Giải đáp thắc mắc

* Vui lòng điền chính xác thông tin để nhận được tư vấn tốt nhất từ chuyên gia của Hệ thống TT Tiêm chủng VNVC.
Giới tính (*)
Ba ngày trước tôi bị chó nhà (đã tiêm vaccine) cắn, không bị rách da, chảy máu, chỉ bị bầm tím. Vậy tôi có cần tiêm vaccine phòng dại không? Nếu có thì tiêm mấy mũi? Xin cảm ơn!
Nguyễn Thành Công, 35 tuổi, Bình Dương
BS.CKI Tống Thị Ngọc Cầm

Phó Giám đốc Y khoa miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC

Chào bạn!

Dại là bệnh truyền nhiễm do virus dại gây ra, lây truyền từ động vật bị bệnh sang người qua vết cắn, cào, liếm... Thời gian ủ bệnh thường từ 2-8 tuần, có thể ngắn hơn hoặc kéo dài trên một năm, tùy mức độ tổn thương, vị trí vết thương và tải lượng virus xâm nhập cơ thể.

Trong trường hợp bạn không bị rách da, chảy máu, chỉ bị bầm tím, vẫn có khả năng nhiễm virus dại. Lý do, virus lan truyền không phân biệt vết thương lớn hay nhỏ, chảy máu hay không. Con vật cũng có thể gây ra vết thương nhỏ ở vị trí mà bạn không chú ý.

Khi virus di chuyển đến hệ thần kinh trung ương, tình trạng viêm não và tủy sống tiến triển, gây tử vong với tỷ lệ 100%. Bệnh hiện không có thuốc điều trị. Biện pháp điều trị dự phòng duy nhất là tiêm vaccine và huyết thanh kháng dại ngay sau khi bị chó cắn, cào.

Hiện Việt Nam có hai loại ngừa dại gồm Verorab (Pháp) và Abhayrab (Ấn Độ), tiêm bắp hoặc tiêm trong da. Đây là vaccine dại thế hệ mới sản xuất từ tế bào vero với quy trình khép kín, được kiểm soát chặt chẽ nhằm tăng độ tinh khiết, không chứa tế bào thần kinh nên không gây ảnh hưởng trí nhớ, sức khỏe của người tiêm.

Người chưa từng tiêm vaccine cần tiêm 5 mũi trong vòng một tháng (0-3-7-14-28), có thể chỉ định dùng thêm huyết thanh kháng dại và huyết thanh, vaccine uốn ván. Bác sĩ có thể chỉ định dừng tiêm tùy theo mức độ của vết thương và quan sát được tình trạng của con vật sau 10 ngày.

Do đó, bạn có thể chủ động đến các trung tâm tiêm chủng gần nhất để được bác sĩ thăm khám vết thương và đưa ra chẩn đoán chính xác nhất.

Ngoài ra, vaccine dại còn được sử dụng tiêm dự phòng trước khi bị cắn, cào, phù hợp với các trường hợp thường xuyên tiếp xúc với chó, mèo, động vật hoang dã, đi đến những nơi lưu hành dịch nhưng khó tiếp cận vaccine và huyết thanh kháng dại. Phác đồ tiêm dự phòng gồm 3 mũi, giúp giảm số mũi tiêm sau khi có vết thương và không cần tiêm huyết thanh dù vết thương nặng. Bạn thường xuyên tiếp xúc với chó, có thể đến các trung tâm tiêm chủng để được tư vấn thêm về cách dự phòng dại này.

Cảm ơn câu hỏi của bạn.

Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe!

Thưa bác sĩ! Tôi mới chích vaccine ngừa uốn ván khi dẫm vào đinh rỉ cách đây 1 năm, nhưng 2 ngày trước tôi lại dẫm đinh thì có cần tiêm lại nữa không? Xin cảm ơn.
Trúc Quỳnh, 29 tuổi, Cần Thơ
BS.CKI Nguyễn Lê Nga

Quản lý Y khoa vùng 1 miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC

Chào bạn!

Bệnh uốn ván do vi khuẩn Clostridium tetani gây ra. Vi khuẩn sinh sống trong môi trường đất cát, xâm nhập vào cơ thể qua vết thương hở dù rất nhỏ. Bệnh có nguy cơ tử vong 10-90% hoặc để lại nhiều di chứng như rối loạn thần kinh thực vật, nhiễm trùng cơ hội, viêm phổi, teo cơ, cứng khớp...

Vaccine có thể tiêm chủ động hoặc tiêm khi có vết thương để chống phơi nhiễm. Vaccine uốn ván có lịch tiêm 3 mũi trong vòng 7 tháng. Trong trường hợp bạn đã tiêm đủ 3 mũi uốn ván cách đây 1 năm, vẫn còn trong thời gian bảo vệ, bạn cần tiêm nhắc lại một liều vaccine, không cần dùng Globulin miễn dịch (TIG) hoặc huyết thanh uốn ván (SAT).

Vaccine có hiệu quả phòng bệnh lên đến 95% khi tiêm đủ liều, đúng lịch. Tuy nhiên, mũi tiêm không cung cấp kháng thể miễn dịch trọn đời, bạn cần tiêm nhắc sau 10 năm để đủ kháng thể phòng bệnh.

Còn với những người có vết thương nếu chưa tiêm hoặc không nhớ rõ lịch sử tiêm, ngoài vaccine uốn ván còn cần sử dụng thêm Globulin miễn dịch (TIG) hoặc huyết thanh uốn ván (SAT). Thời gian tiêm phòng hiệu quả nhất là càng sớm càng tốt sau khi xảy ra vết thương, tốt nhất là trong vòng 24 giờ.

Trước tiêm bạn cần được khám sàng lọc kỹ để bác sĩ đánh giá tình hình vết thương cũng như có mũi tiêm, sử dụng thuốc phù hợp để tránh nhiễm trùng vết thương. Bạn cũng cần chia sẻ rõ lịch trình tiêm, loại thuốc đang sử dụng để bác sĩ đánh giá tình hình và chỉ định mũi tiêm phù hợp.

Cảm ơn câu hỏi của bạn.

Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe!

Ba mẹ tôi đều mắc ung thư gan do virus viêm gan B. Tôi muốn phòng bệnh thì nên tiêm vaccine viêm gan B theo phác đồ nào, có cần xét nghiệm trước tiêm không? Mong bác sĩ tư vấn!
Thái Hoàng, 27 tuổi, Phú Nhuận
THS.BS Ngô Thị Kim Phượng

Quản lý vùng Khu vực miền Trung và Tây Nguyên, Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC

Chào bạn!

Viêm gan B có thể lây truyền qua đường tình dục, đường máu và từ mẹ sang con. Trong trường hợp bố mẹ bạn mắc ung thư, được chẩn đoán do virus viêm gan B, bạn có nguy cơ cao mắc virus này.

Khi bị nhiễm virus viêm gan, người bệnh có thể bị tiến triển thành viêm gan cấp và suy gan, xơ gan, ung thư gan. Bệnh thường diễn biến thầm lặng, có tới 90% người nhiễm không biết về tình trạng nhiễm virus của bản thân, vì thế khi phát hiện ra thường đã ở giai đoạn muộn, điều trị khó khăn.

Trước tiêm vaccine, bạn cần xét nghiệm máu xem cơ thể đã có kháng thể hay chưa hoặc có đang nhiễm viêm gan B hay không. Nếu đang mắc bệnh viêm gan B, bệnh nhân không cần tiêm vaccine. Trường hợp không có kháng thể với viêm gan B hoặc mức kháng thể dưới mức bảo vệ cần tiêm phòng vaccine viêm gan B.

Các loại vaccine phòng bệnh viêm gan B hiệu quả đang được sử dụng tại Việt Nam là Engerix B (Bỉ), Euvax B (Hàn Quốc) và Gene Hbvax (Việt Nam). Phác đồ tiêm 3 mũi trong 6 tháng. Đặc biệt, vaccine Twinrix (Bỉ) là vaccine duy nhất phòng được cả 2 bệnh viêm gan A và B chỉ trong 1 mũi tiêm, miễn dịch bảo vệ vượt trội và lâu dài. Phác đồ tiêm Twinrix là 3 mũi trong 6 tháng. Bạn có thể lựa chọn 1 trong 4 loại trên để chủng ngừa.

Ngoài tiêm vaccine, bạn nên kiểm tra sức khỏe, làm các xét nghiệm định kỳ 6 tháng một lần để kiểm tra lượng kháng thể sinh ra sau tiêm vaccine và xét nghiệm định kỳ để tiêm bổ sung nếu kháng thể xuống thấp.

Cảm ơn câu hỏi của bạn.

Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe!

Con gái tôi một tuổi, tuần tới sẽ đến lịch tiêm vaccine 6 trong 1, tôi muốn kết hợp tiêm vaccine cúm cho con thì có được không?
Vương Thị Quyền, 29 tuổi, Lệ Thủy, Quảng Bình
ThS.BS Ngô Thị Kim Phượng

Quản lý vùng Khu vực miền Trung và Tây Nguyên, Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC

Chào bạn!

Theo thông tin kê toa của nhà sản xuất, vaccine cúm bất hoạt có thể tiêm đồng thời hoặc cùng thời điểm với vaccine bất hoạt, vaccine sống hay vaccine giảm độc lực khác, trong đó có vaccine 6 trong 1.

Trẻ nhỏ hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, thuộc nhóm dễ mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như cúm, ho gà, bạch hầu, uốn ván, viêm gan B, bại liệt... Tiêm vaccine là cách giúp trẻ phòng bệnh hiệu quả. Nhiều nghiên cứu trên thế giới cũng chỉ ra, việc trẻ nhỏ tiêm gộp nhiều loại vaccine tạo hiệu quả miễn dịch tương tự việc tiêm riêng lẻ từng loại vaccine và không làm quá tải hệ miễn dịch. Vì vậy, bạn hoàn toàn có thể tiêm gộp nhiều mũi vaccine phòng bệnh trong cùng một buổi tiêm cho con để tiết kiệm thời gian đi lại, tạo hiệu quả miễn dịch bảo vệ sớm trước các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

Trước tiêm, con bạn cần được khám sàng lọc kỹ. Bạn cần chuẩn bị mọi thông tin về tình trạng sức khỏe, tiền sử dị ứng hoặc phản ứng với các loại thuốc, vaccine trước đó của con để bác sĩ đưa ra mũi tiêm phù hợp cho trẻ.

Hiện Việt Nam có 4 loại phòng các chủng virus cúm phổ biến gồm cúm A/H1N1, A/H3N2 và dòng cúm B. Trong đó loại của Hà Lan, Pháp và Hàn Quốc dành cho trẻ từ 6 tháng tuổi và người lớn. Loại của Việt Nam hiện dành cho người từ 18 đến 60 tuổi. Vaccine cần nhắc lại hằng năm để cập nhật chủng virus cúm đang lưu hành theo khuyến cáo của WHO và củng cố miễn dịch đã bị giảm theo thời gian sau lần tiêm trước đó.

Cảm ơn câu hỏi của bạn.

Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe!

Hiện Việt Nam có mấy loại vaccine phòng viêm não Nhật Bản? Tôi nên chọn loại nào để tiêm cho con 5 tuổi?
Công Nguyên, 39 tuổi, Hòa Vang, Đà Nẵng
ThS.BS Ngô Thị Kim Phượng

Quản lý vùng Khu vực miền Trung và Tây Nguyên, Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC

Chào bạn!

Hiện Việt Nam có ba loại vaccine phòng viêm não Nhật Bản, gồm Jevax (Việt Nam), Imojev (Thái Lan), Jeev (Ấn Độ). Phác đồ tiêm áp dụng theo từng loại như sau:

Jevax có trong chương trình tiêm chủng mở rộng và dịch vụ, tiêm cho trẻ từ 12 tháng tuổi. Phác đồ ba mũi cơ bản và cần tiêm nhắc 3 năm một lần. Hai mũi đầu cách nhau 1-2 tuần, mũi ba cách mũi hai 1 năm, sau đó cứ 3 năm cần tiêm nhắc lại một lần.

Imojev ít số mũi tiêm hơn. Trẻ từ 9 tháng đến 18 tuổi tiêm hai mũi, cách nhau một năm. Người từ 18 tuổi trở lên chỉ cần tiêm một mũi.

Jeev tiêm cho trẻ từ 12 tháng đến 49 tuổi. Liệu trình tiêm hai mũi cách nhau tối thiểu một tháng, lịch tiêm nhắc tùy vào lứa tuổi và khuyến cáo tiêm chủng của mỗi quốc gia.

Cả ba loại Jeev, Jevax, Imojev đều phòng bệnh viêm não Nhật Bản B nhưng sản xuất theo công nghệ khác nhau. Con bạn 5 tuổi, có thể chọn một trong ba loại vaccine để tiêm. Song, vaccine Jevax có lịch tiêm dài, có thể khiến bạn quên lịch hoặc hiểu lầm chỉ tiêm ba mũi cơ bản là đủ. Vì vậy, bạn có thể cân nhắc cho con tiêm vaccine Imojev để không cần tiêm nhắc suốt đời.

Cảm ơn câu hỏi của bạn.

Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe!

Tôi mắc sốt xuất huyết vừa khỏi được hơn 2 tháng thì có tiêm được vaccine không?
Quang Thái, 52 tuổi, Diễn Châu, Nghệ An
ThS.BS Ngô Thị Kim Phượng

Quản lý vùng Khu vực miền Trung và Tây Nguyên, Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC

Chào bạn!

Theo thông tin kê toa của nhà sản xuất vaccine sốt xuất huyết, người đã mắc sốt xuất huyết phải cần đủ 6 tháng mới được tiêm vaccine này. Lý do, trong khoảng thời gian này, cơ thể vẫn còn miễn dịch tự nhiên, có thể làm giảm hiệu quả đáp ứng miễn dịch của vaccine. Bạn mới khỏi bệnh 2 tháng thì không nên tiêm vaccine sốt xuất huyết. Bạn nên chờ đủ 6 tháng hãy nên tiêm để thuốc phát huy tác dụng bảo vệ hiệu quả nhất.

Sốt xuất huyết là do virus Dengue gây nên, với trung gian truyền bệnh là muỗi vằn. Có 4 type huyết thanh khác nhau gồm Den-1, Den-2, Den-3, Den-4. Một người có thể nhiễm cả 4 type huyết thanh này. Tiêm vaccine là cách phòng bệnh hiệu quả hiện nay.

Hiện Việt Nam có vaccine phòng 4 type huyết thanh virus Den-1, Den-2, Den-3, Den-4, có hiệu quả ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh bao gồm cả trường hợp tái nhiễm đến hơn 80% và nguy cơ nhập viện hơn 90%. Vaccine tiêm cho trẻ từ 4 tuổi và người lớn. Lịch tiêm hai mũi cách nhau ba tháng. Phụ nữ mang thai nên tiêm vaccine trước ba tháng hoặc tối thiểu một tháng trước khi mang thai.

Cảm ơn câu hỏi của bạn.

Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe!

Con tôi 3 tuổi, đã tiêm vaccine não mô cầu nhóm B có nên tiêm thêm vaccine phòng nhóm ACYW-135 không?
Nguyễn Thị Thắm, 38 tuổi, Bình Dương
BS.CKI Tống Thị Ngọc Cầm

Phó Giám đốc Y khoa miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC

Chào bạn!

Vi khuẩn não mô cầu lây lan qua đường hô hấp khi người khỏe mạnh hít phải các giọt bắn nhiễm khuẩn của người bệnh, người lành mang trùng tức người mang vi khuẩn nhưng không biểu hiện triệu chứng hoặc tiếp xúc gián tiếp với vật dụng, bề mặt dính virus. Tại Việt Nam, não mô cầu là một trong 6 bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ tử vong cao nhất. Não mô cầu gây ra các bệnh như viêm màng não, nhiễm trùng máu hoặc cả viêm màng não và nhiễm trùng máu, viêm phổi, viêm khớp... Khoảng 10-20% người sống sót gặp các di chứng cắt cụt chi, liệt, điếc, thiểu năng trí tuệ...

Hiện Việt Nam đã có vaccine não mô cầu phòng 5 nhóm huyết thanh gây bệnh thường gặp gồm A, B, C, Y, W-135. Đầu tiên là vaccine Bexsero (Italia) phòng nhóm não mô cầu B, tiêm từ 2 tháng đến 50 tuổi. Loại thứ hai là Mengoc BC (CuBa), phòng hai nhóm vi khuẩn não mô cầu B và C, tiêm cho trẻ 6 tháng tuổi đến người lớn 45 tuổi. Còn vaccine Menactra (Mỹ) phòng 4 nhóm vi khuẩn não mô cầu A, C, Y, W-135, tiêm cho trẻ từ 9 tháng tuổi đến người lớn 55 tuổi.

Con bạn 3 tuổi, đã tiêm vaccine phòng não mô cầu nhóm B vẫn cần tiêm thêm vaccine phòng nhóm ACYW-135. Lý do, vaccine phòng các nhóm huyết thanh não mô cầu khuẩn không có miễn dịch chéo với nhóm huyết thanh khác. Mỗi người cần tiêm ít nhất hai loại vaccine để phòng ngừa được đầy đủ 5 nhóm huyết thanh vi khuẩn gây bệnh.

Bạn nên đưa con đến cơ sở tiêm chủng để được thăm khám sức khỏe và tư vấn phác đồ phù hợp.

Cảm ơn câu hỏi của bạn.

Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe!

Tôi muốn tiêm HPV thì có cần làm xét nghiệm trước tiêm không? Vaccine còn có hiệu quả với nam 40 tuổi không thưa bác sĩ?
Quốc Trung, 40 tuổi, Đồng Nai
BS.CKI Nguyễn Lê Nga

Quản lý Y khoa vùng 1 miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC

Chào bạn!

Hiện Việt Nam có hai loại vaccine phòng ngừa HPV. Trong đó, vaccine Gardasil phòng 4 type HPV gồm 6, 11, 16, 18 chỉ định tiêm cho bé gái, phụ nữ trong độ tuổi 9-26. Vaccine Gardasil 9 phòng ngừa 9 type HPV 6, 11, 16, 18, 31, 33, 45, 52 và 58, được chỉ định tiêm cho nam, nữ từ 9-45 tuổi. Hiệu quả bảo vệ của vaccine trên 90% khi tiêm đủ liều, đúng lịch. Vaccine giúp sinh miễn dịch tốt, nồng độ kháng thể duy trì ở mức cao và hiệu quả kéo dài.

Bạn không cần xét nghiệm tìm virus HPV trước khi tiêm vaccine phòng bệnh. Lý do, vaccine giúp phòng ngừa nhiều chủng HPV và ngăn ngừa nguy cơ tái nhiễm. Người nhiễm HPV có thể tự đào thải virus, tuy nhiên miễn dịch phòng ngừa không duy trì lâu dài nên vẫn có khả năng tái nhiễm chủng virus cũ và nhiễm thêm các chủng mới. Có khoảng 20% người nhiễm HPV không đào thải được virus và phát triển thành mụn cóc sinh dục sau vài tháng và vài chục năm gây ra các bệnh ung thư. Hiện vaccine đều tiêm được cho người đã quan hệ tình dục, sinh con và từng nhiễm hoặc đang nhiễm HPV. Người trong độ tuổi chỉ định, không dị ứng với thành phần của vaccine, không mắc các bệnh cấp tính, phụ nữ không mang thai... đều đủ điều kiện tiêm vaccine HPV.

Trường hợp của bạn là nam 40 tuổi, vẫn ở trong độ tuổi chỉ định tiêm chủng thì hoàn toàn tiêm được vaccine Gardasil 9. Bạn có thể chủ động đến các trung tâm tiêm chủng để được tư vấn chủng ngừa đầy đủ hơn.

Cảm ơn câu hỏi của bạn.

Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe!

Tôi 26 tuổi, hiện đang không có bệnh nền và thường xuyên tập thể dục. Dạo gần đây dịch sởi bùng phát, tôi không nhớ lịch sử chủng ngừa lúc nhỏ thì có cần tiêm vaccine sởi không?
Hải Đăng, 26 tuổi, TP HCM
BS.CKI Nguyễn Lê Nga

Quản lý Y khoa vùng 1 miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC

Chào bạn!

Virus sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây lan qua đường hô hấp khi người nhiễm bệnh ho, hắt hơi hoặc nói chuyện. Bệnh sởi ở người lớn khó phát hiện hơn so với trẻ em. Triệu chứng bệnh không điển hình, không bị sốt cao và mệt mỏi, dễ nhầm lẫn với sốt siêu vi và sốt phát ban thông thường nên nhiều người thường bỏ qua. Người có bệnh nền, suy giảm miễn dịch... khi mắc sởi rất dễ trở nặng, gặp những biến chứng như viêm não, viêm phổi, viêm kết mạc, viêm giác mạc, bội nhiễm gây viêm tai giữa, viêm ruột...

Ngoài ra, sởi ủ bệnh khoảng 12-21 ngày, sau đó phát ban và lây vào thời gian trước 4 ngày và 4 ngày sau khi phát ban. Người lớn thường xuyên đi học, đi làm, tham gia các hoạt động giao lưu, tập trung đông người, dễ trở thành nguồn lây bệnh cho trẻ nhỏ, thai phụ.

Tiêm chủng là cách hiệu quả giúp phòng ngừa và giảm các biến chứng nặng do sởi. Hiện Việt Nam có nhiều loại vaccine chứa thành phần phòng sởi cho trẻ em và người lớn. Mũi sởi đơn MVVac (Việt Nam) tiêm từ 9 tháng hoặc 12 tháng tuổi. Các mũi tiêm phối hợp như sởi - rubella (MRVAC), 3 trong 1 sởi - quai bị - rubella Priorix (Bỉ), sởi - quai bị - rubella MMR II (Mỹ). Trẻ từ 7 tuổi trở lên và người lớn tiêm hai mũi phối hợp cách nhau tối thiểu một tháng. Hiện trong tình hình dịch bệnh lan rộng ở nhiều địa phương, vaccine được Bộ Y tế cho phép tiêm từ 6 tháng tuổi.

Trong trường hợp bạn không nhớ lịch sử chủng ngừa hay tiền sử mắc sởi, bạn có thể tiêm mũi sởi đơn hoặc các mũi phối hợp để phòng được nhiều bệnh cùng lúc. Hiệu quả vaccine lên đến 98% khi tiêm đủ hai mũi.

Ngoài ra, bạn cần vệ sinh cá nhân sạch sẽ, rửa tay thường xuyên; sát khuẩn họng, miệng; ăn uống đủ dinh dưỡng, tập thể dục để cải thiện sức khỏe cơ thể. Gia đình nên thường xuyên vệ sinh nơi ở, nơi làm việc; đi khám và cách ly ngay khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh.

Cảm ơn câu hỏi của bạn.

Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe!

Tôi 40 tuổi, bị dị ứng với tôm thì có tiêm được vaccine sốt xuất huyết không?
Hoàng Nguyên, 65 tuổi, Thủy Nguyên, Hải Phòng
BS.CKI Tống Thị Ngọc Cầm

Phó Giám đốc Y khoa miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC

Chào bạn!

Trong thông tin kê toa của nhà sản xuất, vaccine sốt xuất huyết không có khuyến cáo với các trường hợp dị ứng thực phẩm, trong đó có tôm. Vì vậy, bạn hoàn toàn có thể tiêm vaccine. Trước tiêm, bạn cần được bác sĩ khám sàng lọc kỹ. Tuy nhiên, bạn cần cung cấp đầy đủ thông tin tình trạng sức khỏe, cơ địa dị ứng với tôm ra sao, đang uống thuốc gì... để bác sĩ chỉ định mũi tiêm phù hợp.

Bạn cần lưu ý, trước và sau tiêm vaccine sốt xuất huyết không ăn các thực phẩm dễ gây ra dị ứng như ngứa ngáy, da nổi mẩn đỏ. Bởi vì, các triệu chứng này khó phân biệt nguyên nhân từ thức ăn hay phản ứng của vaccine. Bạn cũng cần theo dõi sức khỏe sau tiêm tại cơ sở tiêm chủng 30 phút và 24 - 48 giờ tại nhà. Thời gian này nếu thấy có các biểu hiện như sốt cao 39 độ C, mệt mỏi, khó chịu, khó thở... cần liên hệ ngay với cơ sở tiêm chủng hoặc đến cơ sở y tế để được xử lý kịp thời.

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, do virus Dengue gây nên. Bệnh lây truyền từ người này sang người khác qua vết đốt của muỗi vằn, chủ yếu là muỗi Aegypti Aedes mang virus. Bệnh có thể gây ra các biến chứng tràn dịch màng phổi, tích tụ dịch trong ổ bụng, giảm protein máu hoặc cô đặc máu, suy đa tạng, xuất huyết não, nguy cơ tử vong cao.

Để phòng sốt xuất huyết, tiêm vaccine là cách hiệu quả nhất hiện nay. Hiện Việt Nam có vaccine phòng 4 type huyết thanh virus Den-1, Den-2, Den-3, Den-4, có hiệu quả ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh bao gồm cả trường hợp tái nhiễm đến hơn 80% và nguy cơ nhập viện hơn 90%. Vaccine tiêm cho trẻ từ 4 tuổi và người lớn. Lịch tiêm hai mũi cách nhau ba tháng. Phụ nữ mang thai nên tiêm vaccine trước ba tháng hoặc tối thiểu một tháng trước khi mang thai.

Ngoài vaccine, bạn và người nhà cần phòng bệnh bằng cách loại bỏ nơi ở của muỗi, dọn vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, ngủ màn, mặc quần áo dài để tránh muỗi đốt gây bệnh.

Cảm ơn câu hỏi của bạn.

Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe!

Tôi đã mắc bệnh thủy đậu có chẩn đoán của bác sĩ rồi thì có nhiễm lại nữa không và có cần tiêm vaccine thủy đậu không?
Tuyết Lan, 52 tuổi, Nha Trang, Khánh Hòa
BS.CKI Tống Thị Ngọc Cầm

Phó Giám đốc Y khoa miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC

Chào bạn!

Nếu bạn đã mắc thủy đậu và có chẩn đoán của bác sĩ thì không cần phải tiêm vaccine phòng ngừa thủy đậu. Lý do, miễn dịch sau khi mắc thủy đậu khá bền vững, rất ít trường hợp tái mắc thủy đậu. Vì vậy, bạn không cần tiêm vaccine thủy đậu.

Tuy nhiên, thủy đậu do virus Varicella Zoster (VZV) gây ra. Sau khi bạn khỏi thủy đậu, virus VZV sẽ "ngủ đông" ở các hạch thần kinh cảm giác. Khi gặp điều kiện thuận lợi như lớn tuổi, hệ miễn dịch suy giảm, mắc bệnh nền... virus VZV sẽ kích hoạt gây bệnh zona.

Zona thần kinh gây ra ngứa, rát hoặc đau ở một vùng da ở một bên cơ thể, có kèm sốt, mệt mỏi hoặc đau đầu. Bệnh nếu không được điều trị sớm có thể gây ra biến chứng đau thần kinh sau zona kéo dài, viêm phổi, viêm màng não, liệt mặt, tăng nguy cơ đột quỵ...

Hiện Việt Nam có vaccine zona thần kinh, do hãng dược GSK (Bỉ) sản xuất. Hiệu quả ngăn bệnh đến 97% ở người từ 50 tuổi, từ 70-87% ở người từ 18 tuổi bị suy giảm miễn dịch do bệnh lý đồng thời giảm các biến chứng hơn 90%. Bạn đã mắc thủy đậu và đã 52 tuổi, thuộc nhóm có nguy cơ cao mắc zona thần kinh thì nên tiêm vaccine càng sớm càng tốt.

Ngoài tiêm vaccine, bạn nên có chế độ sinh hoạt và nghỉ ngơi cần hợp lý, ăn uống đủ chất, tránh sử dụng các chất kích thích. Bạn cũng cần tránh căng thẳng, có thể tham gia các hoạt động xã hội, hoạt động thể chất thường xuyên để tránh mắc bệnh.

Cảm ơn câu hỏi của bạn.

Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe!

Mắc sởi sau bao lâu thì tiêm phòng được vaccine sởi ạ?
Bui Trieu, 31 tuổi, 298 hà huy tập
BS.CKI Tống Thị Ngọc Cầm

Phó Giám đốc Y khoa miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC

Chào bạn!

Đa số người đã mắc sởi hoặc tiêm chủng vaccine đều có miễn dịch bền vững với bệnh. Việc mắc sởi cần phải có chẩn đoán của bác sĩ hoặc xét nghiệm máu để xác định. Thực tế, có nhiều bệnh có biểu hiện giống sởi như sốt phát ban, thủy đậu, tay chân miệng... cũng bị nhầm lẫn với sởi.

Nhiều trường hợp nghi ngờ mắc sởi nhưng xét nghiệm máu để tìm kháng thể đối với virus sởi vẫn cho kết quả âm tính. Mặt khác, có số ít trường hợp mắc sởi nhưng kháng thể tồn tại suy giảm theo thời gian hoặc khi có hệ miễn dịch suy giảm.

Việc tiêm vaccine khi chưa biết chắc bản thân mắc bệnh sởi hoặc muốn tiêm phòng bổ sung thêm vaccine sởi khi dịch bùng phát hoàn toàn có thể được. Mũi tiêm giúp củng cố kháng thể chống lại virus sởi.

Trước tiêm, bạn cần được bác sĩ khám sàng lọc kỹ và bạn cần chia sẻ đầy đủ các thông tin về bệnh đang mắc, thuốc đang uống, hay có các dị ứng nào không... để bác sĩ quyết định mũi tiêm phù hợp.

Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính, dễ lây lan nhanh và dễ bùng phát thành dịch. Bệnh nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng như tiêu chảy, viêm phổi, viêm não - màng nào, thậm chí tử vong. Bất cứ ai cũng có thể lây bệnh nếu chưa có miễn dịch với bệnh.

Hiện Việt Nam có nhiều loại vaccine chứa thành phần phòng sởi cho trẻ em và người lớn như mũi sởi đơn MVVac (Việt Nam); loại phối hợp sởi - rubella (MRVac), loại phối hợp 3 trong 1: sởi - quai bị - rubella Priorix (Bỉ); MMR II (Mỹ). Đối với trẻ nhỏ, lịch tiêm thường quy vắc xin có thành phần sởi được chỉ định cho trẻ từ 9 tháng tuổi sau đó mũi 2 sẽ được tiêm từ 12 tháng tuổi.

Với người lớn chưa tiêm hoặc không nhớ lịch sử chủng ngừa cần tiêm đủ ít nhất hai mũi, phác đồ cách nhau một tháng. Phụ nữ có kế hoạch mang thai ít nhất ba tháng để chủng động bảo vệ thai kỳ khỏi nguy cơ mắc sởi và giúp truyền kháng thể thụ động cho con trong những tháng đầu đời khi trẻ chưa đủ tuổi chủ động được tiêm ngừa sởi.

Tại thời điểm hiện nay, khi bệnh sởi bùng dịch thì theo hướng dẫn của các nhà sản xuất cho phép tiêm vaccine có thành phần sởi cho trẻ từ 6 tháng tuổi, mũi tiêm này được gọi là mũi chống dịch (mũi 0), không tính trong liệu trình tiêm thường quy của trẻ. Tuy nhiên, việc tiêm mũi sởi chống dịch này có ý nghĩa quan trọng giúp bảo vệ trẻ trong giai đoạn “"khoảng trống miễn dịch" giai đoạn mà miễn dịch từ mẹ truyền sang con giảm đi đáng kể.

Cảm ơn câu hỏi của bạn.

Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe!

Năm nay em dự định có em bé, nhưng không nhớ mình đã từng mắc bệnh thuỷ đậu lúc nhỏ chưa thì bây giờ có cần tiêm vaccine thủy đậu không ạ và nên tiêm bao lâu trước mang thai sẽ tốt nhất? Sắp vào mùa thủy đậu nên em hơi lo, mong bác sĩ giải đáp!
Hồng Hân, 31 tuổi, Cần Thơ
BS.CKI Nguyễn Lê Nga

Quản lý Y khoa vùng 1 miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC

Chào bạn!

Thủy đậu do virus Varicella Zoster (VZV) gây nên. Một người đã mắc thủy đậu khi có chẩn đoán của bác sĩ hoặc xét nghiệm xác định thì không cần tiêm vaccine thủy đậu. Trường hợp của bạn không nhớ đã từng mắc bệnh chưa, nên tiêm vaccine để phòng các biến chứng nguy hiểm của thủy đậu, chuẩn bị tốt cho thai kỳ khỏe mạnh.

Nếu thai phụ mắc thủy đậu ở 3 tháng đầu, virus có thể gây sảy thai, dị tật bẩm sinh như bại não, đầu nhỏ, co gồng tay chân... Trong khoảng thai 13 - 20 tuần có thể gây sảy thai, dị tật thai nhi như: thiểu sản tiểu não, chứng đầu nhỏ, bất thường nhãn cầu, dị dạng ở sọ, đa dị tật ở tim, thai nhi bị hội chứng thủy đậu bẩm sinh là 2%.

Khoảng 20% mẹ bầu bị thủy đậu phát triển trạng thái viêm phổi, trong đó, 40% trường hợp sẽ tử vong. Trẻ dễ mắc hội chứng thủy đậu bẩm sinh với tỷ lệ tử vong lên đến 30% nếu mẹ bị nhiễm ở giai đoạn cuối thai kỳ, đặc biệt nếu mẹ nổi ban thủy đậu trước 5 ngày và đến 2 ngày sau sinh.

Do đó, việc tiêm vaccine sẽ giúp mẹ phòng bệnh và tạo miễn dịch thụ động cho trẻ ngay từ lúc chào đời. Bạn có kế hoạch mang thai trong năm nay thì tốt nhất nên hoàn tất phác đồ tiêm trước khi có thai 3 tháng, tránh tiếp xúc với những người có nguy cơ lây bệnh trong thời gian chưa hoàn tất lịch tiêm chủng để vaccine phát huy hiệu quả tốt nhất.

Hiện Việt Nam có 3 loại vaccine phòng thủy đậu gồm Varilrix (Bỉ), Varivax (Mỹ) và Varicella (Hàn Quốc) với lịch tiêm gồm 2 mũi cách nhau một tháng cho người lớn. Hiệu quả bảo vệ lên đến 98%.

Cảm ơn câu hỏi của bạn.

Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe!

Thưa bác sĩ, em bị chó cắn ở bắp chân, vết thương nông, có rướm máu. Giờ em tiêm vaccine dại có được không vì trước đó 1 ngày em vừa tiêm vaccine HPV ạ? Em cảm ơn!
Thanh Hoàng, 26 tuổi, Bình Dương
BS.CKI Nguyễn Lê Nga

Quản lý Y khoa vùng 1 miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC

Chào bạn!

Bệnh dại là tình trạng nhiễm trùng virus dại cấp tính, tấn công trực tiếp vào hệ thần kinh trung ương. Virus dại có thể xâm nhập khi chó mèo cắn, cào, liếm vào vết thương hở, dù là nhỏ hay lớn. Thời gian ủ bệnh dại ở người thông thường từ 1-3 tháng sau phơi nhiễm, tùy thuộc vào tình trạng nặng, nhẹ và vị trí của vết cắn.

Khi triệu chứng bệnh dại bệnh dại xuất hiện, 100% người bệnh sẽ tử vong trong đau đớn và hoảng loạn. Bệnh dại không có thuốc điều trị. Vaccine và huyết thanh kháng dại là biện pháp phòng ngừa dại duy nhất.

Trong trường hợp của bạn, dù vết thương nông và chỉ rướm máu, bạn vẫn cần tiêm vaccine để phòng ngừa bệnh. Trước đó bạn đã tiêm vaccine HPV, vẫn có thể tiêm dại vì hai vaccine này không tương tác với nhau. Bạn nên đến gặp bác sĩ để tư vấn cụ thể về phác đồ tiêm vaccine dại hiệu quả.

Hiện Việt Nam có hai loại ngừa dại gồm Verorab (Pháp) và Abhayrab (Ấn Độ), tiêm bắp hoặc tiêm trong da. Đây là vaccine dại thế hệ mới sản xuất từ tế bào vero với quy trình khép kín, được kiểm soát chặt chẽ nhằm tăng độ tinh khiết, không chứa tế bào thần kinh, nên an toàn khi tiêm chủng.

Người chưa từng tiêm vaccine cần tiêm 5 mũi trong vòng một tháng (0-3-7-14-28), có thể chỉ định dùng thêm huyết thanh kháng dại và huyết thanh, vaccine uốn ván. Bác sĩ có thể chỉ định dừng tiêm tùy theo mức độ của vết thương và quan sát được tình trạng của con vật sau 10 ngày.

Cảm ơn câu hỏi của bạn.

Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe!

Em năm nay 25 tuổi, đã quan hệ tình dục và từng chữa sùi mào gà thì tiêm vaccine phòng HPV có còn hiệu quả không? Có cần xét nghiệm gì trước khi tiêm không ạ? Em cảm ơn giải đáp từ bác sĩ
Lê Hồng Hạnh, 25 tuổi, Hà Nội
BS.CKI Tống Thị Ngọc Cầm

Phó Giám đốc Y khoa miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC

Chào bạn!

HPV là virus gây u nhú ở người, có hơn 200 chủng khác nhau. Khoảng 20% virus không tự đào thải mà gây nhiễm dai dẳng, biến đổi các tế bào dẫn đến sùi mào gà (mụn cóc sinh dục) và ung thư ở vùng kín như cổ tử cung, hậu môn, âm đạo, dương vật, vòm họng...

Tổn thương sùi mào gà có thể được điều trị triệt để nhưng không loại bỏ được virus hoàn toàn. Virus có thể duy trì ở "trạng thái ngủ" trong nhiều năm và tái hoạt động khi hệ thống miễn dịch suy giảm. Điều này có nghĩa là bạn vẫn có thể tái phát bệnh sau khi quá trình điều trị kết thúc. Bên cạnh đó, việc từng quan hệ tình dục hay từng nhiễm HPV không đồng nghĩa đã nhiễm tất cả chủng HPV. Kháng thể có được từ lần nhiễm các chủng HPV đã được đào thải không tồn tại lâu dài.

Việc tiêm vaccine phòng HPV vẫn có hiệu quả cho bạn dù đã từng quan hệ tình dục và chữa sùi mào gà, vì vaccine giúp bảo vệ khỏi các chủng HPV chưa nhiễm, phòng tái nhiễm. Bạn không cần xét nghiệm trước khi tiêm vaccine HPV.

Hiện Việt Nam có hai loại vaccine HPV. Gardasil phòng được 4 type 6, 11, 16, 18 chỉ định tiêm cho bé gái và phụ nữ trong độ tuổi 9-26. Vaccine Gardasil 9 phòng ngừa 9 type 6, 11, 16, 18, 31, 33, 45, 52 và 58, chỉ định tiêm cho cả nam và nữ trong độ tuổi 9-45. Hiệu quả bảo vệ đến trên 90%.

Cảm ơn câu hỏi của bạn.

Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe!

vaccine

Bạn đã được chuyển sang trang đăng ký của VNVC, đối tác VnExpress