Người táo bón thường đi ngoài 3 lần hoặc ít hơn trong một tuần, cơ thể căng thẳng quá mức hoặc cảm thấy đau đớn khi đi vệ sinh, thường xuyên có cảm giác no. Thông thường, táo bón phát triển khi phân lưu lại trong ruột già (ruột kết) quá lâu, khiến cơ thể tái hấp thu nước từ phân. Ở lâu trong ruột già, phân dễ khô. Nếu phân di chuyển qua ruột kết với tốc độ chậm, táo bón sẽ hình thành.
Còn bàng quang tăng hoạt (bàng quang hoạt động quá mức) là tình trạng cơ thể thường xuyên tiểu gấp hoặc đột ngột muốn đi tiểu do chức năng của bàng quang gặp vấn đề. Có hai dạng bàng quang tăng hoạt gồm bàng quang tăng hoạt khô và ướt.
Cụ thể, bàng quang tăng hoạt khô là hiện tượng bàng quang hoạt động quá mức, không có hiện tượng tiểu không tự chủ (cơ thể không kiểm soát được việc đi tiểu). Ngược lại, bàng quang tăng hoạt ướt khiến người bệnh tiểu không tự chủ (xảy ra ngay sau khi buồn đi tiểu, gây rò rỉ nước tiểu). Ngoài các triệu chứng này, hầu hết người mắc hội chứng bàng quang tăng hoạt đều tiểu gấp, đi tiểu ít nhất 8 lần mỗi ngày và ít nhất hai lần vào buổi tối (tiểu đêm).
Các chuyên gia cho hay táo bón và bàng quang tăng hoạt thường xuất hiện cùng lúc. Nguyên nhân là do táo bón làm tăng nguy cơ bàng quang hoạt động quá mức và ngược lại. Khi táo bón và bàng quang hoạt động quá mức xảy ra đồng thời, bệnh nhân có thể bị rối loạn chức năng bàng quang và ruột.
Đối tượng nhiều khả năng bị táo bón và bàng quang tăng hoạt là trẻ nhỏ, trẻ mắc bệnh lý về thần kinh (tự kỷ, tăng động giảm chú ý), phụ nữ mang thai, sinh nở hoặc mãn kinh, người mắc bệnh đa xơ cứng, người cao tuổi.

Phụ nữ mang thai hoặc bước vào thời kỳ mãn kinh nhiều khả năng bị táo bón và bàng quang tăng hoạt. Ảnh: Freepik
Nghiên cứu về táo bón dẫn đến bàng quang hoạt động quá mức do các chuyên gia của khoa Phẫu thuật, Đại học Y khoa Colorado Denver và Bệnh viện Nhi Colorado (Mỹ) thực hiện năm 2021, cho thấy táo bón có thể dẫn đến bàng quang tăng hoạt, tiểu gấp do sự tích tụ của phân trong đại tràng. Cùng với đó, áp lực do phân lưu lại trong đại tràng lâu ngày có thể gây co thắt niệu đạo (ống dẫn nước tiểu ra ngoài cơ thể). Vì thế, cơ thể khó giữ nước tiểu gây tiểu gấp, tiểu không tự chủ.
Một nghiên cứu khác về táo bón ở nữ giới liên quan đến các triệu chứng bàng quang hoạt động quá mức và tiểu không kiểm soát do các chuyên gia của khoa Nội, Bệnh viện Trung tâm Saiseikai (Nhật Bản) thực hiện cho kết quả táo bón làm tăng nguy cơ tiểu gấp. Việc căng thẳng liên tục khi bị táo bón cũng có thể gây suy yếu cơ sàn chậu, dẫn đến các vấn đề về đường tiết niệu.
Ngoài ra, khi tiểu gấp cơ thể phải co thắt niệu đạo để giữ nước tiểu, ngăn cản hoạt động bình thường của cơ vòng hậu môn (cơ quan có nhiệm vụ thải phân). Trường hợp trì hoãn việc đi vệ sinh có thể làm tăng nguy cơ phân khô, táo bón. Nếu bác sĩ kê đơn thuốc giãn cơ bàng quang nhằm điều trị bàng quang tăng hoạt, bệnh nhân có thể bị giãn ruột, phân di chuyển chậm, gián tiếp gây táo bón.
Thực tế, việc thỉnh thoảng bị táo bón hoặc tiểu gấp là bình thường. Tuy nhiên, nếu táo bón hoặc tiểu gấp trong thời gian dài dù đã điều trị, khó đi tiểu, có máu trong phân, nước tiểu, đau bụng, đau lưng dưới, nôn, sốt, sụt cân bất thường, người bệnh cần đi khám để được điều trị kịp thời.
Minh Thúy (Theo Healthline)