Được ngày đi thăm bạn lại bị bạn bỏ rơi vì phải đi giải quyết công việc gấp, tôi rảnh rỗi lang thang vào hiệu sách. Hiệu sách rất đẹp, mát rượi, lại có ghế ngồi rải rác cho khách ngồi đọc cho đỡ mỏi chân. Tôi mua sách ít nhiều đều phải đọc thử dăm ba trang, nên thấy rất hào hứng với cách bố trí này. Nhưng có một việc khiến tôi suy nghĩ rất nhiều, đó cầm cuốn sách nào lên, tôi cũng thấy nó được bọc kín trong màng co (màng nilon thường được dùng để bọc hàng hóa, thực phẩm). Thấy tôi đứng bần thần, cô nhân viên gần đó nhiệt tình hướng dẫn: "Cô cứ xé ra cũng được ạ".
Tôi bần thần hồi lâu, thực ra không phải vì tò mò nội dung bên trong cuốn sách kia, mà trong đầu đang hình dung ra hình ảnh các bãi rác thải, nhẩm tính số đầu sách nhân với số cuốn trong tiệm, lượng màng co đã được sử dụng sẽ nhiều tới mới nào...? Nhìn quanh, tôi có thể nói, phải tới trên 60% số sách ở đó là có bọc màng bọc, chưa kể những cuốn không bọc có thể do ai đó đã xé ra trước đó.
Nhà tôi có nhiều sách nên tôi biết, khí hậu nước ta nóng ẩm, sách bị ố vàng và mốc rất nhanh. Chưa kể, sách bày ở tiệm còn dễ bị bạc màu bìa và dính bụi. Với những điểm bất lợi này, màng co đương nhiên giải quyết rất tốt. Nhưng có lẽ nào truyền thông ra rả suốt bao năm nay về tác hại của nilon mà chúng ta vẫn làm ngơ và cứ "việc gì khó có nilon"?
Lâu nay, tôi đã giảm mua sách rất nhiều vì có thời gian đi thư viện, tôi cũng tẩy chay những cuốn có bọc màng co, nhưng chỉ nhìn trong tiệm sách hôm nay thì có lẽ tôi sắp phải nhân nhượng rồi, vì cuốn nào tôi thích cũng đều nằm trong màng co cả.
>> Nhà tôi cả tháng không dùng túi nilon
Buồn bã bước ra khỏi tiệm sách, tôi "sa chân" vào siêu thị. Lâu nay, siêu thị cũng là đối tượng tẩy chay của tôi vì tôi đi chợ, có thể dùng hộp và túi của mình để đựng đồ ăn. Một năm chừng dăm ba lần tôi mới vào siêu thị mua những thứ mà ở chợ ít có sự lựa chọn. Nhưng siêu thị này gần chỗ tôi không có, mà cũng có vẻ sang xịn nên tôi vào thử. Tôi mua mấy cây chả lụa, nó chỉ nhỏ như cây xúc xích, hợp với sức ăn của tôi mà nhìn lạ và hấp dẫn.
Về nhà háo hức mở ra ăn thử. Thứ đầu tiên đạp vào mặt tôi là lớp bao bì nilon. Mở ra,bên trong có cây chả được bọc kín trong một lớp nilon khác. Bên cạnh cây chả có một lưỡi dao nhựa cũng được bọc bằng nilon. Lưỡi dao nhựa này dùng để xé lớp nilon của cây chả kia. Vận dụng não bộ và tay chân một hồi, tôi cũng lấy được cây chả ra khỏi lớp nilon, nó chỉ cỡ hơn một ngón tay và tôi muốn khóc khi nhìn thấy la liệt nilon trên bàn ăn. Tôi giận mình vì đã mua nó về để giờ tôi hết sức đau lòng với đống rác nhựa mà mình thải ra.
Nhà sản xuất cây chả này hẳn rất hài lòng, thậm chí lấy làm hãnh diện, khi họ cho rằng mình đã hết sức chu đáo với khách hàng khi chuẩn bị đẩy đủ dụng cụ để giúp người ta bóc mở sản phẩm dễ dàng. Đúng, nhưng họ chỉ không chu đáo với môi trường mà thôi.
Đọc ý kiến này chắc chắn sẽ nhiều người chất vấn tôi kiểu như "không bọc màng co thì sách hư hỏng ai mua?", hay "không đóng gói thực phẩm thế thì đóng thế nào?". Tất nhiên là tôi chịu thôi, không thể trả lời được, vì tôi không phải nhà in sách, cũng không học chuyên ngành thực phẩm để mà biết các giải pháp có thể thay thế nilon. Nhưng tôi biết chắc một điều, chúng ta không thể làm cho môi trường tốt lên một khi chỉ chăm chăm lấy chính con người làm trung tâm.
Còn tôi, từ nay có lẽ sẽ hạn chế ra đường để bớt phải gặp nilon và đỡ phải đau lòng.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.