Kết quả nghiên cứu đăng tải trên tạp chí y khoa Lancet hôm 2/12. Theo đó, nhóm nghiên cứu khuyên "khi tiêm liều tăng cường không cần cân nhắc quá nhiều", vì tất cả vaccine đều đủ an toàn và hiệu quả. Tiêm trộn nhiều loại vaccine cho khả năng bảo vệ mạnh mẽ.
Các nhà khoa học so sánh 7 loại vaccine của các hãng: Pfizer, Moderna, CureVac, Valneva, AstraZeneca và Johnson & Johnson. Trong đó, CureVac và Valneva là vaccine mới đang giai đoạn cuối thử nghiệm tại châu Âu, hiện chưa được chấp thuận ở bất cứ quốc gia nào.
Hơn 2.800 tình nguyện viên ban đầu tiêm hai liều AstraZeneca hoặc Pfizer. Sau đó, họ được chia thành 7 nhóm nhỏ, tiêm tiếp liều thứ ba và sử dụng 7 loại vaccine Covid-19. Nhóm thứ 8 tiêm vaccine viêm màng não để đối chứng.
Sau 4 tuần, các nhà khoa học thu thập mẫu máu từ tình nguyện viên và đo nồng độ kháng thể. Họ cũng tìm kiếm tế bào T (tế bào miễn dịch) đặc trị mầm bệnh.
Kết quả, mức độ kháng thể và tế bào T ở người tiêm tăng cường vaccine Covid-19 đều cao hơn so với nhóm sử dụng vaccine viêm màng não. Tuy nhiên, sự cách biệt về hiệu quả khá lớn. Ở nhóm tiêm hai liều đầu vaccine Pfizer, liều tăng cường vaccine Valneva, mức miễn dịch chỉ tăng 30%. Trong khi đó, miễn dịch ở người tiêm tăng cường vaccine Moderna tăng ít nhất 1.000%.
Cả ba liều vaccine (từ bất cứ nhãn hiệu nào) giúp bảo vệ người dùng khỏi virus tới 90%. Vaccine công nghệ mRNA (như của Moderna, Pfizer) tạo lượng kháng thể cao hơn so với những loại khác.
Eleanor Riley, nhà miễn dịch học tại Đại học Edinburgh, người bình xét nghiên cứu, cho biết: "Bạn đã tiêm hai liều đầu tiên bằng vaccine nào, có thể lựa chọn vaccine mRNA trong liều tăng cường". Tuy nhiên, các nhà khoa học lưu ý những loại vaccine khác vẫn đủ hiệu quả để bảo vệ người dùng khỏi Covid-19.
"Nếu nơi bạn sống chỉ có một vài trong số các vaccine chúng tôi đã nghiên cứu, bạn hoàn toàn có thể sử dụng chúng một cách an toàn và hiệu quả, không nhất thiết phải tiêm vaccine mRNA", Saul Faust, chuyên gia bệnh truyền nhiễm, Đại học Southampton, nói.
Nghiên cứu cũng phát hiện liều tăng cường giúp nâng cao khả năng nhận diện virus của tế bào T. Đây là yếu tố then chốt trong việc ngăn ngừa bệnh chuyển nặng hoặc gây tử vong. Các kháng thể giúp chống lây nhiễm, song tế bào T cung cấp tuyến phòng thủ thứ hai, quan trọng hơn.
Merryn Voysey, chuyên gia thống kê tại Đại học Oxford (không tham gia nghiên cứu), nhận xét: "Đây là dữ liệu đáng hoan nghênh đối với các nhà hoạch định chính sách. Thông điệp quan trọng nhất là chúng ta có quỹ vaccine dồi dào để tiêm liều tăng cường".
Nghiên cứu không xét đến biến chủng Omicron, bởi các thông tin về nó còn quá mới. Biến chủng chứa một số đột biến giúp né tránh kháng thể từ vaccine hoặc người từng mắc Covid-19. Nhiều nhà khoa học lo ngại liều vaccine tăng cường có thể giảm hiệu quả trước Omicron. Theo tiến sĩ Stanley Plotkin, chuyên gia vaccine, giáo sư danh dự Đại học Pennsylvania, nếu liều tăng cường kém tác dụng, các nhà khoa học có thể phải điều chế loại vaccine hoàn toàn mới.
Tại Việt Nam, Bộ Y tế cho phép tiêm liều 3 từ tháng 12, và cho phép tiêm trộn vaccine mRNA tùy vào nguồn cung, ưu tiên nhóm nguy cơ cao là người trên 50 tuổi, có bệnh nền, nhóm tuyến đầu chống dịch...
Thục Linh (Theo NY Times)