(Bài viết Ý kiến không nhất thiết trùng quan điểm của VnExpress.net)
Năm nay Bộ Giáo dục đã bỏ kỳ thi THPT quốc gia, chỉ tổ chức thi tốt nghiệp THPT. Kỳ thi THPT quốc gia các năm qua đã được sử dụng với hai mục đích: xét tốt nghiệp THPT, và để các trường đại học làm căn cứ tuyển sinh. Những đề thi trong kỳ thi này dĩ nhiên phải có độ khó, có tính phân loại để các trường đại học tuyển sinh đạt yêu cầu chất lượng đầu vào.
Năm nay, do tình hình dịch bệnh nên Bộ Giáo dục không tổ chức kỳ thi THPT quốc gia nữa, vì các em học sinh không kịp thời gian ôn tập kỹ để sẵn sàng cho một kỳ thi có bao gồm cả tính phân loại để tuyển sinh vào đại học.
Đúng ra, Bộ Giáo dục nên bỏ luôn kỳ thi tốt nghiệp THPT, chỉ xét tuyển cho các em học sinh lớp 12. Vì tỷ lệ đậu đã gần 100%, thì kỳ thi không còn ý nghĩa gì, chỉ thêm nặng nề, tốn kém, mất thời gian của giáo viên, học sinh, phụ huynh, và gây căng thẳng, tốn kém, ảnh hưởng không cần thiết cho toàn xã hội.
Bộ Giáo dục chỉ nên tổ chức một kỳ thi tuyển sinh đại học đề chung cả nước, và có tính phân loại cao để các trường thuận lợi trong công tác tuyển sinh. Kỳ thi tuyển sinh đại học năm nay nên dời lại khoảng tháng 10 để học sinh có thêm thời gian ôn tập kỹ, sẵn sàng cho kỳ thi có tính phân loại cao.
Khi đó, các em học sinh không có nhu cầu vào đại học, hoặc tự lượng năng lực của mình, sau khi được xét tốt nghiệp THPT, thì sẽ chọn đăng ký vào các trường trung cấp nghề, cao đẳng. Đây cũng là xu hướng tất yếu, phù hợp phân luồng lao động trong xã hội.
Các em học sinh có nhu cầu vào đại học và có năng lực tốt, thì sẽ đăng ký thi tuyển sinh đại học. Công tác ra đề thi, thanh tra, chấm thi do Bộ Giáo dục chủ trì để bảo đảm tính nghiêm túc, công bằng, khách quan, đạt chất lượng thống nhất.
Công tác tổ chức thi, coi thi được Bộ Giáo dục chủ trì kết hợp với các tỉnh thành trong toàn quốc để các em học sinh được thi tại địa phương của mình, tránh việc tốn kém tiền bạc, thời gian, ảnh hưởng sức khỏe (nhất là trong thời kỳ dịch bệnh)... của học sinh, phụ huynh, khi phải di chuyển ra các thành phố lớn như thời trước.
>> Tôi lỡ cơ hội Đại học vì thay đổi phương án thi THPT
Nếu năm nay Bộ Giáo dục vẫn cho thi tốt nghiệp THPT (chỉ để xét tốt nghiệp THPT), và các trường đại học lại phải tổ chức các kỳ thi riêng, thì sự căng thẳng cho học sinh, giáo viên, tốn kém cho phụ huynh và xã hội không những không giảm, mà còn tăng cao hơn, vì các em học sinh phải tham gia liên tục nhiều kỳ thi trong thời gian ngắn.
Lúc trước, xã hội nghiêng về phương án: bỏ kỳ thi THPT quốc gia, chỉ xét tốt nghiệp THPT; đồng thời để các trường đại học tự tổ chức tuyển sinh, bao gồm: coi thi, ra đề, chấm thi. Nhưng ngẫm lại, với thực trạng giáo dục Việt Nam hiện nay, sẽ lại nảy sinh những căng thẳng, tốn kém mới như đã phân tích ở trên.
Đó là chưa kể khi được "tự chủ không kiểm soát", ai dám chắc chắn không có tiêu cực trong công tác tuyển sinh của các trường đại học Việt Nam. Và hình ảnh những "lò luyện thi" lại mọc như nấm sau mưa của quá khứ lại hiện về.
Và những đôi vai gầy của các bậc phụ huynh, ông bà, cha mẹ... của học sinh lại khẳng khiu hơn, lưng còng hơn vì phải lo giải những bài toán kinh tế: tiền luyện thi, đi lại, ăn ở... trên các thành phố lớn để chờ ngày các sĩ tử ứng thí.
Hiện nay, một số trường đại học đã thông báo chuyển hướng tuyển sinh bằng cách sử dụng luôn kết quả thi THPT. Và chủ yếu tăng chỉ tiêu xét tuyển bằng học bạ; bên cạnh các phương thức khác với chỉ tiêu không đáng kể như: kỳ thi đánh giá năng lực, tuyển thẳng.
Với cách sử dụng kết quả kỳ thi THPT để tuyển sinh đại học thật sự không ổn vì mục đích của hai kỳ thi hoàn toàn khác nhau. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay như Bộ Giáo dục đã khẳng định sẽ không có độ khó, không có tính phân loại cao. Đây là sự thiệt thòi rất lớn cho các em học sinh khá, giỏi, xuất sắc vì các em sẽ không có đất "dụng võ" để thi thố tài năng. Và các trường đại học chắc chắn không thể tuyển được người tài vì tất cả đều có kết quả "phổ thông", sàn sàn như nhau. Đây là sự bất công và lãng phí nhân tài nghiêm trọng.
>> Thi tốt nghiệp THPT quốc gia: Có nên tiếp tục hay không?
Còn với cách sử dụng kết quả học bạ, thì có vấn đề các trường phổ thông (đặc biệt là các trường dân lập) sẽ có xu hướng nâng đỡ cho "học bạ đẹp", cơ hội cho tiêu cực sẽ đua nhau phát sinh, mua bán điểm bùng phát, "bệnh thành tích" không những không giảm mà sẽ có biến chứng thành "nan y". Chúng ta nên nhớ, đề kiểm tra và thi học kỳ ở các trường phổ thông hoàn toàn khác nhau, có trường ra đề dễ, đề khó, khoa học và chưa khoa học; nên tính phân loại một cách khoa học trên mặt bằng chung, thống nhất là không tồn tại. Do đó, phương thức tuyển sinh bằng học bạ cũng không công bằng. Và chắc chắn là thiệt thòi cho các em học sinh học ở các trường học thật, thi thật, kết quả thật.
Như vậy, với hai phương thức tuyển sinh đại học với tỷ lệ tuyển vào cao nhất đã hoàn toàn không đảm bảo được tiêu chí tuyển chọn những học sinh tài năng nhất, xứng đáng nhất mà một trường đại học cần phải có.
Đó chắc chắn là nguy cơ gây bất ổn tâm lý cho học sinh, phụ huynh. Và niềm tin của giáo viên, học sinh, phụ huynh, của toàn xã hội sẽ bị lung lay. "Hiền tài là nguyên khí của quốc gia" - như lời của Tiến sĩ Thân Nhân Trung, đã thừa lệnh vị Vua anh minh Lê Thánh Tông soạn, và cho khắc lên bia đá đặt trân trọng trong Văn Miếu – Quốc Tử Giám từ hơn 500 năm trước.
Người làm giáo dục nên lắng nghe tâm tư nguyện vọng của các em học sinh, các góp ý tâm huyết của những giáo viên trực tiếp đứng lớp. Vì đó chính là những người trực tiếp bị ảnh hưởng tương lai, là lực lương chủ yếu và quan trọng nhất làm nên nền giáo dục Việt Nam có phát triển tiên tiến được hay không.
>>Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.
Lương Nguyễn Trãi