxi kết hợp với các hóa chất như oxalate, phốt pho hoặc tích tụ axit uric. Bệnh có thể phòng ngừa thông qua chế độ ăn uống phù hợp dưới đây.
Nên
Uống đủ nước: Chất lỏng, nhất là nước lọc, làm loãng các khoáng chất hình thành sỏi, tránh làm nước tiểu cô đặc. Người trưởng thành nên uống khoảng 12 ly nước mỗi ngày.
Ăn nhiều cam quýt: Trái cây họ cam quýt và nước ép chanh, cam, bưởi... giúp giảm nguy cơ sỏi thận nhờ tạo ra citrate tự nhiên. Citrate là chất hóa học trong nước tiểu có nhiệm vụ ngăn ngừa sỏi thận hình thành.
Bổ sung canxi và vitamin D: Nếu lượng canxi thấp, nồng độ oxalate có thể tăng lên. Tốt nhất nên hấp thu canxi từ thực phẩm thay vì từ thực phẩm bổ sung. Nguồn canxi tốt bao gồm sữa, sữa chua, phô mai, các loại rau xanh đậm và hạt.
Bổ sung vitamin D mỗi ngày để cơ thể hấp thụ nhiều canxi hơn. Thực phẩm giàu vitamn D như các loại cá béo, nấm, phô mai.
Không nên
Giảm muối: Nồng độ natri cao trong cơ thể thúc đẩy tích tụ canxi trong nước tiểu. Tránh thêm muối vào món ăn và kiểm tra nhãn thực phẩm chế biến để kiểm soát lượng natri. Thức ăn nhanh thường chứa nhiều natri và thức ăn ở nhà hàng cũng có thể có nhiều muối. Khi đi ăn ngoài nếu có thể hãy yêu cầu giảm lượng muối trong đồ ăn. Một số loại nước ép rau cũng có hàm lượng natri cao.
Hạn chế đạm động vật: Nhiều nguồn đạm (protein) như thịt đỏ, thịt lợn, thịt gà, thịt gia cầm và trứng làm tăng lượng axit uric mà cơ thể sản xuất khi tiêu thụ thực phẩm. Ăn nhiều đạm cũng giảm citrate. Chọn thay thế cho protein động vật bao gồm hạt quinoa, đậu phụ, hạt chia và sữa chua Hy Lạp.
Kiểm soát oxalate: Thực phẩm chứa nhiều chất này có thể tăng nguy cơ sỏi thận. Người đã bị sỏi thận nên giảm hoặc loại bỏ oxalate khỏi chế độ ăn uống. Nếu ăn thực phẩm chứa oxalat, luôn đảm bảo ăn hoặc uống cùng canxi. Điều này giúp oxalate liên kết với canxi trong quá trình tiêu hóa, trước khi đến thận. Thực phẩm giàu oxalate bao gồm chocolate, củ cải, trà, rau cải bó xôi, khoai lang.
Không uống nước ngọt có gas: Chúng chứa hàm lượng phốt phát cao có thể thúc đẩy hình thành sỏi thận.
Giảm đường bổ sung: Đường bổ sung là đường và sirô được thêm vào thực phẩm và đồ uống đã qua chế biến, làm tăng nguy cơ sỏi thận. Nên theo dõi lượng đường hấp thu trong thực phẩm chế biến sẵn như bánh ngọt, trái cây, nước ngọt và nước trái cây.
Bác sĩ chẩn đoán để xác định người bệnh mắc loại sỏi thận nào và tư vấn thực phẩm phù hợp. Sỏi thận dễ tái phát nên người bệnh cần tuân thủ chỉ định điều trị và kiểm soát chế độ ăn uống.
Anh Ngọc (Theo Healthline)
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh thận tại đây để bác sĩ giải đáp |