Giữa năm 2021, nhiều quốc gia bắt đầu tiêm liều vaccine Covid-19 tăng cường (booster) cho người dân. Mỹ phê duyệt sử dụng liều thứ ba vaccine Pfizer và Moderna cho người từ 65 tuổi trở lên, người có nguy cơ nhiễm và chuyển nặng. Pfizer thậm chí đề nghị nước này mở rộng tiêm chủng liều tăng cường cho toàn bộ dân số.
Trên lý thuyết, mục tiêu của liều vaccine tăng cường là thêm hàng rào bảo vệ cho những người đã tiêm chủng (sau khi vaccine giảm hiệu quả). Tuy nhiên nhiều chuyên gia đặt ra hàng loạt câu hỏi: Miễn dịch sau tiêm giảm theo thời gian có phải vấn đề lớn? Định nghĩa thực sự của "tiêm liều tăng cường" là gì? Nếu kết quả cần đạt được là bảo vệ tối đa khỏi Covid-19, liệu người dân có cần tiếp tục chủng ngừa sau mỗi ba tháng, 6 tháng, 9 tháng hoặc 12 tháng?
"Các nước cần xác định rõ rằng họ đang nỗ lực để đạt được điều gì", Céline Gounder, nhà dịch tễ học tại Đại học New York, cố vấn y tế của Tổng thống Joe Biden, nói.
Giới chuyên gia có cách định nghĩa khác nhau về "liều tăng cường", khái niệm này cũng dễ bị nhầm lẫn với liều bổ sung (extra).
Theo Đại học John Hopkins, liều vaccine Covid-19 tăng cường là liều được tiêm sau khi hiệu quả bảo vệ ban đầu giảm theo thời gian. Thông thường, người dùng sẽ được tiêm tăng cường ngay sau khi khả năng miễn dịch suy giảm một cách tự nhiên. Liều tăng cường giúp dân số duy trì mức miễn dịch ban đầu lâu hơn.
Theo Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA), Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, với các loại vaccine mRNA như Moderna và Pfizer, nhóm đủ điều kiện tiêm liều tăng cường là người từ 65 tuổi trở lên, từ 50-64 tuổi mắc bệnh nền, người từ 18 tuổi trở lên có bệnh nền, đang sống tập trung tại các cơ sở chăm sóc dài hạn hoặc làm việc ở môi trường có nguy cơ lây nhiễm cao. Liều tăng cường tiêm sau liều hai ít nhất 6 tháng.
Đối với vaccine Johnson & Johnson (liệu trình một liều), tất cả người từ 18 trở lên đều đủ điều kiện tiêm liều tăng cường thứ hai ít nhất hai tháng sau liều đầu tiên.
Trong khi đó, liều bổ sung tiêm cho người bị tổn thương hệ miễn dịch, nhằm cải thiện phản ứng ban đầu của họ đối với vaccine. Tháng 8/2021, FDA phê duyệt liều thứ ba vaccine Covid-19 của Pfizer và Moderna cho những người bị suy giảm miễn dịch, chẳng hạn người nhiễm HIV hoặc đang điều trị ung thư. Theo Đại học Harvard, liều thứ ba đối với nhóm này không phải liều tăng cường. Nó được coi như một phần của liệu trình chủng ngừa ban đầu.
Người được phép tiêm liều bổ sung là bệnh nhân đã điều trị ung thư cho khối u hoặc ung thư máu, người đã cấy ghép nội tạng, đang dùng thuốc ức chế hệ thống miễn dịch. Người cấy ghép tế bào gốc trong hai năm trở lại đây, người được chẩn đoán mắc chứng suy giảm miễn dịch nguyên phát, người bị HIV hoặc đang dùng các thuốc steroid cũng có thể tiêm liều vaccine bổ sung.
Khi phê duyệt, cố vấn y tế lập luận liều tăng cường giúp bảo vệ người dùng khỏi Covid-19 khi hiệu quả ban đầu của vaccine đã suy yếu ở một mức độ nhất định, bởi hiệu quả vaccine giảm theo thời gian.
Nghiên cứu vào tháng 9 của CDC cho thấy tác dụng chống lây nhiễm nCoV của vaccine giảm từ 92% xuống còn 75% trong khoảng từ 5 đến 7 tháng sau tiêm. Nghiên cứu tháng 11, công bố trên tạp chí Science chỉ ra rằng hiệu quả chống nhiễm virus ở các cựu binh quân đội giảm từ 88% xuống 48% kể từ tháng 2 đến tháng 10 năm nay.
Vaccine vẫn là biện pháp hữu ích bảo vệ cộng đồng khỏi Covid-19. Dù không làm giảm nguy cơ lây truyền virus xuống mức 0, tác dụng ngăn ngừa nhiễm bệnh của vaccine vẫn có ý nghĩa thống kê. Vaccine duy trì hiệu quả chống chuyển nặng và tử vong sau nhiễm nCoV, ngăn ngừa 93% nguy cơ nhập viện, theo nghiên cứu của CDC.
Các chuyên gia cho biết miễn dịch từ vaccine chắc chắn sẽ giảm theo thời gian, đây là điều hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, nếu đã được tiêm chủng dù chỉ hai liều vaccine, người dùng phần lớn tránh được nguy cơ tử vong.
"Người ta không vào khu hồi sức tích cực vì chưa tiêm liều vaccine thứ ba, họ ở đó vì không tiêm liều vaccine nào cả", Paul Offit, giám đốc Trung tâm Giáo dục Tiêm chủng tại Bệnh viện Nhi đồng Philadelphia, giải thích.
Suy giảm miễn dịch sau tiêm chủng là một phần của "bình thường mới". Nhiều chuyên gia tin rằng Covid-19 sẽ trở thành mầm bệnh đặc hữu, tồn tại tương tự virus cảm lạnh và cúm. Ở kịch bản đẹp nhất, nó có thể bị cả vaccine, miễn dịch tự nhiên và các loại thuốc đặc trị hợp sức tiêu diệt.
Monica Gandhi, tiến sĩ truyền nhiễm tại UC San Francisco, cho biết: "Trên mạng xã hội, người ta vẫn mong loại bỏ hoàn toàn Covid-19. Nhưng điều này sẽ không xảy ra. May mắn là chúng ta đã ngăn chặn được điều tồi tệ nhất rồi, đó là viễn cảnh về chủng mới khủng khiếp hơn".
Từ góc độ đó, suy giảm miễn dịch chống nhiễm nCoV có thể không phải vấn đề lớn về lâu dài. Nhưng theo các chuyên gia, thế giới chưa tiến được đến giai đoạn đó. Tại châu Âu, Covid-19 tái bùng phát khiến một số quốc gia áp đặt trở lại lệnh hạn chế. Nhiều nước chưa tiêm chủng cho 50% dân số, vẫn ghi nhận ca tử vong mỗi ngày.
Tiêm vaccine tăng cường có ý nghĩa với những người dễ nhiễm nCoV, trong trường hợp các đợt bùng phát trở nên nghiêm trọng vào mùa đông. Song người dân toàn cầu sẽ không cần tiêm vaccine Covid-19 vài tháng một lần trong suốt phần đời còn lại.
"Về mặt dịch tễ học, một khi đã được tiêm tăng cường 6 tháng sau liều thứ hai, vaccine sẽ có độ bền cao hơn nhiều so với hai lần tiêm đầu tiên", Ashish Jha, trưởng khoa Y tế công cộng của Đại học Brown, nói.
Tuy nhiên giới khoa học chưa thể lập tức chứng minh quan điểm này vì không có dữ liệu dài hạn. Nếu trong 6 tháng, 8 tháng hoặc 12 tháng tới, số ca Covid-19 thấp, vaccine duy trì hiệu quả, việc tiêm liều tăng cường không cấp thiết.
Một số chuyên gia đề xuất mô hình tiêm vaccine Covid-19 hàng năm như tiêm phòng cúm, khi mầm bệnh trở thành đặc hữu. Người dân có thể chủng ngừa tại trạm y tế, hiệu thuốc, điều này khả thi về mặt hậu cần. Đây là một cách để giữ tỷ lệ lây nhiễm ở mức thấp, đảm bảo virus không tái bùng phát.
Thục Linh (Theo Vox, Harvard Health Publishing, John Hopkins Medicine)