Cuộc diễn tập Space Flag được tổ chức tại căn cứ vũ trụ Schriever ở bang Colorado, Mỹ, hôm 13/12 với kịch bản vệ tinh cảnh giới tên lửa của nước này bị đối phương bắn hạ, trong khi nhiều vệ tinh khác bị gây nhiễu và chế áp điện tử.
Trong diễn tập được mô phỏng hoàn toàn trên máy tính kéo dài 10 ngày, một đơn vị thuộc Quân chủng Vũ trụ Mỹ đóng vai địch để mô phỏng những cường quốc có năng lực không gian như Nga và Trung Quốc, tiến hành đòn đánh giả định bắn hạ các vệ tinh Mỹ.
Đây là lần thứ 13 quân đội Mỹ tổ chức diễn tập Space Flag và là lần thứ ba hoạt động này có sự tham gia của Anh, Canada và Australia. Cuộc diễn tập được tổ chức chỉ vài tuần sau khi Nga phóng tên lửa bắn hạ thành công một vệ tinh trên quỹ đạo.
Bộ Quốc phòng Nga ngày 16/11 thừa nhận quân đội nước này đã bắn hạ một vệ tinh tình báo được Liên Xô phóng lên không gian từ năm 1982. Vụ thử nghiệm bị Mỹ và NATO chỉ trích là "liều lĩnh, vô trách nhiệm". Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói vụ thử chứng tỏ Nga đang phát triển các hệ thống vũ khí mới có thể tiêu diệt vệ tinh đối phương.
Cuộc đua quân sự hóa không gian bắt đầu từ khi Liên Xô phóng vệ tinh Sputnik 1 lên quỹ đạo vào năm 1957. Washington và Moskva trong nhiều năm sau đó tìm nhiều phương án để trang bị vũ khí cho vệ tinh, nhằm bắn hạ thiết bị đối phương trên quỹ đạo.
Mỹ từng ám chỉ khả năng bị Nga và Trung Quốc vượt mặt trong chạy đua vũ trang trên không gian. Cuộc cạnh tranh hiện nay tập trung vào giải pháp tiêu diệt vệ tinh đối phương, vốn đóng vai trò thiết yếu trong bảo đảm liên lạc, do thám và định vị với những đội quân hiện đại.
Nhiều phương pháp vô hiệu hóa vệ tinh đối phương đã được phát triển, trong đó có bắn hạ bằng tên lửa hoặc vệ tinh cảm tử, cũng như phá hỏng, vô hiệu hóa chúng bằng vũ khí laser hoặc vi sóng.
Nga và Trung Quốc đã phát triển những vệ tinh chuyên bám đuôi và có thể âm thầm tấn công, phá hoại mục tiêu mà không để lại dấu vết. Chưa có nhiều vệ tinh loại này được triển khai, nhưng vụ hai vệ tinh Nga áp sát vệ tinh Mỹ năm 2020 cho thấy công nghệ này đã trở thành hiện thực.
Vũ Anh (Theo Reuters)