Ban đầu, giống với nhiều quốc gia, nước này chỉ định tiêm liều tăng cường ít nhất 6 tháng sau liều thứ hai cho người trên 40 tuổi và người từ 16 tuổi trở lên có bệnh nền. Anh hiện là nước đề ra khoảng thời gian giữa liều thứ hai và liều tăng cường ngắn nhất thế giới.
Anh cũng đang áp đặt lại quy định sử dụng khẩu trang trong các cửa hàng và phương tiện giao thông công cộng kể từ 30/11, động thái bắt nguồn từ nỗi lo ngại biến chủng Omicron, theo Bộ trưởng Y tế Sajid Javid.
Quyết định mới của Anh làm gia tăng mối lo ngại về bất bình đẳng vaccine, đặc biệt khi châu Phi - nơi bị đại dịch ảnh hưởng nặng nề, có tỷ lệ tiêm chủng thấp hơn.
"Chúng tôi biết rằng biến chủng mới đáng lo ngại có thể là mối đe dọa với các thành công chống dịch mà quốc gia đã đạt được. Chúng tôi đang tiếp tục tìm hiểu về biến chủng, dự đoán ban đầu là nó lây lan rất nhanh", ông Javid nói, đồng thời cho biết virus có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của loại vaccine Anh đang sử dụng.
Đến nay, Anh đã tiêm được 17 triệu liều tăng cường. Sau khi nước này mở rộng triển khai, thêm hàng chục triệu người đủ điều kiện. Công tác tiêm chủng của Anh diễn ra nhanh hơn nhiều so với các khu vực khác.
Hầu hết các nước vẫn giữ lịch trình cũ, liều tăng cường tiêm sau liều thứ hai 6 tháng. Trước đó, Anh cũng đi đầu trong chương trình tiêm chủng khi phê duyệt vaccine AstraZeneca sớm nhất nhằm bảo vệ người dân trước làn sóng Covid-19 hồi đầu năm.
Nhiều chuyên gia cảnh báo Omicron sẽ ảnh hưởng đến những khu vực có tỷ lệ bao phủ vaccine thấp, đồng thời kêu gọi các nước phát triển viện trợ lượng vaccine còn thừa thay vì tiêm liều thứ ba cho người dân.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), chỉ 7,5% người dân ở các nước thu nhập thấp đã tiêm ít nhất một liều vaccine. Ở 8 quốc gia châu Phi chịu ảnh hưởng bởi lệnh cấm đi lại vì biến chủng Omicron, tỷ lệ dân số đã tiêm một liều vaccine dao động từ 5,6% (Malawi) đến 37% (Botswana)
Michael Head, nhà nghiên cứu cấp cao về sức khỏe toàn cầu, Đại học Southampton, cho rằng biến chủng mới xuất hiện là "hệ quả của việc thế giới tiêm chủng quá chậm".
Thục Linh (Theo CNN)