"Trung Quốc và Nga liên tục triển khai hoạt động chống lại vệ tinh của Mỹ, nằm giữa ranh giới của thu thập thông tin tình báo và hành vi gây chiến", đại tướng David Thompson, phó tham mưu trưởng lực lượng vũ trụ Mỹ, nói trong cuộc phỏng vấn bên lề Diễn đàn An ninh Quốc tế Halifax được công bố hôm 30/11.
Thompson cảnh báo hoạt động này đã diễn ra trong thời gian dài, gây ra mối đe dọa ngày càng tăng với vệ tinh Mỹ.
Thompson cho biết những đòn tấn công này không sử dụng vũ khí động năng vốn có thể làm hỏng vệ tinh vĩnh viễn, mà dùng thiết bị chiếu tia laser, gây nhiễu tần số vô tuyến và hack.
Ông nhận định Trung Quốc đang phát triển nhanh chóng các công nghệ mới và có thể vượt Mỹ để trở thành cường quốc đứng đầu trong lĩnh vực vũ trụ vào cuối thập kỷ này. "Trung Quốc đi trước Nga rất nhiều", Thompson nói. "Họ đang biên chế các hệ thống tác chiến với tốc độ đáng kinh ngạc".
Trung Quốc từ lâu đã phát triển khí tài tấn công vệ tinh từ mặt đất như pháo laser. Nước này và Nga được cho là đang phát triển "vệ tinh rình mò" có thể tấn công các vệ tinh khác trên quỹ đạo.
Các "vệ tinh rình mò" này được trang bị cánh tay robot, có thể bám theo vệ tinh đối phương và đẩy chúng đến hơn khác hoặc bẻ cong ăng ten để khiến chúng trở nên vô dụng, chuyên gia không gian Brian Chow cho biết.
Tướng Thompson nhận định Trung Quốc đang phóng vệ tinh vào không gian với tốc độ nhanh gấp đôi Mỹ. Bắc Kinh tới nay đã sở hữu hàng trăm vệ tinh tình báo, giám sát và do thám toàn cầu.
"Mỹ vẫn đứng đầu thế giới về năng lực vệ tinh, nhưng Trung Quốc đang nhanh chóng bắt kịp", Thompson nói. "Chúng ta nên lo ngại nếu không thích ứng được vào cuối thập kỷ này".
Trung Quốc và Nga chưa bình luận về phát biểu của tướng Thompson.
Bộ Quốc phòng Nga ngày 16/11 thừa nhận quân đội nước này bắn hạ một vệ tinh tình báo được Liên Xô phóng lên không gian từ năm 1982. Vụ thử nghiệm bị Mỹ và NATO chỉ trích là "liều lĩnh, vô trách nhiệm". Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói vụ thử chứng tỏ Nga đang phát triển các hệ thống vũ khí mới có thể tiêu diệt vệ tinh đối phương.
Các quốc gia luôn giữ bí mật về hoạt động quân sự trong vũ trụ. Nhiều công nghệ vũ trụ mang tính lưỡng dụng, có thể sử dụng cho mục đích quân sự và dân sự.
Cuộc đua phát triển năng lực tác chiến trong vũ trụ bước sang trang mới khi Lầu Năm Góc thành lập lực lượng vũ trụ vào tháng 12/2019, đồng thời đánh giá Nga và Trung Quốc có thể vượt Mỹ trong lĩnh vực này. "Duy trì ưu thế của Mỹ trong lĩnh vực không gian là sứ mệnh của lực lượng vũ trụ", Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khi đó là Mark Esper cho biết.
Nguyễn Tiến (Theo News.com.au)