Tài liệu mật này được Daniel Ellsberg, cựu chuyên viên phân tích quân sự của quân đội Mỹ, công bố ngày 22/5. Theo tài liệu, các tướng Mỹ nhận định rằng nếu Mỹ tấn công hạt nhân Trung Quốc, Liên Xô sẽ trợ giúp và tung đòn trả đũa hạt nhân, có thể khiến hàng triệu người thiệt mạng. Tuy nhiên, họ cho rằng đây là cái giá "đáng đánh đổi" để bảo vệ Đài Loan trước nguy cơ bị quân đội Trung Quốc đại lục tấn công.
Tài liệu được xếp vào dạng tuyệt mật năm 1966 và chỉ được giải mật một phần vào năm 1975. Tuy nhiên, Ellsberg, năm nay 90 tuổi, nói với NYTimes rằng ông đã sao chép tài liệu mật đó vào đầu thập niên 1970. Ông quyết định công bố tài liệu trong bối cảnh căng thẳng đang gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc liên quan đến vấn đề Đài Loan.
Theo bản nghiên cứu tuyệt mật trên, các lãnh đạo quân sự Mỹ muốn hối thúc chính quyền phát động một cuộc tấn công hạt nhân nhằm vào Trung Quốc khi khủng hoảng eo biển Đài Loan bùng phát năm 1958. Quân đội Trung Quốc khi đó bắt đầu pháo kích nhằm vào đảo Kim Môn ngoài khơi Đài Loan, khiến lực lượng phòng vệ Đài Loan đáp trả.
Tài liệu cho biết nếu quân đội Trung Quốc tấn công vào đảo Đài Loan, đại tướng Nathan Twining, khi đó là chủ tịch hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, "tuyên bố rõ rằng Mỹ sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân tấn công các căn cứ không quân của Trung Quốc để ngăn chặn một chiến dịch can thiệp đường không".
Nếu biện pháp này không ngăn được chiến dịch tấn công đảo Đài Loan của quân đội Trung Quốc, Mỹ "không có lựa chọn nào khác ngoài tấn công hạt nhân sâu vào Trung Quốc, đến tận phía bắc Thượng Hải", các tác giả tài liệu dẫn lời tướng Twining.
Twining dự đoán rằng Liên Xô sau đó sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân để trả đũa nhắm vào đảo Đài Loan và có thể là Okinawa của Nhật, nơi có lực lượng Mỹ đồn trú. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng "nếu chính sách quốc gia là bảo vệ các đảo ngoài khơi thì hậu quả này là điều cần chấp nhận".
Tuy nhiên, tổng thống Mỹ khi đó là Dwight D. Eisenhower quyết định bác bỏ đề xuất của các tướng quân đội và quyết định ban đầu nên chỉ dựa vào vũ khí thông thường.
Nhưng các lãnh đạo dân sự và quân sự ở Mỹ khi đó đều không muốn lặp lại một cuộc chiến tranh thông thường như ở Triều Tiên, nên "có niềm tin thống nhất rằng đòn tấn công hạt nhân không sớm thì muộn cũng được tiến hành nếu Trung Quốc không ngừng hoạt động quân sự" nhắm vào các đảo ngoài khơi Đài Loan.
Cuộc khủng hoảng sau đó lắng xuống khi quân đội Trung Quốc ngừng hoạt động pháo kích.
Trung Quốc luôn coi Đài Loan là một tỉnh chờ thống nhất và tuyên bố sử dụng vũ lực nếu cần. Mỹ thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc năm 1979, song vẫn duy trì liên hệ với giới chức Đài Loan và coi hòn đảo là "đồng minh quân sự quan trọng nhất".
Căng thẳng tại eo biển Đài Loan những tháng qua leo thang khi Trung Quốc tổ chức nhiều cuộc diễn tập tại khu vực và gần như ngày nào cũng điều máy bay quân sự áp sát hòn đảo.
Mỹ cũng thường xuyên cho chiến hạm đi qua eo biển Đài Loan trong các chiến dịch tự do hàng hải, lần gần nhất vào ngày 18/5 khi khu trục hạm USS Curtis Wilbur thực hiện hải trình qua khu vực.
Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến công bố chiến lược của mình với Trung Quốc, trong bối cảnh ngày càng nhiều người kêu gọi ông phải đưa ra cam kết rõ ràng với việc "bảo vệ đảo Đài Loan về mặt quân sự".
Một đạo luật của Mỹ yêu cầu giới chức nước này hỗ trợ đảo Đài Loan phòng thủ trong trường hợp nổ ra xung đột. Tuy nhiên, Mỹ theo đuổi chính sách "mơ hồ chiến lược" trong nhiều thập kỷ khi không nêu rõ hoàn cảnh họ sẽ phát động chiến dịch quân sự hỗ trợ đảo Đài Loan phòng thủ.
Nguyễn Tiến (Theo AFP)