Tôi rất thấm thía những chia sẻ của tác giả bài viết "Chống cháy kiểu 'mất bò mới lo làm chuồng'". Bản thân tôi cũng là cư dân của chung cư Carina và cũng bị kẹt trong đám cháy xảy ra vào năm 2018. Đến giờ, dù sự việc đã xảy ra được hơn bốn năm, nhưng những ký ức ám ảnh, sợ hãi vẫn đeo bám tôi từng ngày.
Theo kết luận của cơ quan điều tra, đám cháy ngày ấy phát sinh từ hầm xe A2, nguyên nhân do một chiếc xe ga có vấn đề về điện sau khi được sửa chữa từ bên ngoài. Điện bắt đến bình xăng, dẫn đến cháy lớn, và cướp đi 13 sinh mạng, nặng nhất là tại block A. Tôi may mắn khi thoát chết khi kịp thời đóng cửa nhà lại, bên ngoài khi đó chỉ toàn một màn đêm do khói độc nghi ngút. Vì chung cư được xây dựng theo lối mở, nên khói đã không tràn nhiều vào căn hộ của tôi (đã được chặn khe cửa bởi khăn ướt).
Sáng hôm sau, tôi được các anh em chiến sĩ phòng cháy chữa cháy đến đưa xuống bằng thang bộ. Khi đi ngang qua tầng 5 của block B, nhìn cảnh tượng kinh hoàng trước mắt (dép, chăn, áo... vứt tứ tung), tôi mường tượng được cảnh hỗn loạn đêm qua. Những hình ảnh đó cứ ám ảnh tôi đến tận giờ phút này.
Thế nhưng, qua nhiều năm, nhiều người cũ đã rời đi, những người mới chuyển đến. Tôi có cảm giác như chỉ những người từng trải qua thời khắc sinh tử năm nào mới thấm thía tai họa khi ngọn lửa bùng lên, còn một số người mới đến vẫn dửng dưng trong ý thức đề phòng hỏa hoạn.
Họ xem chuyện cháy nổ như điều cỏn con, vẫn vô tư hút thuốc và quăng tàn thuốc còn đỏ rực xuống bên dưới. Nhà tôi có trồng cây ngoài ban công, nhiều hôm thức dậy, tôi thấy tàn thuốc của ai đó mắc lơ lửng trên tán cây dù nhà không có ai hút thuốc. Vào trong thang máy, thỉnh thoảng tôi lại thấy đầu lọc thuốc lá còn cháy âm ỉ bị ai đó vứt thẳng xuống sàn, hành lang.
>> Chạy đi đâu khi quán karaoke bị cháy?
Lâu lâu, tôi lại giật mình hốt hoảng khi nghe tin có nhà ai đó đi chơi xa, khóa cửa ngoài mà quên cúp cầu dao điện, đèn trong nhà vẫn bật sáng. Hay như ở dưới hầm để xe, vẫn còn đó những chiếc xe máy để xăng chảy lênh láng, thậm chí xe còn nổ máy mà chẳng thấy chủ nhân ở đâu? Nếu một hôm nào đó bảo vệ sơ xuất, người dân không phát hiện kịp thời, thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra?
Đó là còn chưa kể đến chuyện nhiều người vô tư đốt vàng mã ngay hành lang trước căn hộ của mình, làm khói bay ngút trời. Và còn rất rất nhiều những hành động dửng dưng, thiếu ý thức, đùa giỡn với "bà hỏa" như vậy, xuất hiện hàng ngày, hàng giờ tại chính nơi từng bị ngọn lửa thiêu rụi chỉ vài năm trước.
Nỗi đau cũ còn chưa qua đi, nhưng có vẻ như người ta đã lại liều lĩnh, bất cần với hành động của mình. Dù bây giờ, chúng ta có đề ra bao nhiêu cách phòng bị, có mua sắm dụng cụ chữa cháy tối tân, hiện đại, có lên kế hoạch phòng cháy, cứu hộ chi tiết cỡ nào, mà cái quan trọng nhất là ý thức con người vẫn không có thì mọi sự cố gắng đều trở nên vô ích. Bài soạn đầy đủ nhưng có người học không lại là chuyện khác.
Ý thức là thứ không thể mua được bằng tiền, nó chỉ có khi con người ta thực sự cảm nhận được nỗi đau và biết sợ trước những hậu quả đến từ hành động vô tâm của mình. Thứ chúng ta cần chuẩn bị nhiều nhất lúc này chính là ý thức của mỗi người. Đừng để đến khi ngọn lửa bùng lên mới lo đi dập hay chạy đi đâu cho thoát, bởi khi đó, quyền tự quyết đã không còn thuộc về con người.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.