Bộ Quốc phòng Nga ngày 16/11 cho biết đã thử nghiệm thành công một hệ thống vũ khí mới để phá hủy Kosmos 1408, vệ tinh tình báo tín hiệu thuộc hệ thống Tselina-D đã ở trên quỹ đạo gần 40 năm qua.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu sau đó xác nhận "hệ thống mang tính hứa hẹn" với khả năng tấn công chính xác vệ tinh đã được sử dụng trong thử nghiệm, nhưng không nói rõ đây là loại vũ khí gì.
Một ngày trước đó, các quan chức Mỹ cáo buộc Nga thực hiện vụ tấn công "nguy hiểm và vô trách nhiệm" nhằm vào một vệ tinh, tạo ra đám mây mảnh vỡ và buộc phi hành đoàn Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) phải điều khiển hệ thống để né tránh.
Các quan chức Mỹ cho biết họ không được Nga báo trước về vụ thử tên lửa diệt vệ tinh, vốn tạo ra hơn 1.500 mảnh vỡ trong quỹ đạo. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly chỉ trích và bày tỏ lo ngại về vụ thử vũ khí diệt vệ tinh của Nga.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Shoigu khẳng định "các mảnh vỡ không gây ra bất cứ mối đe dọa nào với hoạt động trong không gian". Bộ Quốc phòng Nga bác thông tin cho rằng vụ thử gây nguy hiểm trên quỹ đạo.
"Mỹ chắc chắn biết rõ các mảnh vỡ, xét về thời gian thử nghiệm và thông số quỹ đạo, không gây ra mối đe dọa cho các trạm vũ trụ, tàu vũ trụ và các hoạt động không gian khác", cơ quan này cho biết.
Nga xác nhận thử vũ khí diệt vệ tinh sau khi Ngoại trưởng Sergey Lavrov phủ nhận nước này gây nguy hiểm cho ISS. "Tuyên bố rằng Liên bang Nga đe dọa hoạt động sử dụng không gian vì mục đích hòa bình là hành vi đạo đức giả", Lavrov nói. Bộ Ngoại giao Nga sau đó tuyên bố vụ thử "tuân thủ nghiêm ngặt luật pháp quốc tế" và "không nhằm vào bất cứ ai".
Vũ khí diệt vệ tinh là loại tên lửa công nghệ cao chỉ một số ít quốc gia sở hữu. Vụ thử vũ khí diệt vệ tinh gần đây nhất là của Ấn Độ năm 2019, hoạt động bị Mỹ và nhiều quốc gia chỉ trích vì tạo ra hàng trăm mảnh rác không gian. Trước đó, Mỹ bắn hạ một vệ tinh vào năm 2008 để đáp trả Trung Quốc thử vũ khí diệt vệ tinh năm 2007.
Nguyễn Tiến (Theo AFP)