"Bảo hiểm không xấu, chỉ là mỗi người cần xác định mua bảo hiểm để làm gì mà thôi. Ví dụ, trước đây cuộc sống khó khăn, công việc phải chạy ngoài đường, nhiều rủi ro, nên tôi thu xếp mua một gói bảo hiểm nhân thọ để dành cho con tới 18 tuổi có tiền vào đại học.
Tôi không nghĩ phải mua để tiền của mình sinh lời, mà chỉ đơn giản là nhỡ tôi có mệnh hệ gì, không thể đi làm kiếm tiền lo cho con nữa thì con tôi vẫn còn một số tiền để dùng cho tương lai vậy thôi. Và tôi cũng chỉ mua một gói có mức phí đóng vừa phải, mỗi quý (ba tháng) chỉ có 3,4 triệu đồng, tức 176,8 triệu đồng trong 13 năm.
Tôi cứ đóng như vậy mà thoắt cái đã 13 năm trôi qua, số tiền tôi được hoàn lại là gần 100 triệu đồng. Đến khi cần tiền gấp, tôi được bạn nhân viên tư vấn bảo hiểm thông báo có thể rút ra được 80% số tiền đó, tức được 85 triệu đồng (lãi 8,7%). Chỉ trong một buổi chiều là tiền đã đổ về tài khoản của tôi rồi.
Giờ công việc đã thu xếp xong, tôi trả lại 85 triệu đồng đó vào lại bảo hiểm. Đến năm 2029, khi tất toán hợp đồng, con tôi vẫn có tiền để vào đại học. Thế nên, tôi thấy bảo hiểm nhân thọ không xấu, chỉ là một số người tham lời, cứ nghe tư vấn đáo hạn được cả tỷ đồng nên đâm đầu mua một cách mù quáng. Để rồi mỗi năm phải đóng 25-50 triệu đồng tiền phí thì sao theo nổi? Được một vài năm không đóng được, việc mất tiền là điều hiển nhiên".
Đó là chia sẻ của độc giả Trongquy xung quanh câu chuyện "'Tiền mất tật mang' vì đâm đầu vào ba hợp đồng bảo hiểm nhân thọ". Bảo hiểm có nhiều lợi ích nhưng nên mua loại bảo hiểm nhân thọ nào, mức phí đóng bao nhiêu để không bị rơi vào cái bẫy tài chính do chính mình tạo ra? Đó là câu hỏi mà nhiều người đặt ra khi cân nhắc đầu tư vào loại hình này.
Trả lời cho câu hỏi trên, bạn đọc NaT Ng lấy dẫn chứng từ chính trường hợp của mình: "Tôi mua bảo hiểm liên kết chung, chọn đóng theo tháng, đóng đủ ba năm thì chỉ đóng phí phụ (bảo hiểm nằm viện, ung thư, tai nạn) khoảng vài trăm ngàn đồng mỗi tháng, còn phí chính đóng linh hoạt khoảng ba tháng một năm để duy trì hợp đồng là được. Tôi cũng có đủ bảo hiểm y tế, bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm tai nạn rồi. Quan trọng là tiền đóng vào chỉ chiếm một phần nhỏ trong thu nhập mỗi tháng của tôi.
Người ta đóng đầy đủ vào cố chờ xem 15-20 năm sau nhận về được bao nhiêu tiền, còn tôi đóng để khi có chuyện không may xảy ra với mình thì vẫn có một khoản dự phòng. Thế nên, tôi không đổ hết tiền bạc vào bảo hiểm, theo kiểu đầu tư tất tay".
>> Dừng cuộc chơi vì 'trái đắng' của tư vấn bảo hiểm nhân thọ
Nhấn mạnh sai lầm trong tâm lý mua bảo hiểm nhân thọ với mục đích sinh lời, độc giả Hien nd nhận định: "Bảo hiểm là câu trả lời cho câu hỏi: lỡ may mình gặp tai nạn, mất sức lao động hoặc tử nạn thì tiền đâu lo cho con? Đầu tư và tiết kiệm là lời giải của câu hỏi: với thu nhập đều đặn, thì làm sao để tối ưu, sinh lời? Hai hoàn cảnh khác nhau, mục đích khác nhau, yêu cầu khác nhau nên không thể so sánh với nhau.
Gói bảo hiểm nhân thọ tôi mua có mức phí đóng hơn 30 triệu đồng mỗi tháng. Nhưng tôi quyết mua vì tôi hiểu rất rõ rằng ở đời không ai biết trước ngày mai. Lỡ may tôi có chuyện gì thì vẫn có một khoản để đảm bảo. Còn nếu trời thương cho tôi sức khỏe, thì tôi có thể kiếm gấp vài chục lần số tiền đó. Cái sai của nhiều người là không cân đối được số tiền đóng bảo hiểm và tổng thu nhập của mình nên hụt hơi và mất trắng do không đủ sức theo đến cùng".
Đồng quan điểm, bạn đọc Bùi đức kha kết lại: "Mua bảo hiểm là mua sự an toàn cho bản thân chứ không phải là đầu tư để kiếm lời. Nhiều người không hiểu rõ về bản chất bảo hiểm nhân thọ mà chỉ nghe và tin lời của nhân viên tư vấn nên mua mà không tính toán. Ngoai ra, bạn cần nhớ, trong bảng tính giá trị tích lũy, bên bảo hiểm hay để mức bảo tức cao (6-10%/năm) để mọi người thấy giá trị hoàn lại cuối cùng cao mà ham. Nhưng thực tế, theo quy định công ty bảo hiểm chỉ cần chi trả ở mức 4,5%/năm mà thôi.
Và cuối cùng là bảo hiểm nhân thọ hoàn toàn không giống gửi tiết kiệm ngân hàng. Vì nếu đem tiền gửi vào nhà bằng thì tiền gốc ban đầu của bạn sẽ còn nguyên bất kể bạn rút ra lúc nào, còn tiền đóng vào bảo hiểm thì chỉ khi nào đáo hạn hợp đồng bạn mới nhận đủ cả gốc và bảo tức. Nếu bạn ngưng đóng bảo hiểm giữa chừng thì số tiền nhận lại có thể rất ít và gần như mất trắng. Nên hãy cân nhắc thật kỹ trước khi quyết định bỏ tiền vào loại hình nào, tránh trường hợp 'tiền mất tật mang' chỉ vì không đầu tư mù mờ".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.
- Nhân viên ngân hàng tìm mọi cách dụ khách gửi 'tiết kiệm đầu tư'
- Tiền gửi tiết kiệm dưỡng già bị 'đánh tráo' thành gói bảo hiểm
- Tôi lỗ 100 triệu đồng sau 5 năm mua bảo hiểm
- Sập bẫy mua bảo hiểm vì muốn kiếm lời
- 'Bảo hiểm dễ bán vì thổi phồng lợi ích, đánh tráo khái niệm'
- Vợ chồng 64 tuổi dính bẫy lừa mua gói bảo hiểm 26 năm