Sau vụ cháy chung cư mini ở phố Khương Hạ (Thanh Xuân, Hà Nội) khiến 56 người chết và nhiều người bị thương, người dân, đặc biệt là các gia đình đang sinh sống trong các khu tập thể, chung cư, chung cư mini đổ xô đi mua đồ cứu hỏa để phòng thân. Các dụng cụ như thang dây, mặt nạ phòng độc, bình cứu hỏa... nhanh chóng "cháy hàng" do lượng người mua tăng đột biến. Tâm lý lo sợ là điều dễ hiểu, việc trang bị các thiết bị phòng cháy chữa cháy cũng là điều tốt, nhưng liệu nó có đủ để giúp bạn và gia đình an toàn tuyệt đối?
Thực tế, đây không phải là lần đầu người Việt đổ xô đi mua đồ cứu hỏa. Đã có nhiều vụ cháy lớn khiến nhiều người thương vong trong quá khứ xảy ra. Và cứ sau mỗi vụ việc như vậy, người ta lại nhao nhao đi mua sắm vật dụng thoát hiểm. Thế nhưng kết quả thì sao? Những vụ cháy thương tâm vẫn tiếp tục xảy ra, có khi vụ sau còn nghiêm trọng hơn vụ trước, thiệt hại về người và của vẫn rất lớn. Rõ ràng, tích trữ thang dây, mặt nạ chống khói, búa tạ... cũng chưa chắc giúp bạn bảo toàn được tính mạng.
Có dụng cụ trong tay là một chuyện, nhưng sử dụng chúng ra sao cho hiệu quả lại là chuyện khác. Tôi thấy có gia đình hàng xóm bỏ hàng chục triệu đồng mua sắm đủ thứ thiết bị thoát hiểm cho cả gia đình bốn người, nhưng mua về chỉ cất một chỗ. Khi tôi hỏi về cách sử dụng chúng thế nào thì họ chỉ nói được chung chung, chứ thực ra cũng chưa từng lấy ra và thực hành trong điều kiện thực tế lần nào. Thử hỏi, khi không may xảy ra cháy, với tâm lý hoảng loạn, thời gian cấp bách, liệu họ có tự thoát hiểm được với số thiết bị kia không, hay lại gây hại cho mình?
Nếu được tham gia huấn luyện, thực hành, diễn tập, có kỹ năng xử lý tình huống trong tay, thì đôi khi chỉ cần vài cái chăn, tấm rèm, tấm đệm cũng có thể giúp bạn thoát khỏi đám cháy. Còn không, dù đeo mặt nạ, cầm búa tạ, thang dây trong tay cũng chưa chắc bạn đã tìm ra đường sống. Do đó, quan trọng là mỗi người cần phải tự trang bị cho mình kiến thức và kỹ năng thoát hiểm khi xảy ra cháy nổ. Đó là thứ mà không tiền bạc nào mua được cả.
>> Tôi không biết chạy đi đâu khi nhà cháy
Chưa kể, những vật dụng thoát hiểm như bình cứu hỏa, mặt mạ chống khói đều có hạn sử dụng nhất định và chất lượng sản phẩm phải qua kiểm duyệt mới đủ an toàn. Việc đổ xô mua sắm của người dân sẽ gây nên tình trạng khan hàng cục bộ, tạo điều kiện cho các sản phẩm kém chất lượng trà trộn vào thị trường, gây hậu quả không lường. Tâm lý chủ quan khi đã sắm đủ dụng cụ cứu hỏa, thoát nạn cũng có thể là con dao hai lưỡi khiến bạn phải trả giá.
Sẽ không có giải pháp chữa cháy nào là tuyệt đối khi ngọn lửa đã bùng lên, vậy nên, điều tối quan trọng ở đây là ý thức phòng cháy ngay từ khi hỏa hoạn chưa xảy ra. Thay vì đổ xô đi mua sắm đồ dùng, thiết bị tốn kém mà chưa chắc đã phù hợp và biết cách sử dụng, tôi cho rằng thứ mỗi chúng ta cần chuẩn bị trước tiên là ý thức phòng chống cháy nổ, mà cụ thể là việc sử dụng các thiết bị điện trong nhà một các an toàn, không đốt vàng mã, không sạc xe điện qua đêm... Nếu ai cũng ý thức được việc ngăn chặn nguy cơ cháy nổ từ nguồn thì có lẽ chúng ta sẽ chẳng phải lo đến chuyện "chạy đi đâu khi nhà cháy?".
Bên cạnh đó, mỗi gia đình cũng cần thay đổi quan điểm về thiết kế nhà. Chống trộm là cần thiết nhưng chống cháy nổ còn quan trọng hơn. Những kiểu thiết kế lồng sắt, chuồng cọp cần phải được thay đổi hoàn toàn để bảo vệ an toàn tính mạng cho chính bản thân và gia đình. Tài sản mất rồi có thể lấy lại được, nhưng tính mạng là thứ không có lần thứ hai. Vậy nên, khi xây nhà, mỗi người hãy tính cho mình một lối thoát để nắm quyền tự quyết cho mạng sống của bản thân. Đừng để những chiếc lồng sắt kia đóng lại luôn cơ hội thoát nạn của mình.
Ngoài ra, đứng về góc độ quản lý, cơ quan chức năng địa phương cần chấn chỉnh lại hoạt động xây dựng, đặc biệt là đảm bảo hệ thống phòng cháy chữa cháy tại các công trình lớn, nơi có mật độ người dân sinh sống cao. Chỉ có giám sát thật chặt, kịp thời phát hiện và xử lý thật nghiêm những vi phạm, chúng ta mới giảm thiểu được rủi ro. Chuyện căn chung cư mini 10 tầng mà không có lối thoát hiểm như vụ việc thương tâm vừa xảy ra cần phải được dẹp bỏ hoàn toàn.
Hãy nhớ một điều rằng "phòng cháy luôn tốt hơn chữa cháy".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.